Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Khương Hữu Dụng - cả cuộc đời dâng hiến cho thơ

31/07/2023 07:27 GMT+7

Có những ngày bình thường lại làm nên bước ngoặt trong đời. Với người sáng tác, nó làm nên bước ngoặt trong sáng tác. Ngày 17.3.1926 là một ngày như thế với nhà thơ Khương Hữu Dụng.

Đó là ngày cụ Phan Bội Châu đến nói chuyện với học sinh Trường Quốc học Huế. Nếu không có cái ngày đặc biệt đó, và không có mối quan hệ thâm tình sau đó giữa một học sinh "trong Quảng" trẻ trung, đầy nhiệt huyết nhưng đang "giữa ngã ba đường" với một nhà lão thành cách mạng, một nhà yêu nước vang danh khắp trong và ngoài nước, một chí sĩ và một nhà thơ tranh đấu cho độc lập dân tộc, một người yêu nhân dân bằng cả "huyết lệ" của mình, nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng dường như định mệnh đó, chắc hẳn Khương Hữu Dụng đã là nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới, như nhiều nhà thơ theo học ở Huế ngày ấy.

"Con đường sống của bọn nghèo ta/Có một, và duy chỉ một, là:/Tranh đấu luôn và tranh đấu mãi/Cho ngày mai đẹp hơn ngày qua" (Con đường sống - 1936). Tôi còn nhớ, ngày tôi học cấp 2, đâu như lớp 6 hay 7 gì đó, tôi đã được học bài thơ này trong phần "Văn học cách mạng". Bài thơ ký tên tác giả Thế Nhu. Sau mấy chục năm tôi mới biết, đó là bài thơ của bác Khương Hữu Dụng. Có thể nói, bác Dụng đã mở đầu sự nghiệp thơ của mình bằng những bài thơ tranh đấu, những bài thơ yêu nước.

Nhà thơ Việt Nam hiện đại: Khương Hữu Dụng - cả cuộc đời dâng hiến cho thơ  - Ảnh 1.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng

Tư liệu

Khương Hữu Dụng đã tuyệt đối chân thành với thơ, chân thành với mình và với người. Bắt đầu sự nghiệp bằng những bài thơ thương dân, yêu nước đầy day trở, về cuối đời làm thơ, Khương Hữu Dụng lại "bi bô" hồn nhiên những bài thơ viết cho trẻ nhỏ, những bài thơ tình nồng hậu, trẻ trung:"Khẽ gửi đường dây một nụ hôn/Nụ hôn ủ kín giữa tâm hồn…/Tình ta nồng nhiệt hơn dòng điện/Dù ở hai đầu vẫn ấm hơi" (Nghe điện thoại - 1996)

Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến 1946, Khương Hữu Dụng đã có "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng" - "tiếng chim" ấy là trường ca Từ đêm Mười chín nổi tiếng.

Đây là bản trường ca được viết theo tinh thần "Có cổ phong dùng cổ phong, có thơ mới dùng thơ mới, có thơ tự do dùng thơ tự do" - một trường ca bắc cầu về thi pháp, từ "thơ cũ" chuyển sang "thơ mới", từ thơ truyền thống chuyển sang thơ hiện đại. Cảm hứng sử thi, sự xúc động ngột ngạt trước một đại cảnh hào hùng và bi thương khi toàn dân vùng lên kháng chiến đã chắp cánh cho trường ca của Khương Hữu Dụng những thăng hoa tư tưởng, thăng hoa hình ảnh, thăng hoa ngôn từ. Bây giờ bình tĩnh đọc lại, có thể thấy trong trường ca có nhiều đoạn tả kể hơi dài, văn chương có hơi tự nhiên và có vẻ thiếu trau chuốt. Nhưng ta hãy hình dung một cảnh lở núi, ta sẽ thấy thật khó để "trau chuốt" để văn hoa trong hoàn cảnh ấy. Chỉ có trào cuộn, bùng vỡ, tung tóe, sôi sục… Không phải lúc nào người làm thơ cũng có được cơ may để sáng tác trong tâm trạng như thế, được viết hết mình vì chính những điều thiêng liêng và gần gũi như thế. Những hy sinh chói lọi có, thầm lặng có đã được ngợi ca trong tác phẩm này, một trong những trường ca đầu tiên của nền văn học cách mạng Việt Nam, và là trường ca thành công nhất trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hùng thiêng sông núi đã nhập vào ngòi bút Khương Hữu Dụng, khiến thi sĩ viết được những dòng thơ xuất thần, quật khởi: "Tay trao tay, dìu, kéo tới/Chân theo chân, dò, né bên/Lên: bám vào mây, xuống: bíu gió/Trượt chân: suối cuốn một làn rêu!".

