Nha Trang chủ trương đập bỏ toàn bộ các công trình kiến trúc đã xây dựng ở phía đông đường Trần Phú, đang che chắn tầm nhìn ra biển của du khách. Chủ trương này đang được người dân ủng hộ.
Ảnh: Trần Đăng
|
Doanh nghiệp Nhà nước nên không phải đền bù
Sáng 9.3, Sở Xây dựng Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với giới kiến trúc sư, các hội nghề nghiệp, các sở ngành liên quan để nghe góp ý về việc điều chỉnh quy hoạch phía đông đường Trần Phú. Các ý kiến đều nhất trí với việc cần phá dỡ tất cả các công trình kiến trúc có tính quy mô như khách sạn, nhà nghỉ, các nhà hàng kiên cố, phá bỏ các hàng rào đã che chắn tầm nhìn ra biển của du khách. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khi những công trình này, hoặc đã tồn tại từ lâu, hoặc đã được tỉnh cấp phép.
“Tháo dỡ là điều phải làm. Chỗ nào phải đền bù thiệt hại thì tỉnh sẽ làm theo luật định. Chỗ nào của nhà nước quản lý thì dứt khoát phải tháo dỡ, hạn cuối là đến năm 2018”, ông Phan Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định.
Ông Lâm Duy Anh Cường, Giám đốc Công ty Sovico - đơn vị quản lý trực tiếp khu resort Ana Mandara, cam kết: “Chúng tôi sẽ chấp hành chỉ đạo của tỉnh là sẽ chuyển dời đúng kế hoạch”. Đây là khu resort quy mô nhất với diện tích trên 20.000 m2 nằm ở phía đông đường Trần Phú, “bít” toàn bộ chiều dài hơn 500 m của bờ biển Nha Trang. Tuy giấy phép đến năm 2022 mới hết hạn nhưng khu resort phải tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc. Tỉnh Khánh Hòa đã giao đất cho doanh nghiệp này tại khu Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh.
Khu resort Ana Mandara phải tháo dỡ, di dời - Ảnh: Nguyễn Chung
|
“Vì đây là doanh nghiệp nhà nước nên không phải đền bù gì”, ông Cường cho biết. Tương tự là nhà nghỉ dưỡng 378 (Bộ Công an) nằm phía bắc đường Trần Phú cũng phải tháo dỡ. Hàng loạt nhà hàng, quán bar như Sailing Club, Louisiane cũng phải chuyển dời. Nhà hàng Four Season (Bốn Mùa) mới được tỉnh cấp phép hoạt động 2 năm nay nhưng bị dư luận bất bình vì “bít” biển nên cũng phải tháo dỡ.
Ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ Bốn Mùa Nha Trang cho biết ngày 20.3 công ty và UBND tỉnh sẽ họp bàn để chọn một trong hai phương án mà chủ đầu tư đã đề nghị. Theo phương án được chọn, chủ đầu tư sẽ vừa kinh doanh nhưng không bít tầm nhìn ra biển. Cũng theo ông Thơm, tỉnh Khánh Hòa sẽ không đền bù cho việc đập bỏ tiêu tốn 25 tỉ đồng này của ông. Bù lại, ông đề nghị gia hạn thuê đất từ 40 năm như hiện nay lên trên 50 năm để khắc phục thiệt hại. “Dù được phép xây dựng tầng hầm không che chắn bờ biển, song nơi nào có cây xanh thì không được phá cây để xây công trình ngầm”, ông Phan Văn Dẽ dứt khoát.
Bài học xương máu
Ủng hộ di dời công trình ven biển Nha Trang, chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn phân tích Chính phủ đã có quy định hành lang biển 50 m từ mặt biển không được giao cho nhà đầu tư, không được xây dựng, để diện tích này là khu vực công cộng. Như vậy, rất nhiều dự án hiện hữu ven biển hiện nay ở phía đông đường Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa, nằm trong phạm vi 50 m này và phải di dời.
Việc giải tỏa các công trình ven biển mang lại nhiều lợi ích cho du lịch địa phương, không chỉ hạn chế được tối đa nạn ô nhiễm môi trường do nằm sát biển, mà còn đem lại sự thông thoáng, mỹ quan cho khu vực này, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Đặc biệt, nếu hành lang ven biển không bị kẹt cứng trong những dãy khách sạn sẽ mang lại cơ hội cho phát triển sâu vào bên trong đất liền. Chẳng hạn, ở Nha Trang, khu nghỉ dưỡng Ana Mandara che chắn tầm nhìn bằng một dãy tường và cây cối cao cả chục mét, thì khu vực bên kia đường Trần Phú không thể phát triển được. Không ai dại gì đầu tư vào khu vực này khi khách không thể nào qua đường để xuống biển.
Việc Nha Trang giải tỏa các công trình sát mép biển phía đông đường Trần Phú là bài học đắt giá cho phát triển du lịch ven biển ở VN. Qua vấn đề này, chúng ta thấy được tầm nhìn quy hoạch của ta quá yếu, có nơi có tầm nhìn quy hoạch ven biển tốt nhưng thiếu quyết liệt. Thành ra, mặt tiền biển VN vẫn bị lãng phí do các dự án chiếm hết phần. Ở các nước trên thế giới, khu vực sát mép biển hầu như không có công trình xây dựng nào, không như ở nước ta.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, nhận định quy hoạch không gian ven biển ở VN trong quá khứ là rất sai. Những doanh nghiệp tới trước xây dựng bít hết mặt tiền biển thì những ai tới sau không thể nào phát triển được do bị chặn hết đường, dẫn đến những doanh nghiệp ở sát mặt biển thì kiếm ăn được lớn, còn bên trong thì phát triển èo uột. Người dân từ đó bị kẹt cứng không có đường ra biển, ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến dân sinh và cả lợi ích kinh tế. Trên thế giới, khu vực ven biển ở trung tâm không bao giờ được đầu tư xây dựng công trình; chỉ cấp phép cho các dự án sát mép biển ở khu vực xa.
Tại Nha Trang, vịnh biển rất đẹp, vì thế nhất thiết phải tháo dỡ hết các công trình che chắn tầm nhìn. Quyết định này tuy trễ nhưng có còn hơn không. Nếu quyết liệt làm được, Nha Trang sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn vì có đường Trần Phú rất đẹp chạy dài ven biển. Các thành phố ven biển khác ở VN như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phan Thiết… cần phải suy nghĩ từ chính sách của Nha Trang để chấn chỉnh lại khu vực mép biển.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Đập bỏ theo lộ trình
Việc tỉnh Khánh Hòa có chủ trương đập bỏ toàn bộ các công trình kiến trúc đã xây dựng ở phía đông đường Trần Phú, trả lại bờ biển thông thoáng là việc rất đáng hoan nghênh ủng hộ. Đây là quyết định mang tính hướng Nha Trang đến phát triển bền vững.
Tuy nhiên, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thực thi được. Bởi các dự án gắn kết với quyền lợi của nhiều đối tượng: doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, người dân địa phương... rất lâu rồi. Về quyết định xóa bỏ các công trình ngay, tôi nghĩ cần có lộ trình, không thể vội vã được.
Quy hoạch Nha Trang trước mắt dừng cấp phép các dự án nhà cao tầng sát biển, cải tạo tình trạng kẹt xe, ô nhiễm tại đường ven biển. Bước thứ ba mới mời các nhà tư vấn ngồi lại để quy hoạch lại Nha Trang với tầm nhìn dài hạn.
Ng.Nga (ghi)
|
Bình luận (0)