Nhà tù không có cai ngục

25/12/2009 10:43 GMT+7

Nhà tù San Pedro là nhà tù lớn nhất ở La Paz, thủ đô hành chính của Bolivia. Nó giống như một thị trấn nhỏ, tù nhân sống với gia đình, tự nuôi sống, thuê hoặc mua chỗ ở (buồng giam) và không chịu sự giám sát của bất cứ cai ngục nào

Tất nhiên, nhà tù cũng có cổng ra vào, có lính canh gác bên ngoài, có bức tường bảo vệ kiên cố để tù nhân không thể vượt ngục. Nhưng bước qua khỏi cổng, hiện ra một thị trấn ngồn ngộn sự sống, với phố xá, nhà hàng, quầy bán hàng lưu niệm, cửa hàng bán CD, DVD nhạc và phim, quán hàng ăn uống, nhà thờ, một bệnh viện, một khách sạn dành cho du khách, một sân bóng đá lớn...

Và lạ lùng nhất, có hàng trăm trẻ con chạy chơi đùa giỡn vô tư. Chúng sống với cha (mẹ) là tù nhân. Các em nhỏ học mẫu giáo ngay trong nhà tù. Những đứa lớn sáng ra ngoài học, chiều trở vào nhà tù.

Căn hộ - buồng giam

Nhưng độc đáo nhất, trong nhà tù có cả một lò sản xuất cocaine loại tốt nhất ở Bolivia. Sự tồn tại của lò này bắt nguồn từ 80% trong số 1.500 tù nhân bị giam giữ tại đây liên quan đến ma túy. Rất nhiều du khách đến San Pedro chỉ để mua cocaine. Do đó, có một dạo, chính quyền cấm các hãng du lịch đưa khách vào.

Nhà tù San Pedro có 8 khu vực khác nhau về mức độ tiện nghi. Buồng giam được bán hoặc cho thuê. Buồng giam khu vực nhà giàu giống như một căn hộ rộng rãi, sang trọng, có phòng tắm riêng, bếp riêng, truyền hình cáp, được bán với giá 1.500 USD đến 1.800 USD (27,75 triệu đồng đến 33,3 triệu đồng) tùy theo thời gian người mua thọ án.

Ở khu vực nhà giàu Los Pinos có Barbacocha là tù nhân nổi tiếng nhất. Y bị giam ở đây sau khi cảnh sát chống ma túy phát hiện máy bay riêng của y chở đến 4 tấn cocaine. Y không những mua một buồng giam hai tầng xịn nhất mà còn bỏ tiền ra cất thêm tầng lầu thứ ba để ngắm trăng.

Phải làm mới có ăn

Kenneth là một chuyên viên phân tích máy tính Nam Phi đến Colombia năm 2005 để du lịch. Tại đây, anh bị bọn buôn lậu ma túy dụ dỗ “mang giùm” 5 kg cocaine về Nam Phi với tiền công 10.000 USD kèm theo lời hứa bảo đảm an toàn tuyệt đối vì đã mua hết hải quan sân bay.

Nhưng Kenneth bị bắt ngay tại sân bay quốc tế La Paz và bị tống giam vào nhà tù San Pedro mặc dù trước đó anh đã lót tay nhân viên hải quan bắt anh 3.000 USD và dẫn người này đi nhậu một chầu hoành tráng.

Cũng giống như mọi tù nhân mới, Kenneth phải trả tiền vào cổng nhà tù. Giá cả tùy theo muốn ở chỗ sang (khu vực người nước ngoài và VIP như cựu quan chức cảnh sát, thẩm phán tham nhũng, trùm buôn lậu ma túy như Barbacocha) hay chỗ bình dân. Giá cả do trưởng khu vực ấn định. Khu vực sang là 300 USD. Khu vực bình dân rẻ hơn.

Ngoài ra, anh còn phải trả tiền thuê buồng giam có nhà tắm và vòi sen với giá 3 USD/ngày hoặc mua luôn với giá từ 375 USD đến 600 USD. Sau khi mua buồng giam, anh còn phải đóng thêm một khoản thuế sung vào quỹ của khu vực để thanh toán các khoản chi như sơn phết lại những nơi công cộng hoặc mua áo đồng phục cho đội bóng đá của khu vực. Đây là nội quy của mỗi khu vực nhà tù. Quỹ này do một đại diện khu vực dân cư quản lý.

Ở khu vực bình dân, tiền mua hoặc thuê buồng giam rẻ hơn nhiều. Tiền thuê buồng giam có bếp nhỏ và cửa sổ (không có song sắt) có ánh sáng mặt trời rọi vào là 80 Boliviano (10 USD)/tháng.

Vì nhà tù chỉ cung cấp mỗi ngày một ly cà phê hoặc trà vào buổi sáng và một buổi cơm mà đa số tù nhân nói “ăn không vô”, tất cả tù nhân đều phải làm cái gì đó để kiếm sống nếu không nhận được viện trợ từ bên ngoài. Nghề hạ cấp nhất – và cũng ít tiền nhất - là “taxistas” (liên lạc viên). Nhiều người làm thợ hớt tóc, buôn bán nước giải khát, bán lẻ ma túy, sản xuất và bán hàng lưu niệm, thậm chí hướng dẫn viên du lịch.

Victor Calatayud, biệt danh El Pecos, là một hướng dẫn viên du lịch ở khu vực Los Amos có thâm niên cao. Anh tâm sự: “Tôi là dân vô gia cư từ nhỏ. Phần lớn cuộc đời tôi đều trải qua trong tù. Tôi từng ở đây 27 lần. Lần này là lần thứ 28. Tôi thuộc nhà tù này như lòng bàn tay. Tôi đã viết một cuốn sách hướng dẫn đi du lịch San Pedro, bao gồm lịch sử, những giai thoại, kể cả tiếng lóng sử dụng ở đây”.

Tự quản

Các hoạt động chính trị và kinh tế của mỗi khu vực rất khác nhau, có quy định khác nhau do trưởng khu vực ấn định. Không cai ngục, không cảnh sát, trật tự trong nhà tù do một toán tự vệ nội bộ (cũng là tù nhân) trang bị ma trắc của mỗi khu vực đảm nhiệm.

Cũng giống như ngoài xã hội, ở đây vẫn có những vụ án như ăn trộm, thanh toán bằng dao thường xảy ra ban đêm. Mỗi tháng trung bình có 4 tù nhân chết tự nhiên hoặc do “tai nạn”. Người nào bị “tai nạn” mà thoát chết phải trả viện phí cho bệnh viện của nhà tù.

Ai tấn công phụ nữ và trẻ em sẽ bị trừng trị đích đáng. Những vụ này do các đại diện của khu vực liên quan (những người tù điềm tĩnh và có tinh thần trách nhiệm nhất) giải quyết. Nói chung, số vụ bạo lực ở San Pedro không nhiều, nguyên nhân chủ yếu do rượu. Tù nhân tự nấu rượu mía có độ cồn lên đến 96 độ.

Sở dĩ chính quyền Bolivia để tù nhân sống chung với gia đình, tự nuôi sống, tự quản vì họ không có tiền. Hơn nữa, thay vì chà đạp con người, họ cho phép tù nhân sống một cuộc sống bình thường như xã hội bên ngoài. San Pedro là một trải nghiệm thú vị và có chiều hướng tích cực.

Theo Văn Anh /
Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.