Nhà thơ Thảo Phương lâm bệnh nặng từ nhiều tháng nay. Gần đây gia đình đã đưa Thảo Phương từ bệnh viện về nhà riêng để tiếp tục chăm sóc, nay chị đang ngày càng yếu dần.
Đến thăm, Thảo Phương đang ngủ, người gầy hẳn, hơi thở nặng nhọc. Người nhà bảo hiện chị hầu như không muốn ăn, muốn uống gì. Mỗi bữa nuốt chút súp loãng và sữa để uống thuốc. Đứng im nhìn chị nằm trong căn phòng nhỏ, im vắng, tối mờ mờ, chợt nhớ Thảo Phương ngày nào cầm trên tay tập thơ Khúc ca thời gian của mình mới in, vui vẻ một lát, rồi chợt chùng xuống, xa xăm và lẻ loi như một "hành tinh buồn" (tên một bài thơ của chị) và như trầm ngâm trước "dòng thời gian" bất chợt về qua (như chị viết): Tất cả dường như giấc chiêm bao.
Ta đã yêu và hạnh phúc dường nào. Ta tung tăng bên biển biếc ba màu. Thả vào sóng những tràng hoa đỏ thắm. Để về sau, ngậm ngùi: Đàn chim bỗng giăng ngang hoàng hôn. Tiếng thưa thớt rung rinh làn khói biếc. Còn mình ta - mình ta... mình ta! Và trái tim rưng rưng buồn nhớ. Tất cả dường như giấc chiêm bao.
Từ đó Phương bắt đầu cuộc lãng du đơn độc: Có tiếng hú từ hồng hoang vọng tới. Tôi lạc mình trong ngàn mắt ngàn tay.
Song, thiên đường tuổi thơ vẫn luôn tồn tại trong ký ức như tự bạch của Thảo Phương: "Tôi sinh ra ở Việt Bắc (ngày 28.10.1949), lớn lên nơi một đường phố yên tĩnh trông ra đê sông Hồng (...) mùa đông, mây xám lặng lẽ trôi qua những cành bàng khẳng khiu, run rẩy - và Tôi: Yếu đuối cùng hờn giận, chảy những giọt nước mắt vô cớ. Giờ đây, tôi vẫn thấy mình đứng lặng trên đê sông Hồng - Bác Cổ (...) dòng nước đỏ ngầu cuồng nộ đã nhấn chìm và xô đổ bao mái nhà bình yên, lam lũ ngoài đê.
Nhà thơ Thảo Phương |
Phải đây là dòng nước hiền hòa làm nên bãi bồi từng in dấu chân tôi bé bỏng bên những mầm ngô xanh biếc? Phải. Và đó cũng là Cuộc sống. Không trong, không đục. Không thiện, không ác. Và luôn bị chi phối bởi những dòng ngầm mạnh mẽ và bất ngờ. Tôi yêu sông Hồng như nó vốn thế. Như yêu cuộc sống mà tôi chưa dứt được nợ...".
Món nợ lớn nhất mà người cầm bút thường nhắc tới là "nợ văn chương". Song với Phương được đến với thơ không phải là "nợ" mà là "một món quà" bất chợt trong kiếp này, như Phương viết: "Tôi biết chắc mình là kẻ may mắn khi gặp được Thơ - phương cách mà tôi mong muốn thể hiện được tình yêu, nỗi đau, những trăn trở trước cuộc sống và nhân tình" (Khúc ca thời gian). Giờ thì Thảo Phương đang đánh vật với cơn bệnh nghiệt ngã, đã yếu lắm, không tự đứng dậy đi lại được.
Thỉnh thoảng người nhà phải đỡ dậy, bồng ra phòng ngoài để chị nhìn ánh sáng trời một lát. Để chị ngủ, chúng tôi im lặng ra về, bước xuống cầu thang tráng xi măng mà Phương trước đây đã bước lên hằng ngày lúc còn khỏe mạnh, lòng chợt nhớ hai câu thơ hư hư thực thực của Phương viết trước ngày trở bệnh: Con thuyền chở đầy sương và những vì sao đêm còn sót lại. Thả neo chờ tôi bên thềm... Văng vẳng khúc hát quen thuộc của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ chị: Dường như ai đi ngang cửa - Gió mùa đông bắc se lòng…
Giao Hưởng
Bình luận (0)