Nhà trưng bày này do P.Đập Đá (TX.An Nhơn) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2 tỉ đồng, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, thị xã, vốn đối ứng của địa phương và người dân đóng góp. Nhà trưng bày có diện tích khoảng 150 m2, xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1.000 m2, có tường rào xây bao quanh.
Dự án này từng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển làng nghề kết hợp phục vụ du lịch. Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào hoạt động, hiện nay nhà trưng bày phải thường xuyên đóng cửa vì không có sản phẩm trưng bày. Vì lâu không được sử dụng, một số hạng mục như hệ thống điện, nước bên trong nhà trưng bày bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, bên trong nhà bụi bặm phủ kín, bên ngoài cỏ dại mọc nhiều.
Ông Trương Minh Tâm, Chủ tịch UBND P.Đập Đá, cho biết thời điểm xây dựng công trình này, nghề rèn còn đông đảo người làm nghề. Tuy nhiên, hiện nay nghề rèn tại đây gần như đã mai một. Những thế hệ sau này không mấy ai theo nghề. Trước đây, địa phương có trên 200 hộ làm nghề rèn, hiện chỉ còn khoảng 50 - 60 hộ.
"Trong năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm một số hạng mục, trong đó sẽ cho lát gạch lại mặt sân, vỉa hè xung quanh. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tổ chức vận động người dân tham gia cung ứng sản phẩm để trưng bày, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương", ông Tâm nói thêm.
UBND TX.An Nhơn cũng xác nhận, vừa qua thị xã đã có ý kiến chỉ đạo UBND P.Đập Đá tập trung khôi phục, phát triển mạnh trở lại đối với làng nghề rèn.
Nghề rèn hình thành ở Tây Phương Danh cách đây ít nhất 300 năm. Tương truyền, cụ tổ của nghề là ông Đào Giã Tượng, ông đã mang nghề từ phương bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để làm kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Thời hoàng kim, ở thôn Tây Phương Danh, nhà nhà làm nghề rèn. Sản phẩm của làng rèn từ đó phát triển không ngừng kể cả số lượng và chất lượng. Năm 2020, làng nghề rèn này được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống.
Bình luận (0)