Nhà thơ Triệu Kim Loan khắc khoải nỗi niềm chung-riêng trong 'Suy tư chiều'

07/03/2022 11:07 GMT+7

Đúng như tên gọi của tập thơ, Suy tư chiều chính là nỗi lòng của nhà thơ Triệu Kim Loan sau mấy chục năm đứng trên bục giảng với biết bao nỗi niềm chung-riêng, khắc khoải về cuộc đời...

Có nỗi suy tư nào mà chẳng ngổn ngang, đa chiều và dồn nén nên khi cầm trên tay tác phẩm mới Suy tư chiều của nhà giáo – nhà thơ Triệu Kim Loan (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) thì sự suy tư ấy càng trở nên da diết, lắng sâu đến khắc khoải: "Bút nghiêng/thả nét dịu dàng/Thơ nghiêng/nghiêng cả thời gian nhân tình". (Nghiêng).

“Nghiêng” phải chăng là một định thức, một quy luật hay một sự đổi thay?. Khó có thể đưa ra câu trả lời đủ đầy cho khái niệm này. Triệu Kim Loan đã “thả” vào thơ một bể vương mang, đợi chờ vời vợi. Niềm đợi chờ ấy luôn tỉnh thức, lạc quan và duy mỹ: "Lá chuyển màu rơi nghiêng.../Về với đất khiêm nhường như lòng mẹ/Mắt lá hướng lên trời hát khẽ/Tận hiến mình cho chồi biếc mai sau..". (Mắt lá).

Nhà thơ Triệu Kim Loan lúc còn trẻ

NVCC

Mạch chủ đạo trong thơ Triệu Kim Loan luôn là sự da diết của hoài niệm, tình thương, sự đậm đặc của trách nhiệm, sự khoan hòa giữa thiên nhiên và sự hướng thiện trong cõi tình nhân thế. Điều đó như một khớp nối tất yếu giữa nghề dạy học và việc làm thơ vậy. Dù là những băn khoăn hay vương vấn, tâm trạng thơ vẫn giúp ta thấu hiểu một khoảnh khắc của suy tư: "Ơi giọt nắng dệt ngàn sợi nhớ/Ủ hương thầm, xao xuyến... bóng hình ai/... Mai xa rồi, tháng năm trôi, có hẹn/Đủ vấn vương, giọt nắng, gọi ta về". (Giọt nắng sân trường)

Thơ chị luôn chân tình, dễ hiểu, tuy không giàu tính triết luận nhưng đằm thắm trong lời nhắn nhủ xa xôi và lắng đọng. Có lẽ nghề nghiệp cũng phần nào giúp chị truyền tải những cảm xúc tinh tế của mình theo hướng mở mạch nguồn và đích đến đều giản dị. Giản dị mà không hề dễ dãi: "Thon áo tím ngỡ ngàng trên phố/Hà Nội trầm tư chớm lạnh đông về/Sương lãng đãng nắng còn hoe một nửa/Mắt Hồ Gươm liễu rủ nét thề". (Như đã hẹn)

“Mắt Hồ Gươm liễu rủ nét thề” là sự nhạy bén, khổ công và đầy trách nhiệm với con chữ, sự tìm tòi cứ âm thầm, lặng lẽ trong từng câu thơ mà nếu ai đọc thoáng qua sẽ ngỡ như một chùm xanh bình dị, nhưng khi đọc kỹ, lòng sẽ chợt vương mang vời vợi lịch sử mãi thân quen...

Sự hiền lành, dễ thương và nhẹ nhàng trong thơ đã là những hồi kết sau biết bao thời gian chăm sóc, tỉa cành mở nhánh chọn đường vươn: "Đời thăng trầm lênh đênh số phận/Nay sum vầy mai đã cách xa/Em gom hết giận hờn vào nhớ/Thoáng nét buồn một khoảng trong thơ". (Chênh vênh).

