|
Theo chỉ thị của ông Obama, việc treo cờ rủ sẽ được thực hiện tại Nhà Trắng, các cơ quan ngoại giao, cơ sở hải quân và tàu quân sự. Lệnh treo cờ rủ có hiệu lực đến lúc mặt trời lặn vào ngày thứ hai, 9.12.
“Ngày hôm nay, nước Mỹ mất đi người bạn thân thiết, Nam Phi mất đi một nhà giải phóng vô song, và thế giới mất đi một nguồn cảm hứng cho sự tự do, công lý và phẩm giá con người - Nelson Mandela không còn với chúng ta, ông thuộc về thời đại”, ông Obama viết.
Ông Obama nói ông ra lệnh treo cờ rủ như một biểu hiện của sự kính trọng để tưởng nhớ Nelson Mandela, theo AFP.
Ngoài ông Obama, AFP cho biết đã có nhiều lãnh tụ, thủ lĩnh phong trào đấu tranh, người đoạt giải Nobel và tù nhân chính trị nổi tiếng từ trần nhưng không ai được cả thế giới cùng bày tỏ lòng tiếc thương như cựu tổng thống Nam Phi.
Lãnh đạo các nước trên thế giới đã lần lượt lên tiếng thương tiếc cho sự ra đi của nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid 95 tuổi này.
|
Đại diện cho Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định ông Mandela là một “tượng đài công lý”, người đã khơi dậy cho các phong trào đấu tranh vì tự do trên toàn thế giới.
“Nhiều người trên khắp thế giới chịu ảnh hưởng từ tinh thần đấu tranh quên mình cho giá trị, quyền bình đẳng và tự do của con người”, ông Ban Ki-moon phát biểu.
Thủ tướng Anh David Cameron cảm thán rằng “một luồng ánh sáng vĩ đại đã biến mất khỏi thế giới này”.
Vào năm 2006, ông Cameron đã công khai xin lỗi cho “những sai lầm” mà đảng Bảo thủ của ông đã gây ra trong thời arpatheid tại Nam Phi, vốn từng là thuộc địa của Anh.
Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault gọi ông Mandela là “một con người phi thường” và là người sẽ “trở thành nguồn cảm hứng cho toàn nhân loại trong thời gian dài sắp tới”.
Các cựu lãnh tụ quốc gia cũng bày tỏ niềm thương tiếc đối với cựu tổng thống Nam Phi.
“Tôi và vợ mình khóc thương cho sự ra đi của một trong những người vĩ đại nhất luôn có lòng tin vào sự tự do mà chúng tôi đã vinh dự được biết”, cựu tổng thống Mỹ George Bush (Bush cha), người từng mời ông Mandela đến thăm Nhà Trắng.
“Là một tổng thống, tôi thực sự ngạc nhiên trước khả năng vị tha phi thường của Nelson Mandela khi ông ấy tha thứ cho những người đã giam cầm mình”, ông Bush cho biết.
Ông Bill Clinton, một cựu tổng thống Mỹ khác, đăng tải bức ảnh chụp ông và “bạn của mình” trên trang mạng xã hội Twitter, kèm dòng chữ: “Hôm nay thế giới mất đi một trong những lãnh đạo quan trọng nhất và và một trong những con người tốt đẹp nhất”.
|
Tại châu Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới, niềm thương tiếc ông Nelson Mandela cũng dâng lên mạnh mẽ.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan gọi ông Mandela là “một trong những người giải phóng vĩ đại nhất của toàn nhân loại”.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói: “Nhân loại đã mất đi một chiến binh đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, tự do và bình đẳng”, còn nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thì nhắn nhủ rằng: “Tấm gương của vị lãnh đạo vĩ đại này sẽ chỉ đường đưa lối cho tất những ai đang đấu tranh cho công bằng xã hội và hòa bình trên toàn thế giới”.
Giới doanh nghiệp cũng bàng hoàng trước sự ra đi của ông Nelson Mandela.
Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates nói ông và vợ mình rất ngưỡng mộ cựu tổng thống Nam Phi.
“Cứ mỗi lần Melinda và tôi được gặp Nelson Mandela, chúng tôi lại càng được truyền thêm cảm hứng. Sự tinh tế và nhiệt huyết của ông ấy đã thay đổi thế giới này. Hôm nay thật là một ngày quá buồn”, ông Gates cho biết.
Hoàng Uy - Công Chính
>> Nelson Mandela và 3 người vợ
>> Cuộc đời ông Nelson Mandela qua ảnh
>> Người dân Nam Phi khóc thương ông Nelson Mandela
>> Người tù thế kỷ Nelson Mandela - Niềm hy vọng bất diệt
>> Hàng loạt sao Hollywood tiếc thương ông Nelson Mandela
>> Thế giới tiếc thương ông Nelson Mandela
>> Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nelson Mandela
>> Các nguyên thủ bày tỏ lòng thương tiếc ông Nelson Mandela
>> Ông Nelson Mandela từ trần ở tuổi 95
>> Ông Mandela từ trần
Bình luận (0)