Sau 29 năm, lần đầu tiên giải thưởng mang tên Henri Queffélec thuộc Liên hoan Sách và biển ra khỏi châu u. Tác giả vinh dự nhận giải thưởng này là nhà văn Việt Nam Bùi Ngọc Tấn với tác phẩm Biển và chim bói cá.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn về sự kiện này.
* Xin chúc mừng tiểu thuyết Biển và chim bói cá vừa đoạt giải thưởng quốc tế tại Pháp trong cuộc thi viết về biển. Tác phẩm Biển và chim bói cá đã đến với cuộc thi này ra sao, thưa ông?
- Biển và chim bói cá là quyển tiểu thuyết thứ năm của tôi - quyển tiểu thuyết duy nhất được in, được tái bản, được các báo đưa tin, lại còn được đọc trên Ðài Tiếng nói Việt Nam từ đầu đến cuối và được trả 800.000 đồng tiền “nhuận đọc”. Tưởng thế đã là may mắn tột cùng rồi, nhưng nó lại được dịch giả Tây Hà dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Pháp tháng 10-2011, được giải thưởng tại Festival Sách và biển (Livre et Mer) tại Pháp năm 2012. Có lẽ bốn anh chị sinh trước nó bị vất vả nên số phận đã cho nó một sự đền bù chăng?
|
* Ông đã viết Biển và chim bói cá trong bối cảnh và tâm trạng nào?
|
- Tôi đã làm nhân viên ở một xí nghiệp đánh cá quốc doanh 20 năm. Là một thành viên, một tế bào của cái cơ thể phập phồng hơi thở có một đối tượng lao động là biển cả này, tôi vui niềm vui của những ngày biển lặng gió êm, những chuyến biển tàu về đầy ắp cá; tôi lo lắng cho những người bạn của tôi đang chịu gió mùa, tránh bão; tôi chia sẻ nỗi buồn với những thủy thủ khi những chuyến biển bị gãy... Và tôi hiểu những khó khăn của thời ấy về phụ tùng thay thế, về dầu đốt, về thiếu amoniac chạy máy lạnh, về mỗi khi sở “điên nặng” cúp điện...
Tôi cũng đã nhiều lần đi biển. Reo hò khi đụt cá căng phồng ào ào trút nước xuống boong, lo lắng nhìn đụt lép kẹp vừa lôi lên sàn dốc. Chọn tôm, nhặt cá, luộc tôm tít ăn khuya cùng các thuyền viên. Tôi yêu họ, tôi yêu biển. Tôi mắc nợ với biển và mắc nợ với họ. Năm 1977 (hay 1978?), tôi đã viết và in truyện vừa Thuyền trưởng dài hơn 100 trang (ký tên khác) do NXB Lao Ðộng ấn hành.
Là nhân viên thi đua làm trên bờ, tôi vẫn tận dụng mọi cơ hội đi biển và chăm chỉ ghi chép. Viết Biển và chim bói cá, tôi cố diễn đạt được cuộc chuyển mình trong tư tưởng, trong quan hệ giữa người với người, giữa người với biển, một cuộc vật lộn gian khổ và đau đớn... Tôi đã dành ra ba năm, viết đi viết lại nhiều lần và cuối cùng nó có hình dạng như các bạn thấy.
* Theo ông, bạn đọc người nước ngoài có thể tìm thấy điều gì thú vị ở Biển và chim bói cá?
- Lời tuyên dương Biển và chim bói cá của ông chủ tịch danh dự của festival có câu: “Quyển sách của Bùi Ngọc Tấn hoàn toàn làm chúng tôi thỏa mãn”. Và sau đó ông nhắc đến những điều cụ thể hơn: “Bùi Ngọc Tấn kể về đất nước mình và về thế giới đánh cá mà ông từng biết. Một quyển tiểu thuyết hấp dẫn về lịch sử một hải cảng, về một xí nghiệp đánh cá quốc doanh, về một cộng đồng người đánh cá can đảm và ranh mãnh vật lộn để nuôi sống gia đình, vét biển đến cạn kiệt. Trước khi bị cuốn vào những quanh co khúc khuỷu của toàn cầu hóa...”.
Tôi rất hạnh phúc khi đọc thư của bà giám đốc festival gửi dịch giả Tây Hà: “Chắc chắn ở Việt Nam còn nhiều áng văn hay cần được tiếp tục giới thiệu ra thế giới”.
* Xin tò mò một chút, giải thưởng về vật chất có lớn không?
- Tôi chỉ được báo tin và cũng chưa được biết chính xác số tiền thưởng kèm theo giải. Dịch giả Tây Hà có chuyển cho tôi thư của giám đốc festival nói rằng sẽ chuyển phần của dịch giả cho dịch giả, phần của tác giả cho tác giả.
* Sức khỏe ông dạo này thế nào, ông vẫn đang tiếp tục viết?
- Năm nay tôi đã 79 tuổi. Sự chuyển biến theo hướng... đi xuống diễn ra rất nhanh. Nhưng vẫn phải làm việc. Viết báo kiếm tiền để sống. Và viết văn.
Ðẹp đẽ đầy chất thơ
Liên hoan Sách và biển được tổ chức hằng năm tại Pháp. Giải thưởng mang tên Henri Queffélec - nhà văn được coi là người viết về biển bằng tiếng Pháp hay nhất thế kỷ 20 và là người sáng lập giải. Trang web của festival có ghi mấy dòng in trên bìa 4 Biển và chim bói cá bản tiếng Pháp: Với lời văn đẹp đẽ đầy chất thơ, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đưa ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ đến. Sau khi gấp lại tập sách, chúng ta đã thay đổi. Và cũng trở nên tốt hơn. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)