Chuyên gia Kalev Leetaru của Đại học Illinois (Mỹ) vừa phát hiện, việc nạp tin tức càng nhiều càng tốt cho siêu máy tính có thể biến nó thành nhà tiên tri thực sự. Theo báo cáo trên chuyên san First Monday, ông Leetaru cho hay đã tổng hợp hơn 100 triệu bài viết thuộc đủ loại nguồn tin, từ Trung tâm Nguồn mở (Open Source Centre), BBC Monitoring đến dữ liệu trên mạng của tờ The New York Times, lưu từ năm 1945. Khi được nhập vào máy, các thông tin này sẽ được phân tích thành 2 dạng: tâm trạng (bài viết đưa tin tích cực hoặc tiêu cực) và địa điểm (nơi xảy ra vụ việc, vị trí những người tham gia câu chuyện). Phân tích tâm trạng sử dụng các từ khóa như “khủng khiếp”, “kinh hoàng” hoặc “tốt đẹp”. Còn phân tích nơi chốn lưu ý các từ khóa như “Cairo” và chuyển chúng thành các tọa độ tương ứng trên bản đồ. Kết quả phân tích các yếu tố của câu chuyện sẽ được sử dụng để tạo ra mạng lưới liên kết giữa 100 nghìn tỉ quan hệ.
|
Siêu máy tính dùng trong cuộc nghiên cứu này thuộc dòng Altix của SGI, tên là Nautilus, do Đại học Tennessee quản lý. Với tổ hợp đa nhân thuộc kiến trúc Nehalem của Intel, Nautilus có tốc độ xử lý tổng thể là 8,2 teraflop (teraflop = nghìn tỉ phép tính/giây). Dựa trên những thông tin báo chí cụ thể, Nautilus vẽ đồ họa cho những quốc gia khác nhau từng chứng kiến sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” - chỉ các cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập. Ở mỗi trường hợp, kết quả tổng hợp từ hàng ngàn bản tin cho thấy sự chùng xuống đáng chú ý trong cảm xúc của các bài viết trước thời điểm xảy ra sự kiện biểu tình hoặc nổi dậy. Chẳng hạn như trường hợp của Ai Cập, Nautilus ghi nhận tình trạng bất thường cách một tháng trước khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Siêu máy tính cũng chỉ ra được những lần thay đổi trước đó như lực lượng Mỹ dội bom xuống quân Iraq tại Kuwait vào năm 1991, và sự kiện Mỹ kéo quân vào Iraq hồi năm 2003.
Chuyên gia Leetaru hết sức hài lòng trước những kết quả chính xác như trên, và cho rằng Nautilus còn cung cấp thông tin tình báo tốt hơn nhân viên đặc vụ của Mỹ vào thời điểm đó. Bên cạnh đó, hệ thống của chuyên gia Mỹ còn giúp khoanh vùng nhanh chóng nơi ở có thể của trùm khủng bố Osama bin Laden. Chỉ có một bài viết đề cập đến cái tên thị trấn Abbottabad trước khi lực lượng Mỹ phát hiện chỗ ở ông này hồi tháng 4.2011. Tuy nhiên, phân tích về địa lý cho phép thu gọn lại vị trí của bin Laden, cách chỗ ở thực tế của ông này khoảng 200 km.
Leetaru hy vọng có thể tiếp tục cải tiến và áp dụng mô hình phân tích sự kiện này để dự đoán những sự kiện chính trên thế giới, dựa vào quan điểm và tâm trạng của các bài viết của giới truyền thông.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)