Niềm vui đầu tiên của nhà văn Đới Xuân Việt, đó là truyện dài Anh chỉ có mình em do NXB Hội Nhà văn tái bản. Tác phẩm xoay quanh mối tình đầu mộng mơ của “cặp đôi hoàn hảo” diễn ra trên cái bè trôi trên dòng sông quê hương, trong đống rơm vàng vào vụ gặt... Họ yêu nhau, hẹn ước chờ đợi nhau. Và rồi tình yêu chân thành, cháy bỏng như con thuyền đưa họ vượt qua bão giông. Nhưng bi kịch đã xảy ra khi chiến tranh kết thúc, họ lại không đến được với nhau, bởi vết thương ở đầu do bom đạn đã làm cô gái không nhận ra được người yêu cũ. Cô chỉ nhớ được những kỷ niệm đẹp của tình yêu lưu giữ trong ký ức và vẫn đau đáu ra rặng dâm bụt nhìn đống rơm vàng gọi người yêu.
|
“Hết chiến tranh rồi, sao không thấy anh về?”. Tiếng kêu đau đớn ấy đã làm tan nát bao cõi lòng, đã khắc họa sâu đậm nỗi khổ đau và mất mát do chiến tranh gây ra. Cùng với câu chuyện đầy cảm động, Đới Xuân Việt còn tạo hấp dẫn với những miêu tả về lối sống, nét văn hóa, phong cảnh đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, đình làng, lũy tre, cối giã gạo thủ công... như giúp độc giả trở về với cội nguồn của dân tộc.
Ngược lại với những dằn xé thân phận trong truyện dài Anh chỉ có mình em, tập tản văn Bốn mùa nhẹ nhàng kể về đông, xuân, hạ, thu vùng châu thổ sông Hồng qua ký ức tuổi thơ của tác giả Đới Xuân Việt. Ông mở đầu tác phẩm bằng việc kể về mùa đông cô đơn và những kỷ niệm đầu đời của ông với chúng bạn. Nhưng khi ta đọc về mùa đông (Bảng lảng mùa đông) lại không thấy nỗi cô đơn do cái giá lạnh phương Bắc đem đến mà mùa đông của ông thật ấm áp và ngọt ngào. Bát cháo su hào đêm đông và mật ngọt theo gió heo may lên ngọn mía đã đem đến cho ta một sự thích thú đặc biệt. Rồi những cơn gió đêm đông gào rú bên thềm đã xua lũ con trai, con gái lần tìm nhau trong trò chơi trốn tìm... Ông bênh mùa đông và cho ta nhận ra mùa đông không cô đơn, mùa đông cho ta xích lại gần nhau.
|
Tác phẩm mới Hoa Đỗ Quyên nở muộn của Đới Xuân Việt lại là câu chuyện kể về số phận “ba chìm bảy nổi” của một lão nông - ông Duyên, sinh ra và lớn lên vào thời buổi loạn lạc. Sống và bươn chải sau lũy tre làng, nhờ vào vận may ông xây dựng được một cơ ngơi đáng mơ ước. Nhưng rồi một ngày ông bỗng trắng tay vì quả bom của Mỹ rơi trúng nhà, cướp đi gần như toàn bộ người thân trong gia đình và của nả đã tích cóp được. Đời ông rơi xuống vực sâu. Ông rời bỏ làng phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, có lúc phải đi ăn xin.
Với lối kể chuyện giản dị, khúc chiết tác giả đã dẫn chúng ta đi từ nỗi truân chuyên này đến nỗi truân chuyên khác trong cuộc đời ông Duyên, cho ta trải nghiệm những khổ đau mà ông đã phải gánh chịu. Vận đen cứ bám riết lấy ông, rình rập cơ hội để ra đòn, cướp đi từng hạnh phúc nhỏ nhoi của ông... Nhưng ông vẫn xoay vần chống chọi với số phận nghiệt ngã. Và với ý chí bền bỉ, ước mong cháy bỏng làm lại cuộc đời, trời đã không phụ ông...
Câu chuyện được kể không theo thứ tự thời gian, không bị ràng buộc bởi các khuôn phép kinh điển đã làm tăng tính hấp dẫn của tác phẩm. Bên cạnh đó lời thoại ngắn gọn, súc tích; các chi tiết được chọn lựa, chắt lọc đã góp phần lột tả được bản chất của sự việc, khắc họa được tính cách của nhân vật. Nhiều chi tiết độc đáo, mới lạ như trong cảnh ông Duyên gặp lại vợ con ở chợ âm phủ; cảnh chiếc xe bò lộc cộc, ngả nghiêng chở xác người vô thừa nhận ra nghĩa trang...
Điều đặc biệt là các nhân vật của nhà văn Đới Xuân Việt luôn có cá tính rõ rệt, nội tâm phong phú, sống động và rất thật, không khiên cưỡng, áp đặt. Đọc những tác phẩm của ông, độc giả có cảm giác như đang vui buồn, suy tư, lo lắng, sợ hãi, căm giận cùng nhân vật như thể ông Duyên, ông Hai, ông Xây, chị Hợi... thấp thoáng đâu đó xung quanh mình.
Bình luận (0)