Nhà văn Chu Lai hồn hậu

07/04/2010 10:38 GMT+7

(TNTT>) Nhà văn Chu Lai thuộc hàng “người của công chúng” vốn là người có tướng rất... ngầu. Không chỉ ăn nói bỗ bã, Chu Lai còn có khả năng nói rất... nhiều, rất lưu loát và có thể át giọng người khác. Những lần Chu Lai xuất hiện trên ti-vi nhân một sự kiện nào đó, anh đều ăn nói rất hùng biện.

Dĩ nhiên, không chỉ có khoa... nói, Chu Lai còn là nhà văn viết rất đều tay và liên tục có những tiểu thuyết gây xôn xao dư luận. Anh cũng thường xuyên có những kịch bản phim truyền hình gây ấn tượng. Là nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh, Chu Lai vốn là một chiến sĩ đặc công vùng Rừng Sác-miền Đông Nam bộ. Anh đã ở chiến trường này hàng chục năm, nên là người có thẩm quyền khi viết hay tuyên bố về vùng đất chiến trường và những đồng đội từng đồng cam cộng khổ với mình.

Từ tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” xuất hiện ngay sau chiến tranh, tới nay Chu Lai đã có hàng chục tiểu thuyết trình làng, trong đó có những tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Vừa rồi anh bày tỏ thái độ phản đối với một nhà xuất bản Pháp sau khi đã xin dịch và in tiểu thuyết của anh nhưng quên... trả nhuận bút. Đòi mãi thì mới trả theo kiểu nhỏ giọt và…hớt ngọn.

Gặp Chu Lai tại Đà Nẵng trong dịp lễ hội pháo hoa quốc tế của thành phố này, tôi có hỏi Chu Lai, phải chăng anh bày tỏ chuyện NXB Pháp…quỵt nhuận bút của mình để kín đáo khoe mình có sách dịch xuất bản tại Pháp. Chu Lai cười hồn hậu, cái nụ cười có vẻ hơi bất ngờ với gương mặt rất ngầu của anh: “Nhân có báo hỏi thì mình cũng trả lời vậy thôi, chứ ở ta bây giờ khoe ba chuyện đó có được gì đâu!”.

Đúng là nhiều năm trước cứ nhà văn nhà thơ nào ở xứ ta mà có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài thì đều được báo chí coi là sự kiện, và bản thân tác giả cũng lấy làm tự hào lắm. Nhưng bây giờ thì chuyện này cũng nhạt hương bớt nhiều. Vì có những nhà thơ “nhờ” dịch luôn cả tập thơ của mình ra tiếng Anh, chủ yếu để bán... trong nước, và tham gia vào các hoạt động giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tôi thấy Chu Lai có vẻ ít quan tâm tới những hoạt động này. Anh chỉ khẽ khàng: “Ông Hữu Thỉnh, theo mình, là người có không ít những khuyết tật. Nhưng đó là người không thể thay thế trong vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn”. Tôi nghe được câu này, bèn gọi điện thoại cho Hữu Thỉnh, nói ông được Chu Lai... khen là có nhiều khuyết tật, nhưng... Ấy, Hữu Thỉnh chỉ chờ nghe vế sau chữ “nhưng” này, và có vẻ rất khoái chí khi được… phê bình.

Chuyện trò với Chu Lai trong hai ngày pháo hoa, tôi thấy anh điềm đạm hơn xưa rất nhiều. Có phải tới cái tuổi thì người ta vượt qua được những hăng hái rườm rà mà thời trẻ mình hay có, kể cả sự hài lòng với bản thân mình ? Có vẻ, nhiều nhà văn nhà thơ qua tuổi lục tuần ở ta bắt đầu “sống chậm”. Trong khi không hề nghĩ chậm hay viết chậm. Đó chính là sự trưởng thành mà chỉ cuộc sống mới có quyền thưởng cho họ. Dĩ nhiên không phải cho tất cả nhà văn, vì cuộc sống không có thói quen “chia đều” hay “bình quân chủ nghĩa”, kể cả chia đều sự điềm đạm và hồn hậu. Mừng cho Chu Lai! Anh sẽ còn viết được những tác phẩm mới nữa, nếu cứ “sống chậm” như thế này.

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.