Suy tư chiều chính là nỗi lòng của nhà thơ Triệu Kim Loan sau mấy chục năm đứng trên bục giảng với biết bao nỗi niềm chung-riêng

Thơ Triệu Kim Loan luôn chân tình, dễ hiểu, tuy không giàu tính triết luận nhưng đằm thắm trong lời nhắn nhủ xa xôi và lắng đọng

NVCC

Thơ là nơi giấu buồn, giấu nhớ, giấu chênh vênh khi cõi lòng cứ nghiêng theo thời gian năm tháng, giữa đất trời chẳng mấy lúc bằng phẳng và bình yên. Triệu Kim Loan đã bầu bạn với thơ theo cách của riêng mình: "Có lúc phải trốn chạy tìm góc khuất bình an/Khi tâm hồn đơn côi tự nhốt trong căn phòng chật chội/Khi trái tim bị tổn thương không gì vá nổi/Khi nhận ra sự lọc lừa đáng sợ của dối gian". (Trốn chạy)

Hay: "Em sẽ giấu trong trái tim lỗi nhịp

Đại dương nhìn sóng chẳng cuồng ghen

Miền đơn côi những đêm dài thiếu ngủ

Không ngọt ngào êm dịu nụ hôn quen" (Điều em giấu)

Dù trong hoàn cảnh nào, nếu là một tấm lòng nhu thuận và có phần yếm thế, chị vẫn cho ta thấy được ý niệm phản kháng của dáng trúc dáng tre, sự chịu đựng của một nhân cách giữa bể đời xô dạt, để rồi thơ cứ là kết thúc nhân quả có hậu nhất: "Mưa bỗng rơi, trăng sao tìm nơi trú/Lá thẫn thờ đan tấm áo che sương/Mảnh trăng ơi, xin hằng đêm trở lại/Để lá còn xanh mãi những mùa thương". (Buồn vô cớ)

Viết về nỗi đau, thơ Triệu Kim Loan vẫn dịu dàng, nhân hậu và đợi sự an bằng: "Vùn vụt trôi cau trầu thành bạc trắng/Tuổi hoàng hôn đau nỗi nhớ xanh về/Đêm cỏ rối tiếc một đời lầm lỡ/Sợi dây dài tiếc giếng nước cạn khô/Xa xót lắm, thôi đành chia biệt/Lá trầu mềm xin giữ một ngăn em". (Gió ơi đừng thổi nữa)

Những nỗi khát khao lãng mạn đôi khi cũng làm thơ chị trở nên bồi hồi, khắc khoải dẫu rằng nơi ấy mung lung:

Đã qua rồi

Bao mùa sim tím

Lời hẹn năm xưa

Gió cất nơi nào

Ngăn kí ức vỡ tung lồng ngực

Em khát tìm

Một chiều tím hoa sim (Chiều tím hoa sim)

Những cung bậc trong thơ Triệu Kim Loan luôn thăng trầm cùng xúc cảm, ở đó có cả mâu thuẫn tự thân và có cả sự hài hòa bày biện, dù đối nghịch hay đồng nhất ta vẫn thấy niềm tin và sự duy cảm: "Người đàn bà như cây lúa khát mưa/Cả một đời đi qua miền cỏ cháy/Thương phận người sớm khuya xuôi ngược/Thân liễu mềm lỡ dở một thì xuân/... Dẫu có muộn thì mưa ơi hãy đến/Để một lần đất khát được gặp mưa!". (Khát mưa)

Những ước muốn trong thơ chị có lẽ bắt nguồn từ niềm tin, niềm tin về sự tốt đẹp trong quy luật xoay vần của tạo hóa, niềm tin về sự bù trừ bởi cuộc sống vốn đỗi nhân hậu bao la. Niềm tin đó đã giúp mạch thơ chuyển mình:

Tuổi xế chiều là thế

Tựa như gió như hoa

Kệ thời gian chớp bể

An nhiên ta trở về (Suy tư chiều)

Nhà thơ Triệu Kim Loan (phải) trong một lần giao lưu với thính giả Đài VOH về tác phẩm mới

NVCC

Đúng như tên gọi của tập thơ, Suy tư chiều chính là nỗi lòng của cô giáo – nhà thơ Triệu Kim Loan sau mấy chục năm đứng trên bục giảng với biết bao nỗi niềm chung riêng... Đó là nỗi suy tư về cuộc đời, về từng ý niệm sống, những bến bờ kiến thức được tiếp thu từ những người thầy để truyền dẫn tới bao thế hệ học sinh thân yêu. Khi mà cảm giác cuộc đời đang “về chiều” cũng là lúc lòng ai đó thường ngổn ngang, thổn thức và đầy ắp suy tư, chiêm nghiệm.

Với nhà thơ Triệu Kim Loan, những ý niệm trong thơ chị dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn là “hoàng hôn ấm áp”. Chị đã thẩm thấu vào nỗi suy tư bằng tất cả cảm thức trong biết bao hy vọng và niềm tin về những giá trị của đích đến trong cuộc đời này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.