Nhà văn chửi trong văn

07/01/2010 10:27 GMT+7

(TNTT>) Tôi rất ít nghe những nhà văn Việt Nam đương đại… chửi, dù nhiều người trong số họ cũng có thói quen văng tục như ai. Nhưng những kiểu chửi “mì ăn liền” ấy đâu có gì đáng nhớ và đáng nói.

Hồi nhỏ, đọc văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, thú thật, tôi thích nhất là những đoạn các nhân vật của các cụ trổ mòi… chửi. Thôi thì nghe như nhả ngọc phun châu, những “bài chửi” đầy vần vè, lớp lang, bài bản, những bài chửi của người nông dân ở nông thôn miền Bắc thuở xa xưa ấy nghe sao mà… hay, mà thú vị, mà… dễ nhớ dễ thuộc đến vậy!

Có thời gian khi tôi học ở trường miền Nam sống gần với nông dân, tôi mới được chứng kiến những “màn chửi” kỳ thú của các mẹ các chị, nhất là khi nhà họ bị mất trộm gà. Ở nông thôn, con gà là vật nuôi gần gũi và sinh lợi cho nhà nông dân, nhưng một khi những con gà, nhất là gà mái ghẹ, bị kẻ gian bắt trộm, thế là cả buổi sáng tôi cứ đứng mê mải bên hàng rào nghe… bài chửi. Quá hay đi! Những bài chửi đó đã được các nhà văn như Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố đưa vào các truyện ngắn truyện dài của mình, và cũng được gọt tỉa để phục vụ cho chủ đề, cho tính cách nhân vật, cho không khí cái truyện. Bài chửi “mất gà” đã xuất hiện không chỉ một lần trong văn Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan.

Vũ Trọng Phụng lại có những bài chửi kiểu khác. Nhân vật của Vũ Trọng Phụng là sự hỗn hợp giữa người gốc nông thôn và người làm thuê làm mướn ở thành thị, kể cả người đã “lưu manh hóa” do tiếp xúc với “văn minh” đô thị. Những nhân vật này thường chen vào giữa các câu nói thường của mình những tiếng chửi đặc trưng, và thường làm phong phú ngôn ngữ đường phố của mình bằng những tiếng tục, những tiếng đệm. Trong khi sống như một công chức mẫn cán, một đệ tử nho gia, thì Vũ Trọng Phụng lại sưu tầm được rất nhiều câu chửi trong đời sống hàng ngày, và tìm cách đưa chúng vào miệng các nhân vật của ông một cách…đậm đà nhất. Nghị Hách có kiểu chửi của “ông nghị” lưu manh, còn những nhân vật “cơm thầy cơm cô” lại có kiểu nói pha tục một cách hồn nhiên và láu lỉnh. Tôi vẫn còn nhớ một đoạn chửi trong văn Nguyễn Công Hoan thì phải: “…thằng cờ xanh đứng đầu ngõ thằng cờ đỏ đứng đầu giường…” cứ thế, người đàn bà mất gà có thể “diễn thuyết” rất vần vè suốt cả buổi, kỳ tới khi đuối hơi mỏi cổ mới chịu tạm dừng, về nhà nấu cơm ăn rồi sẽ… chửi tiếp.

Mà sao người nông thôn miền Bắc chửi hay thế nhỉ ? Cứ như là có một “văn hóa… chửi” như các nhà nghiên cứu kỳ dị bây giờ hay đề cập, dù chuyện họ nói vẫn có cơ sở thực tế nào đó. Văn hóa chửi, tôi không biết thế nào, chứ chửi… trong văn thì tôi đã đọc được nhiều, từ các nhà văn bây giờ là kinh điển của văn học Việt Nam hiện đại.

Nhật Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.