Nhà thơ nghiệp dư và nỗi đau Hàn Mặc Tử - Kỳ 3: Lều gió ven sông - viết tiếp Quần Tiên Hội

05/02/2009 23:45 GMT+7

Năm 1986. Một hôm lúc rỗi rảnh, Đơn Phương lục lại đống bản thảo cũ, bất chợt thấy bản thảo viết tay Quần Tiên Hội có từ năm 1972, độ 150 câu, dựa theo kịch thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử đang làm dở, chỉ lưu truyền được 41 câu (theo sách nghiên cứu - phê bình của nhà văn Trần Thanh Mại). Bản viết tiếp của Phương cũng chưa hoàn thành, vì phải đi Quy Hòa nên còn bỏ dở... Nghe đọc bài

Hoàn tất kịch thơ

Phạm Xuân Tuyển - một nhà khảo cứu dành cả đời khắc họa chân dung Hàn Mặc Tử - sau một lần ghé thăm Lều gió ven sông đã yêu cầu Phương đưa tập bản thảo Quần Tiên Hội cho ông Võ Long Tê xem thử, bởi ông Tê là một chuyên gia nghiên cứu văn học, đặc biệt về Hàn Mặc Tử. Đúng như Tuyển dự đoán, sau khi xem xong bản thảo, Võ Long Tê hết lời ca ngợi, rằng quả là một tác phẩm vượt mức tưởng tượng của ông. Lấy tư cách nhà nghiên cứu văn học, Võ Long Tê yêu cầu Phương viết tiếp ba hồi còn lại, theo đề cương của Hàn Mặc Tử còn lưu truyền.

Được khen ai mà không hứng khởi, nhưng thời gian đối với Phương lúc này quá quý hiếm, vì phải vật lộn trong cuộc mưu sinh cho cả gia đình. Tuy vậy, với nguồn cảm hứng đang tuôn trào, Phương quyết định vừa đi bán vé số, vừa tiếp tục sáng tác, lợi dụng thời giờ trống buổi trưa, tìm đến góc phố nào đó ít ồn ào mà ngồi viết, không thì đợi lúc về tới Lều gió ven sông để viết. Phương nói, kể lại thì nghe có vẻ nhẹ nhàng đơn giản nhưng để thực hiện là điều thật sự khó khăn. Viết tiếp tác phẩm dở dang của một tác giả lừng danh, làm cách nào để hòa nhập được cả hai mặt ý tưởng và văn phong, làm sao để tránh được cảnh đầu voi, đuôi chuột?

Mùa hạ năm 1973, Đơn Phương cùng hai người bạn đồng cảnh ngộ rủ nhau ra Quy Nhơn chơi. Lúc vào trại phong Quy Hòa, ngang qua Gành Ráng, nhìn lên mộ Hàn Mặc Tử nằm trong vòng rào kẽm gai, Đơn Phương đã sáng tác bài Đài thơ, trong đó có đoạn: "Tôi với người cùng thế giới đau thương/Thịt cùng ngấm một thứ hương kỳ quặc/Cũng cùng rưới lên rừng đời nước mắt/Nay bên mồ xin đặt một vòng hoa...".

Phương kể, quá trình sáng tác Quần Tiên Hội, Phương có những kỷ niệm vừa xót đau mà cũng thật khó quên. Một hôm đang đi bán vé số ở chợ Thủ Đức thì cảm hứng thơ xuất hiện. Tuy nhiên do buổi sáng lúc ra đi quá vội, quên mang theo bản thảo, sợ chờ lúc về đến nhà thì sẽ quên nên Phương đành hỏi mượn cây bút của một cô gái bên đường. Cô gái có lẽ nhìn thấy hình hài khá "cổ quái" của anh, nhất là cặp móc sắt nơi bàn tay giả nên cô ngoảnh mặt từ chối. Trong lúc Phương đang thẫn thờ thất vọng thì một người đàn ông ngồi trên xe Honda, có lẽ đang chờ người thân đi chợ, bước tới rút viết đưa anh mượn. Thấy Phương cầm viết quá khó khăn, ông bảo anh muốn ghi gì thì ông ghi giúp. Phương liền đọc 4 câu thơ anh vừa nghĩ được: "Tình chàng không giống Trương Quân Thụy/Có nghĩa trinh nguyên thấm tận hồn/Chảy mãi trong tim nguồn Thánh Ý/Hoa lòng không đậu xứ Tân Hôn (Quần Tiên Hội - câu  679 - 682).

