Trương Nam Hương là nhà thơ luôn biết cách làm mới mình, vì vậy mà Thời nắng xanh và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành) cho thấy một Trương Nam Hương mới mẻ, hiện đại trong thơ, bên cạnh những tố chất tạo nên tên tuổi anh trên thi đàn: sự đằm thắm với tư duy mới trên chất liệu, phong vị cổ điển; những triết lý nhân sinh, suy tưởng sâu sắc qua ngôn ngữ thơ và thi pháp đầy sáng tạo…
Tập thơ mới Thời nắng xanh và những bài thơ khác của Trương Nam Hương do NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt độc giả |
Nhà thơ Trương Nam Hương qua nét vẽ bạn hữu |
Đôi bạn thơ Trương Nam Hương - Lê Minh Quốc |
NVCC |
Trước hết, vẫn là những trang thơ tuyệt đẹp dành cho người thân yêu và nhiều nơi chốn thân thương của đời anh. Thương kính mẹ cha một đời tần tảo, câu thơ nào của anh cũng thấm đẫm yêu thương và lòng biết ơn sâu nặng.
Trước tấm ảnh mẹ thời son trẻ, nhà thơ viết: “Nâng tấm ảnh đã nhòa như sương khói/ta hôn về cô gái - mẹ ta xưa”. Anh mất mẹ từ thuở nhỏ, nhưng mẹ luôn sống trong tâm tưởng nhớ thương của anh. Không chỉ hôn lên tấm ảnh, khi đưa mẹ vào tháp cốt, anh bần thần: “Quên hóa vàng đôi guốc/lên đó Người lạnh chân”.
Với cha, tình thương như sông dài biển rộng. “Áp mặt vào sông/bóng cha đáy nước/Người khuất lâu rồi/vớt thương chẳng được”.
Quê cha xứ Huế, quê mẹ Bắc Ninh, thuở nhỏ sống nhiều ở Hà Nội và lớn lên ở Biên Hòa, rồi TP.HCM nên trong thơ Trương Nam Hương có cái nền nã Kinh Bắc, thâm trầm cố đô Huế, hào hoa Hà Nội và phóng khoáng của đất phương Nam. Nơi nào cũng lưu dấu thương yêu, đi vào thơ anh nhẹ nhàng, thanh thoát: “Kinh Bắc níu tháng ngày son trẻ/Mẹ xuống đò nhận đắm thời xanh/chớp mắt đã ngày xưa xa lắc/gặp dòng sông giữa chỉ tay buồn”.
“Mẹ hóa mưa phùn, cha hóa gió/Em về… thương lấy một câu thơ”
“Sông Hồng hắt đỏ lên thơ/Tôi buông lục bát xanh bờ Hương giang”…
Dĩ nhiên, có được những câu thơ nhiều người đọc, yêu thích và thuộc lòng, thì nhà thơ đã lao tâm khổ tứ trên cánh đồng chữ nghĩa, trên “những luống thơ”. “Tứ như vốc hạt tình gieo xuống/mảnh đất hồn ta chữ lặng chờ/ngày như giấy trắng đêm như mực/ngọn bút khơi mầm - những luống thơ”. Lao động chữ nghĩa nghiêm túc, sau những ngẫm ngợi đã có lúc xuất thần, ý tứ bật ra cùng với những dụng công, tài hoa diễn đạt mà thành. Với những thi phẩm đó của Trương Nam Hương, người đọc nhận ra dường như con chữ động đậy, hồn chữ bay cao, tâm chữ đọng lại.
