Nhà Trắng hướng tới chuyển giao quyền lực

11/11/2016 00:00 GMT+7

Sau hơn 24 giờ kể từ chiến thắng áp đảo và bất ngờ của ông Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 10.11 đã đón tổng thống đắc cử tại Nhà Trắng.

Theo hãng tin Reuters, đây là bước đi đầu tiên trên con đường chuyển giao quyền lực từ chính quyền cũ sang chính quyền mới tại Washington vào ngày 20.1.2017. Bất chấp những bất đồng trong quan điểm và chính sách, ông Obama cho biết sẽ noi gương cựu Tổng thống George W.Bush vào năm 2008 nhằm đảm bảo quá trình này được diễn ra suôn sẻ. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest, ông Obama đã tóm tắt những lợi ích của các chính sách được xem là di sản của ông trong 8 năm cầm quyền, như luật Obamacare, thỏa thuận hạt nhân với Iran, cam kết của Mỹ trong thỏa thuận chống tình trạng ấm lên toàn cầu theo sau hội nghị tại Paris. Không may là tổng thống đắc cử lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại với người sẽ là tiền nhiệm của mình, như ông đã liên tục thể hiện trong những tháng tranh cử vừa qua.
Kế hoạch 100 ngày
Trước đó, ông Trump dành cả ngày 9.11 để thảo luận về giai đoạn quá độ với đội ngũ tham mưu tại Tháp Trump ở New York. Đài NPR dẫn lại thông tin được công bố hồi tháng 10 cho biết kế hoạch 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Trump tập trung vào 3 điểm chính: “tẩy sạch” Washington, trong đó có hành động áp đặt giới hạn nhiệm kỳ của các nghị sĩ quốc hội; bảo vệ người lao động Mỹ, bao gồm việc rà soát mọi thỏa thuận có thể gây phương hại cho dân Mỹ; và cuối cùng là khôi phục nền tảng của luật pháp, như bắt đầu trục xuất khoảng 2 triệu di dân bất hợp pháp trên đất Mỹ. Nhiều khả năng ngân sách quốc phòng dưới thời ông Trump sẽ gia tăng.
Cùng lúc, đảng Cộng hòa như “sống lại” sau khi ứng viên bị đa số lãnh đạo đảng này chối bỏ lại thực hiện được giấc mơ mà họ theo đuổi gần 10 năm qua: nắm quyền kiểm soát ở cả nhánh hành pháp và lập pháp. Do vậy, chỉ vài giờ sau khi có kết quả, lãnh đạo Cộng hòa tại lưỡng viện quốc hội tuyên bố những phần chính trong chương trình nghị sự sắp tới sẽ sớm được đệ trình cho tổng thống mới. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời thượng nghị sĩ Rob Portman khẳng định các nghị sĩ Cộng hòa sẽ nghiên cứu để bổ sung các ưu tiên của tổng thống đắc cử với nghị trình đã đặt ra.
Các phóng viên tập trung bên ngoài Nhà Trắng lúc ông Trump gặp ông Obama Reuters
Sức ép từ nước ngoài
Trong khi nước Mỹ đang tất bật chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực, CHDCND Triều Tiên ngày 10.11 lên tiếng kêu gọi chính quyền sắp tới của ông Trump hãy thừa nhận nước này là một quốc gia hạt nhân. Bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun nhấn mạnh chính quyền ông Obama đã đẩy nước Mỹ đến nguy cơ bị đe dọa an ninh nghiêm trọng, và thúc giục chính quyền mới hãy thay đổi chính sách đối với bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cùng ngày, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin trong cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ông Trump tuyên bố vẫn giữ vững cam kết bảo vệ các đồng minh ở Đông Á trước nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Còn theo AFP, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ hội kiến tổng thống đắc cử vào ngày 17.11 tại New York.
Tại khu vực Caribe, vài giờ sau khi tin tức thắng cử của ông Trump truyền đi, Cuba tuyên bố triển khai cuộc tập trận trên toàn quốc kéo dài một tuần, với lý do là chuẩn bị sẵn sàng trước “các hành vi thù địch” của thế lực bên ngoài. Theo Reuters, không phải ngẫu nhiên mà Havana tổ chức hoạt động diễn tập mang tên “Cuộc tập trận chiến lược thành trì” từ ngày 16 - 20.11. Trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng đe dọa sẽ đảo ngược mọi nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong việc mở rộng quan hệ và chấm dứt nhiều thập niên thù địch với Cuba.
Biểu tình chống ông Trump trên đất Mỹ
Từ New York đến Los Angeles, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại khoảng 10 thành phố vào tối 8.11, lên tiếng phản đối tổng thống đắc cử. Theo AFP, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài Tháp Trump trên Đại lộ số 5 của New York, và cảnh sát giữ gìn trật tự đã bắt giam khoảng 15 người. Còn tại Los Angeles, ít nhất 13 người bị bắt sau khi tham gia cuộc diễu hành làm tắc nghẽn giao thông, cũng như đốt hình nộm ông Trump. Tại Oakland, bang California, khoảng 7.000 người tham gia đốt phá trên các con đường chính của đô thị, trong khi một số ném chai lọ và pháo vào cảnh sát, khiến một số nhân viên công lực bị thương. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Chicago, Philadelphia, Boston, Portland và những thành phố khác trên đất Mỹ, theo CNN. Một vụ xả súng cũng đã diễn ra gần đoàn biểu tình phản đối ông Trump ở Seattle, làm ít nhất 5 người bị trúng đạn vào chiều 9.11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.