Nha Trang thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết

21/08/2016 09:06 GMT+7

“Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” với kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ngăn ngừa sốt xuất huyết (SXH) tại 4 phường của TP.Nha Trang, gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long.

Bốn phường gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài, tỉnh ủng hộ kế hoạch này nhưng việc thả muỗi phải thận trọng, dựa trên các cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Đây không phải lần đầu việc “thả muỗi trị bệnh” được triển khai tại TP.Nha Trang. Từ năm 2014, trong khuôn khổ dự án nói trên, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hợp tác với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Trường đại học Monash (Úc) đã tiến hành thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại đảo Trí Nguyên (P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang).
Trước khi triển khai, dự án đã có 3 tháng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến cộng đồng dân cư trên đảo, qua đó có 97% số hộ dân ký đơn ủng hộ và đồng thuận cho dự án thả muỗi mang Wolbachia tại gia đình mình.
Mới đầu, nghe đến thả muỗi người dân cũng e ngại, nhưng sau khi được giải thích, người dân hiểu rằng một lớp “muỗi mới” mang vi khuẩn Wolbachia sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế và đi đến chấm dứt bệnh SXH nên đều tình nguyện tham gia, góp phần vào sự thành công của dự án. Kết quả, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã thay thế thành công quần thể muỗi tự nhiên. Năm 2015, mặc dù TP.Nha Trang xảy ra dịch SXH nhưng trên đảo chỉ ghi nhận một ca.
Nhiều người thắc mắc việc muỗi mang Wolbachia ngừa SXH như thế nào? Theo thông tin từ dự án, Wolbachia là vi khuẩn tồn tại trong tự nhiên ở hơn 60% các loài côn trùng như: bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm. Sau khi Wolbachia được đưa vào muỗi vằn, nó sẽ làm cho muỗi có khả năng ức chế sự nhân lên của một số loại vi rút như vi rút Dengue gây SXH, vi rút Zika gây bệnh đầu nhỏ…
Cơ chế lan truyền Wolbachia trong quần thể muỗi vằn như sau: Muỗi đực mang Wolbachia giao phối với muỗi cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở; muỗi cái mang Wolbachia cặp với muỗi đực mang (hay không mang) Wolbachia sẽ sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia theo con đường sinh sản tự nhiên.
Từ đó, quần thể muỗi mang Wolbachia sẽ dần thay thế quần thể muỗi truyền bệnh SXH mà không làm tăng số lượng muỗi có trong cộng đồng.
Các nghiên cứu, đánh giá trên thế giới và VN cho thấy muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia an toàn đối với con người, động vật và môi trường. Vào tháng 3 năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị rằng phương pháp Wolbachia là một trong các phương pháp có tiềm năng để đáp ứng khẩn cấp với các bệnh do muỗi truyền, đặc biệt là Zika.
Theo tiến sĩ Peter Ryan, quản lý dự án loại trừ bệnh SXH toàn cầu, đến từ Trường đại học Monash, kết luận từ các thử nghiệm thực địa tại Úc từ năm 2011 đến nay, có thể khẳng định rằng phương pháp sử dụng Wolbachia là an toàn và được cộng đồng ủng hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.