Nhà văn Khải Đơn: Khi người trẻ trăn trở về thiện - ác

31/05/2017 16:16 GMT+7

Nhà văn Khải Đơn được biết đến với những trăn trở về người trẻ và giá trị sống của họ. Cô vừa ra mắt tiếp tập sách Ta có bi quan không?, viết sâu hơn về những 'vết thương' mà những người trẻ gặp phải. Nhân dịp này, Thanh Niên có cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn này.

* Chị đã viết đến quyển sách thứ ba, và “nhân vật” của chị vẫn là người trẻ như thời Đừng tháo xuống nụ cười ba năm trước, vì sao chị tiếp tục chọn chủ đề này, dù chính chị cũng không còn trẻ nữa?
- Nhà văn Khải Đơn: Khi tôi viết Đừng tháo xuống nụ cười, vốn là một giai đoạn đầy hào hứng, tôi khám phá rất nhiều về giá trị, về bản thân và những giới hạn trong giai đoạn trẻ trung và đáng sống nhất của mình. Tuy nhiên, ngay sau đó, tôi bắt đầu đối thoại với bạn đọc của mình và nhận ra rất nhiều phần khác trong đời sống của tôi, của họ, của thời 20 tuổi, hóa ra không chỉ đơn giản là mình cứ bứt phá hết mọi giới hạn, rào cản là có thể sống trọn vẹn. Cuộc sống không dễ thế và những “lấp lánh đầu tiên” mà tôi viết trong quyển Đừng tháo xuống nụ cười đã nhanh chóng phai đi, hay đúng hơn là... vỡ vụn. Sự tổn thương đó, tôi viết trong quyển thứ ba này, như một câu hỏi với bạn đọc và bản thân mình, "ta có bi quan không?"...
* Vậy tuổi trẻ không còn lấp lánh nữa sao?
- Vẫn thế, xinh đẹp, đáng sống, nhưng nó có thể hủy hoại mình... Rất nhiều vấn đề của người trẻ, như tôi, không được giải đáp bởi cha mẹ, thầy cô hay người đi trước. Tôi bước vào đời, va đập, bị xô ngã, bị lừa đảo, bị sỉ nhục... Đủ cả. Câu chuyện của nhân vật tôi gặp nhiều khi còn khủng khiếp hơn. Tôi đã phỏng vấn những nhân vật bị tạt a xít, những bạn trốn nhà đi để được sống như giới tính mình mong ước, hoặc bị người thân quay lưng chỉ vì một giá trị sống họ chọn lựa, nhưng cộng đồng không thừa nhận. Tôi nhận ra, tuổi trẻ không chỉ lấp lánh, nó còn là sự bất toàn và vô cùng dễ bị xô vỡ toàn bộ.
Ở khoảnh khắc bước ngoặt đó, họ có thể sẽ hư hỏng, như cách chúng ta thường nhìn nhận, hoặc họ mạnh lên, thành công tột đỉnh, hoặc họ bị ruồng bỏ mãi mãi, hoặc họ chọn co mình lại và trở nên mong manh trước bất cứ sự xung đột nào. Và khi tôi viết Ta có bi quan không? tôi muốn gửi lại bạn đọc sự quan sát của mình trước những bước ngoặt này.
Đa số chúng ta sẽ không trở thành vĩ nhân hoặc làm được những điều phi thường, nhưng để sống qua mỗi ngày, vượt qua tổn thương, làm lành với sự đổ vỡ... đó là sự phi thường riêng tư mà tất cả chúng ta ai cũng có. Tôi muốn người đọc thừa nhận điều đó trong chính họ, nhìn thấy vết thương của mình, sự đổ vỡ của mình, và rồi hiểu rằng, à khi vượt qua, ta đã thật giỏi, thật đáng sống...
Khải Đơn: “Khi người trẻ trăn trở về thiện – ác” 2
Ta có bi quan không? là tản văn thứ ba của Khải Đơn Ảnh: B.T
* Chị vẽ chân dung của sự phản bội, lòng đố kỵ, sự độc ác... một cách quá chi tiết trong từng sự vụ. Chị không sợ quyển sách sẽ làm bạn đọc thấy tiêu cực khi đọc nó sao?
