Nếu thơ Nguyễn Duy không chỉ “đậm đà” mà còn “đậm đặc” bản sắc dân tộc như người ta vẫn hay nói, thì con người Nguyễn Duy dù sống ở thành phố lâu năm, đi Tây đi Mỹ rất nhiều lần, nhưng vẫn còn “nguyên một cục” là một nông dân xứ Thanh. Xứ ấy nghèo, và người xứ ấy cực kỳ tháo vát.
Không thể kể hết những tháo vát của Nguyễn Duy một khi đã sống gần anh. Nguyễn Duy là người nấu các món ăn, đặc biệt là món nhậu, rất ngon. Anh đánh tiết canh vịt tuyệt khéo, và chặt thịt vịt luộc “miếng lào ra miếng ý” (miếng nào ra miếng ấy). Đó là cả một nghệ thuật. Và là niềm say mê của một người không đứng đâu lâu, ngồi đâu lâu. Những người như thế, dân gian gọi là không được hưởng chữ nhàn! Nhưng Nguyễn Duy đâu cần hưởng nhàn. Khéo anh sẽ chết vì buồn chán khi phải hưởng nhàn ấy chứ.
Với Nguyễn Duy, thì làm mọi việc đều là làm việc, và việc gì mình làm mà mình thích thì đều có sáng tạo trong đó. Như chuyện đánh tiết canh vịt. Hay chuyện sáng tác lời và hát xẩm. Trong Đại hội nhà văn lần 4 năm 1989, Nguyễn Duy đã có ngay một “hợp xướng” hát xẩm, nếu xét về độ dài và hoành tráng của bài xẩm này. Nhiều nhà văn và không phải nhà văn tới nay vẫn còn nhớ một số đoạn trong bài xẩm “lịch sử” này.
Hay khi Nguyễn Duy cùng chúng tôi sang Liên Xô (cũ) học ở trường Gorki, trước khi viết bài thơ nổi tiếng “Nhìn từ xa Tổ quốc”, Nguyễn Duy đã có bài hát xẩm cũng nổi tiếng không kém trong cộng đồng người Việt tại Nga hồi đó. Bài xẩm nói về cảnh “ngang lưng thì thắt nồi hầm/đầu đội áp suất vai chần máy khâu” của những người Việt, trong đó cả Duy và chúng tôi, ở Nga hồi đó. Những bài hát xẩm của Nguyễn Duy hầu hết đều xuất phát từ “thời sự” và “phục vụ kịp thời tại chỗ”.
Tôi nghe, đã có lúc Nguyễn Duy ra chợ Đồng Xuân, nơi có “chiếu hát xẩm” vào tối thứ bảy phục vụ khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài để thực hành tại chỗ những bài hát xẩm của mình giữa những nghệ sĩ hát xẩm chuyên nghiệp. Và đã thành công. Hỏi anh có được đồng nào sau những lần “hát” như thế, Nguyễn Duy cười: “Được nhiều hơn cả tiền ấy chứ!”. Hơn cả tiền là những gì thì không nghe tác giả giải thích, nhưng theo tôi, nếu Duy miệt mài theo “kênh xẩm” này, anh sẽ thành công hơn, và sẽ “văn học hóa” nghệ thuật hát xẩm, đưa nó lên “một tầm cao mới”.
Nhật Chung
Bình luận (0)