Với Thời nắng xanh và những bài thơ khác, nhà thơ tiếp tục thể hiện dấu ấn sáng tạo qua thi pháp, thi ảnh, với giọng điệu và phong cách riêng |
Tác giả Trương Nam Hương ký tặng tác phẩm cho người hâm mộ thơ anh |
Với Thời nắng xanh và những bài thơ khác, nhà thơ tiếp tục thể hiện dấu ấn sáng tạo qua thi pháp, thi ảnh, với giọng điệu và phong cách riêng. Đặc biệt, Trương Nam Hương có những thi ảnh, từ ngữ sáng tạo rất đắt, như “những chuông hoa bé nhỏ, lặng lẽ rung”; “uống rét mùa”, “ly gió mùa” hay “Tây hồ em khuấy có lên sương”, “phố ú tim mưa, nắng ú òa”, “hoa lục bình xanh ríu”…
Quê cha xứ Huế, quê mẹ Bắc Ninh, thuở nhỏ sống nhiều ở Hà Nội và lớn lên ở Biên Hòa, rồi TP.HCM, trong thơ Trương Nam Hương có cái nền nã Kinh Bắc, thâm trầm cố đô Huế, hào hoa Hà Nội và phóng khoáng phương Nam |
NVCC |
Đọc thơ Trương Nam Hương thú vị ở chỗ giữa những câu thơ hay là những câu cực hay, những câu kết bất ngờ, ý vị. Trong khoảng rỗng của chiều, tác giả hạ bút “Chiều rớt vào đâu một chấm than!”. Nơi quán dốc, dưới gốc si miền quan họ “Ngày em bỏ hội theo chồng/mùa xuân quán dốc rối bòng rễ si”. Câu thơ đẹp như tranh và nỗi lòng rối ren giăng mắc… Khi mời em vào quán thời gian, lúc “đắng lòng môi chạm yêu thương/thời gian quên bỏ chút đường đó em!”, cái bất ngờ duyên dáng cũng có thể là cảnh báo điếng đau cho một tình yêu…
Những con chữ qua tay Trương Nam Hương phủ lên một lớp nghĩa mới, để câu thơ lấp lánh tài hoa. “Anh đi mót từng dây khoai huây hoải/dỗ cái rét rỗng cồn cào chum vại”, “Loăn thoăn đồng đất tối ngày”… Những từ như “huây hoải”, “cồn cào chum vại”, “loăn thoăn” mới quá, hay quá. Những câu thơ “Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình”, “Thấy bóng người khuất đặc như sao” đầy ám ảnh, khiến người đọc không thể quên… Còn những câu thơ sau cho thấy nhà thơ đâu kém tân thời, hiện đại, dùng khẩu ngữ một cách có duyên ngầm: “Quán vườn mỗi rượu và nem/cũng khăn ướp lạnh cũng em cực kỳ/váy người ngắn đến mê ly/ngẫm thơ tứ tuyệt có khi còn dài”…
Dấu ấn trong tập thơ này không thể không nhắc đến là sự thành công trong thơ tứ tuyệt và những tìm tòi đổi mới từ thể thơ 3 câu của Trương Nam Hương. Đó cũng là những câu thơ mang tính thế sự, nghiệm sinh sâu sắc. Hãy nghe anh dặn con: “Khi con nói về giang sơn gấm vóc/nhớ đừng quên có hạt lúa tảo tần/khi con viết về lớn lao Tổ quốc/nhớ có phần vĩ đại của nhân dân”.
Tiễn hương hồn người mất vì Covid-19, anh viết: “Người mới đây người… không thấy nữa/nhang vẽ chân dung, khói điểm thần/lần về cuối ấy đi qua lửa/nén tiễn thương buồn – lệ ngún thân”
Thơ 3 câu của anh độc đáo ở lập tứ và tính triết luận. Có những bài, nếu tách riêng từng khổ 3 câu, vẫn có thể đứng thành bài độc lập. Chẳng hạn, hai đoạn sau trong “Lỗi hẹn sông Cầu”:
“Tháng Giêng hoa xoan rơi vụng dại/em với sông Cầu xanh trở lại/anh đi rét ngọt giữa tay cầm”
“Cỏ níu chân mùa sông thiếp ngủ/em tiễn cái nhìn đau cả gió/chiều chớp đầy anh… mắt lá răm”
Qua tập thơ này, người đọc vẫn thấy Trương Nam Hương luôn giữ phong độ của một nhà thơ tài hoa, câu chữ nhỏ nhẹ mà đằm sâu, vang vọng. Và xuyên suốt tập thơ này, anh tỏ bày một tấm lòng, thương hết nỗi xa xanh. Từ “cỏ mềm xanh thót trái tim”, “anh xanh với Huế suốt chiều ngó sen”, đến “xanh xót đầu thu” Hà Nội, “xanh như hát, xanh trong điều đổ vỡ” để “Tôi về thương hết nỗi xa xanh”…
Đó cũng là cỏ “thản nhiên xanh” giữa những biến thiên thời cuộc, lòng người. Lắng nghe, nhận về, công bằng, khiêm cung… như một cách sống, một tuyên ngôn sống nhẹ nhàng mà quyết liệt của thi sĩ Trương Nam Hương tài hoa, luôn cháy hết mình với thơ.
Bình luận (0)