Nhà thơ Trương Công Tưởng sinh năm 1990. Tác phẩm mới Ta thương người lắm mà không nói (do NXB Văn học ấn hành) là tập thơ thứ ba của anh, sau tập thơ đầu Ngồi gỡ tơ trời (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018) và tập thơ Đợi những vắng xa (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2021).
Sáng tác không nhiều nhưng chất lượng, Trương Công Tưởng đã nhận được giải B – giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019; giải B – giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020), giải thưởng Gương mặt trẻ Bình Định tiêu biểu năm 2022 và một số giải thưởng khác.
Trong dòng chảy thơ trẻ Việt Nam, Trương Công Tưởng là một cái tên được nhiều đồng nghiệp cũng như độc giả biết đến cho dù anh hoạt động chủ yếu ở địa phương, chứ không ở tại hai trung tâm văn học lớn là Hà Nội và TPHCM, nơi có những điều kiện thuận lợi để thơ vang tiếng hơn và người thơ đi xa hơn trên con đường sáng tác.
Với điểm tựa là mảnh đất quê hương Bình Định, tập thơ Ta thương người lắm mà không nói của Trương Công Tưởng đã dành khá nhiều ưu ái cho nơi chôn nhau cắt rốn cũng là nơi sinh sống của tác giả. Những nơi chốn như tên các bài thơ Na An chiều thẳng đứng hay Đêm ở Hoài Ân, Những nắng trên đồi, Dòng sông tôi đã tắm hai lần… là hình ảnh của quê hương Bình Định được tác giả chắt lọc từ trong ký ức, kỷ niệm, biến thành câu chữ nặng tình:
Rồi tôi lớn
Không bỏ được thói quen là mỗi khi buồn trèo tót lên ngọn me
Nhìn về cuối dòng
Tôi biết những cánh buồm chẳng bao giờ trở lại
Nhưng dòng sông tôi đã tắm hai lần
bằng nước mắt mẹ tôi,
(Dòng sông tôi đã tắm hai lần)
Lấy ý tưởng từ một câu nói nổi tiếng của nhà triết học duy vật Hy Lạp thời cổ đại Heraclitus: "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông" để ám chỉ rằng mọi sự vật hiện tượng đều qua đi mà không bao giờ trở lại, Trương Công Tưởng muốn nói với độc giả rằng thời gian hay là không gian miền quê hương Bình Định là nơi vĩnh viễn tồn tại trong tâm tưởng nhà thơ, bởi vì nơi ấy có gia đình, người thân, bạn bè, người yêu… Nơi nào có người mình yêu thương, thì nơi ấy còn mãi, thời khắc ấy còn mãi, dù là vui buồn, hạnh phúc hay bất hạnh.
Thương mà không nói bởi vì "người có cả mà tôi thì mất cả"
Miền đất xa Bình Định không hạn chế tư duy và ngôn ngữ thơ của Trương Công Tưởng. Bên cạnh những câu chữ thắm tình quê hương, tập thơ Ta thương người lắm mà không nói là một tập thơ đậm chất hiện đại với nhiều suy tưởng.
Không phải là một tập thơ trau chuốt ngôn từ hay mang nặng tình cảm bi lụy, Trương Công Tưởng đã không ngại thể nghiệm một tư duy mới trong thơ, đó là những triết lý không cao xa mà dung dị đời thường, như rút ra từ gan ruột, nghe nhẹ như không mà lại có sức nặng níu lòng người.
Những đêm ngồi khóc dưới sao trời
Người có cả còn tôi thì mất cả
Cũng may, tôi còn tôi
…
Cũng may, tôi còn đôi mắt
Nhìn em hạnh phúc với người
Nhìn tôi bạc nhược
Thẳm thẳm ngày trôi.
(Khóc dưới sao trời)
Không chọn cho mình lối viết suy tư giàu lý tính, Trương Công Tưởng đã chọn một ngôn ngữ thơ giàu mỹ cảm. Tình cha con, tình mẹ con, hay tình yêu đôi lứa dẫu có nét buồn, có mất mát, thua thiệt, nhưng không bao giờ là oán hờn, trách móc hay giận dỗi. Nhà thơ đi qua những tình cảm phức tạp trong đời với cách nhìn, cách sống của một người bao dung, thấu suốt, hiểu được lòng người.
Chạy ngang qua nhớ thương
Gặp nụ cười tỏa nắng
Trên ô cửa sáng nay
Nỗi buồn vừa đi vắng
(Rủ mùa hè chạy trốn)
Trong những bận rộn đời thường, trong những nỗi đau tình, dường như nhà thơ vẫn giữ cho bản thân một chút mơ mộng, hồn nhiên. Bản chất của thi sĩ cho dẫu muốn buông xuôi hay hờ hững, thì vẫn luôn cần tình yêu thương:
Có người ôm trọn cơn đau
Có người đi suốt chiều sâu nỗi buồn
Ngô nghê khóc hồn nhiên cười
Và ta đang sống như người ngủ mơ
Muốn về thương kẻ làm thơ
Muốn buông xuôi muốn hững hờ trời ơi.
(Người ngủ mơ)
Với tâm thế như vậy thì tập thơ Ta thương người lắm mà không nói là một thành công mới của Trương Công Tưởng trên con đường sáng tạo thơ ca.
Bình luận (0)