Phương kể thêm chuyện khác. Trước đó, cũng vào buổi trưa, bên một chung cư, đang lúc anh cắm cúi ghi lại những dòng thơ mới nghĩ ra thì bất ngờ mâm vé số của anh bị bọn cướp giật mất. Thế là toi công, lại mất sạch cả vốn, nhưng Phương vẫn thấy được an ủi vì đổi lại, anh có được hơn chục câu thơ: "Nương nương ơi! Đàn lòng ra thơm nức/Lửa hồng thơ hừng hực đốt tâm trung/Ta nắn nót phím đàn căng tột bực/Tình đôi ta đến tuyệt mức vô cùng...".

Trại phong Thanh Bình là một cù lao nhỏ nằm bên sông Sài Gòn, trong đó Lều gió ven sông của Phương nằm một góc biệt lập, yên tĩnh, cách xa hẳn nơi ở của những trại viên khác. Nhờ cảnh sắc thanh tịnh đó mà dòng thơ trong hồn Đơn Phương luôn dào dạt. Ban ngày vừa kiếm sống, vừa làm thơ, đêm đến lại đọc lại những gì của ban ngày rồi viết tiếp.

Có khi Phương mải mê thức viết cả đêm, tới sáng kiệt sức không đi nổi để bán vé số, đành phải mang trả cho đại lý. Nhưng thật may là nhờ vào sự đam mê thơ ca cộng với nguồn cảm hứng dâng trào, chỉ chưa đầy hai tháng, Phương đã hoàn thành bản thảo Quần Tiên Hội 700 câu, với 41 câu thơ còn lưu truyền của Hàn Mặc Tử, vượt xa ý định ban đầu.

Giờ đây nhớ lại, Phương thực sự mang ơn những động viên, khơi mào của nhà nghiên cứu Võ Long Tê cùng với sự khích lệ của Phạm Xuân Tuyển để Phương có đủ cảm hứng và tự tin, làm được một công việc có một không hai như vậy.

Trong một buổi ăn sáng ở tư gia, ông Võ Long Tê tiết lộ cho Phương  biết, có một phụ nữ rất say mê Quần Tiên Hội, dù mới đọc qua bản thảo mà đã thuộc lòng rất nhiều câu, như: "Em vốn biết tẩy trần là mỹ tục/Nên vừa rồi đã tắm biển trăng sao". Hoặc: "Từ thuở gặp hồn em trên phím nhạc/Thơ luôn bay, mở rộng xứ Tương Tư/Vâng, đêm nay anh chôn niềm khao khát/Gần bên em, thục nữ động Huyền Hư...".

 
Nhà văn Sơn Nam (phải) cùng Đơn Phương và gia đình - Ảnh: Lê Anh Đủ

Tìm đường xuất bản

Đơn Phương nhớ, đúng thời gian này cũng là lúc nhà thơ Chế Lan Viên ngã bệnh, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó ít lâu, ông Võ Long Tê có trao cho nhà thơ Chế Lan Viên xem bản thảo Quần Tiên Hội. Cũng như ông Tê, Chế Lan Viên cho đó là một tác phẩm kỳ diệu hiếm hoi của hậu bán thế kỷ 20. Khi gặp Phạm Xuân Tuyển vô thăm, Chế Lan Viên có hứa sau khi lành bệnh sẽ vận động để tác phẩm được xuất bản. Thật đáng tiếc là sau đó chẳng bao lâu, nhà thơ Chế Lan Viên qua đời (19.6.1989).

Hai năm sau, kể từ khi Phương hoàn thành kịch bản thơ Quần Tiên Hội, bất ngờ Báo Công Giáo và Dân Tộc số 782  ra ngày 11.11.1990, trang 3 có đăng bài Người viết tiếp Quần Tiên Hội. Bài ký tên tác giả Huỳnh Hây, trong đó ghi rõ nơi hoàn tất thi phẩm là Lều gió ven sông bên trại phong Thanh Bình. 

Khoảng một tháng sau khi có bài giới thiệu, linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt, một người luôn thường xuyên giúp đỡ bệnh nhân phong, sốt sắng nhận tài trợ chi phí xuất bản Quần Tiên Hội. Phương quá mừng, giao hết mọi việc nhờ Phạm Xuân Tuyển đảm trách. Từ tài ngoại giao và nhiệt tình của Tuyển, kịch thơ Quần Tiên Hội cuối cùng cũng đã được trình làng với hơn 1.000 bản in, vào ngày 30.3.1991.

Vài hôm sau khi tập sách Quần Tiên Hội ra mắt, linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt đích thân mở một tiệc trà tại Lều gió ven sông để chúc mừng sự ra đời đứa con tim óc của Phương. Linh mục còn mời các em trong ca đoàn Thanh Bình đến dự, tặng hoa chúc mừng Phương. Tiệc tuy nhỏ và đơn sơ nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn lao và thật đáng trân trọng. (Còn tiếp)

 Kỳ 1: Vị đắng tuổi xuân
 Kỳ 2: Người tù không án

Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.