Lối thơ cổ phong rắn chắc được dùng bên cạnh thể thơ tự do, như ngọn giáo đi liền với khẩu súng đã tạo cho trường ca một "trận chiến hiệp đồng", một bản giao hưởng mà nhịp nhanh cùng những vũ khúc như lốc cuốn luôn nổi lên, cuốn người nghe vào từ trường của một thể thức âm nhạc hòa trộn, bắt đầu mới mẻ, bắt đầu mang những dáng nét đầu tiên của cách tân.

Từng bươn chải, làm nhiều nghề để sống và sống xuyên thế kỷ 20, nhưng với Khương Hữu Dụng, thơ vẫn là trên hết, là tất cả. Là người bình thản với danh vọng, nhưng già Khương bao giờ cũng sôi sục khi chạm vào thơ, khi nói đến thơ. Tình yêu của bác với thơ là tình yêu dâng hiến, tuyệt nhiên không mưu cầu bất cứ danh lợi gì từ thơ.

Là lớp hậu sinh, đã nhiều lần được hầu chuyện bác Dụng về thơ, tôi luôn thấy ở bác một thái độ thành kính với thơ như thành kính với mẹ mình, và một tình yêu thơ như yêu con mình: "Chỉ ước trọn đời khi nhắm mắt/Được câu thần cú đủ vui rồi" (Tám mươi rồi hả?).

Là người tinh thông Hán học, am tường thơ Đường, suy ngẫm những bước căn bản của đời người trên những nét âm dương đứt nối của Kinh Dịch, nhưng Khương Hữu Dụng luôn biết giấu sở học của mình để sống thật hồn nhiên. Về già, nhà thơ muốn học ở con trẻ những Bi bô, những ngấp ngứ ngây thơ, những lời nói bất thần, những câu nói không định trước, và đó chính là những gì bác gọi là thơ: "Chiều lim dim bụng đói/Thành quả thị trong mơ" (Quả bóng).

Và đây: "Mời bé nếm mật/Của ong làm ra/Chút tình thơm ngọt/Ong hút từ hoa" (Ong với bé). "Ong" đó là ong, mà cũng là nhà thơ, sung sướng vì được phục vụ những em bé, tự nguyện "Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng" như Lỗ Tấn từng tự hào.

Trong lời Tự bạch, nhà thơ Khương Hữu Dụng viết: "Thơ là máu thịt, là Đạo của tôi. Nên cùng với thơ, tôi vẫn vui sống, yêu nước và yêu đời, thanh bạch và vô tư, làm thơ và dịch thuật". Thật khó để nói ngắn gọn hơn thế về cả cuộc đời "hành thơ", "hành đạo" của nhà thơ xứ Quảng cao niên này:

"Bi bô từ thuở Tiếng Dân

Bạc đầu thơ vẫn tiếng Xuân đánh vần"…(còn tiếp) 

Cuộc đời làm thơ của Khương Hữu Dụng (1907 - 2005) kéo dài hơn 70 năm, từ giữa thập niên 1930 đến cuối thế kỷ 20. Những tác phẩm chính của ông gồm: Những tiếng thân yêu, Quả nhỏ, Bi bô, Tuyển tập Khương Hữu Dụng. Ngoài ra, ông còn dịch hàng ngàn bài thơ chữ Hán và thơ tiếng Pháp, đặc biệt là thơ Đường của văn học Trung Quốc sang tiếng Việt. Trường ca Từ đêm Mười chín (ra đời những năm 1947 - 1948) viết về cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng quê hương ông là một trong những trường ca xuất sắc nhất của thơ ca VN kháng chiến chống Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.