Nữ nhà văn, nhà báo Hiramatsu Tomoko, sinh năm 1941, là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, ký sự báo chí về đề tài đương đại. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Bà Nguyễn Thị Bình - Người phụ nữ thay đổi thế giới, viết về nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hiramatsu Tomoko:
* Duyên cớ nào đã đưa bà đến với mối quan tâm về Việt Nam và việc viết một cuốn sách về bà Nguyễn Thị Bình?
Bà Hiramatsu Tomoko: Từ lúc 23 tuổi, tôi đã có một ấn tượng rất lớn về chiến tranh Việt Nam, với sự kiện vịnh Bắc Bộ. Tại thời điểm đó, ở Nhật Bản chúng tôi có rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam và tôi cũng là một trong những người tham gia vào các cuộc biểu tình đó.
Đến năm 1969, khi diễn ra Hội nghị Paris về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam, tôi đã nhìn thấy trên tivi một người phụ nữ đại diện cho Việt Nam tại sự kiện này. Lúc ấy tôi có một cảm xúc rất mãnh liệt về con người Việt Nam. Hình ảnh của bà Bình thời điểm ấy đã khiến cho tôi có cảm nghĩ rằng: Việt Nam sẽ nhất định chiến thắng Mỹ.
Trong suốt những năm sau này, ý nghĩ về bà Bình luôn theo đuổi tôi, và cho đến tận bây giờ, những điều tôi mong muốn đã thực hiện được, đó là nguyện vọng viết sách về bà Bình cũng như gặp trực tiếp bà. Đối với tôi đây là điều rất hạnh phúc.
|
* Bà có cảm xúc gì khi gặp lại bà Bình? Dư luận Nhật Bản đánh giá như thế nào về cuốn sách này?
Bà Hiramatsu Tomoko: Tôi coi đây là một vinh dự, bởi một nhà văn bình thường như tôi rất khó có thể gặp được một người phụ nữ vĩ đại như vậy. Đây là lần thứ ba tôi gặp trực tiếp bà Bình và trao đổi với bà ấy. Đối với tôi, mỗi lần như vậy đều rất xúc động.
Cuốn sách của tôi đã được giới thiệu trên các báo lớn nhất của Nhật Bản, chính vì vậy cuốn sách cũng có sức hút nào đó, và vừa rồi tôi cũng đã bán được một số lượng nhất định. Chính nhờ việc bán sách khá thành công mà tôi đã có một số tiền để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
* Tại sao bà lại lựa chọn hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam?
Bà Hiramatsu Tomoko: Tôi biết ở tỉnh Thái Bình có một trung tâm phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, sau đó thông qua JVPF tôi đã đến thăm trung tâm này. Với người Nhật Bản chúng tôi, những người yêu chuộng hòa bình, cuộc chiến tranh mà đặc biệt là việc rải chất độc thật vô nghĩa và phi lý. Vì vậy tôi đã nghĩ rằng, khi tôi còn có thể làm được điều gì đó, tôi sẽ tới Việt Nam, mảnh đất tôi yêu quý để đấu tranh cho công lý.
Xin cảm ơn bà!
Nguyên Phong
(thực hiện)
Bình luận (0)