- Tôi biết có thể bạn đọc sẽ thấy mệt khi đi qua hành trình này cùng tôi. Thật lòng mà nói, khi viết nó, đây cũng là thời gian cực kỳ nhiều điều đau lòng xảy ra với bản thân tôi. Tâm sự về sự thành công là điều tốt xinh đẹp. Nhưng tâm sự về sự thất bại, thừa nhận rằng mình đã bị hạ gục lại là điều khó khăn. Nhưng chẳng phải phần lớn cuộc đời chúng ta là phải cùng nhau giải quyết đau khổ, giải quyết sự tàn bạo và làm hòa với bất hạnh để sống tiếp sao? Tôi thành thật tâm sự điều đó. Cũng như tôi thành thật ghi lại câu chuyện mà nhiều người đã kể lại với tôi. Tôi không muốn làm cuộc sống màu hồng, mà mình dũng cảm sống và dũng cảm thấy thừa nhận sự tốt đẹp với những gì mình dành thật nhiều nỗ lực để đạt được, dù nó bé tới mức chẳng là gì với mọi người xung quanh.
Có thể bạn từng thấy thù ghét đứa bạn ở gần vì nó giỏi hơn mình. Tôi cũng thế. Tôi phải thừa nhận điều đó và viết ra, dù nghe thật xấu xí. Nhưng tôi hứa với mình sẽ cố gắng vượt qua. Tập trung. Tôi phải tập trung để thành công hơn, chứ không phải cắn cấu vì bạn mình giỏi hơn mình. Tôi thấy hạnh phúc vì cuối cùng mình đã thả viên đá của điều xấu xuống. Dù chẳng bao giờ giỏi như bạn tôi, nhưng tôi thấy bình an, vì thật may mắn, mình đã vượt qua cái ác của mình.
Ta có bi quan không? là tản văn thứ ba của Khải Đơn, tiếp nối câu chuyện cô viết cho người trẻ từ quyển đầu tay. Tác phẩm vừa là những trải nghiệm cá nhân của tác giả, vừa là những điều xuất hiện trong chuyện trò của cô cùng những bạn trẻ ở những năm tháng cùng nhau lớn lên và đón nhận đời sống. Sách gồm có bốn phần: Tuổi trẻ lem luốc, Chấn thương, Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cuối cùng là Rời khỏi ốc đảo an toàn.
Sách do Công ty văn hóa Đinh Tị và NXB Thanh Niên phát hành tháng 5.2017.
* Chị nói khá nhiều về cái ác, điều đó ám ảnh chị sao? Và chị có viết nó trong Ta có bi quan không?
- Trong quyển sách mới này của tôi, người đọc sẽ thấy cái ác hiện diện ở rất nhiều chỗ. Cách ta ác với người mình yêu, ác với ước mơ của mình, ác khi bị phản bội, ác vì ám ảnh thành công tràn ngập... Khi ta trẻ, điều quan tâm lớn là vô vàn câu hỏi về thiện - ác. Điều quan trọng là liệu ai sẽ trả lời cho ta câu hỏi đó, hay làm sao để tìm được câu trả lời đúng để trang tiếp theo của cuộc đời ta sẽ không làm gì tàn bạo với ai cả.
Tôi thật lòng lo sợ cách tôi đã lớn lên sẽ làm bản thân biến đổi. Chúng tôi nói về sự thỏa hiệp với cái sai, sự vô tâm trong việc cười cợt một ai đó không hoàn hảo như mình. Chúng tôi vô tư chế nhạo cách người khác sống và yêu. Tôi còn nhớ có thời trong trường cấp 2 của mình, có một cô giáo dạy văn làm mẹ đơn thân. Thời đó, mẹ đơn thân là điều gì đó... kỳ lắm. Và chính một cô giáo dạy văn khác đã đem chuyện đó ra làm trò đùa trong một tiết học ở lớp học thêm. Chúng tôi đã lớn lên như vậy, mình ác thật hồn nhiên mà chẳng hiểu vì sao lại ác thế. Mình ác thành tâm như thể đó là điều ngẫu nhiên đúng đắn trong đời. Nhưng với những bạn nhỏ hơn tôi quen bây giờ, họ không hề như tôi, không đùa, không cười, không chế giễu, họ đặt câu hỏi.
Sự trăn trở đó về thiện ác là điều quý giá nhất mà họ đã dạy tôi. Tôi không biết trả lời tất cả các câu hỏi. Nhưng chẳng phải nếu đã biết phân vân, thì ta đã ngừng lại một chân trước khi làm điều ác sao?
* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.