Nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa: ‘Tôi xem mình như nhân vật trong sách...’

04/01/2024 17:00 GMT+7

Dù không chọn văn chương là công việc mưu sinh, kiến trúc sư - nhà văn Nguyễn Đinh Khoa ghi dấu tên mình trên văn đàn với 4 tác phẩm: 'Độc hành' (truyện ngắn, NXB Trẻ, 2018), 'Trở về một đứa trẻ' (tản văn, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021), 'Con kiến xây' (tản văn, NXB Kim Đồng, 2023) và 'Dị bản' (truyện dài, NXB Trẻ, 2023).

Trò chuyện với Thanh Niên, Nguyễn Đinh Khoa cho biết, anh thích hành trình hơn là đích đến. "Miễn là tôi còn đi, còn viết thì tôi còn khám phá bản thân mình và thế giới xung quanh".

* Học kiến trúc, làm điều hành và quản lý dự án, anh đã bắt đầu hành trình viết văn từ khi nào? Và hành trình "viết" cho thấy một phiên bản "Nguyễn Đinh Khoa" khác gì so với "Khoa" trong công việc ngày thường?

- Nguyễn Đinh Khoa: Tôi bắt đầu viết khi bản thân không thể diễn đạt được những điều mình nghĩ, trong sự hạn chế về ngôn ngữ của mình. Có lúc, tôi sẽ nói rằng vì mình thần tượng một nhà văn và nhận ra được sứ mệnh của một nhà văn. Có khi tôi lại nói rằng mình đã viết vào những lúc cảm thấy tuyệt vọng nhất. Tôi cũng gặp rất nhiều trở ngại trong việc diễn đạt một câu trả lời và việc đơn giản hóa suy nghĩ của mình cũng khiến tôi đau khổ (cười). Cũng vì vậy mà tôi thường không đặt nặng kết thúc của một câu chuyện, mà để suy nghĩ và cảm xúc của mình dẫn dắt thông qua sự phát triển câu chuyện, nhân vật. Tôi viết về những con người xung quanh mình, bằng trí tưởng tượng về họ và đối thoại với chính mình. Bên trong tôi có họ, và bên trong họ có cái tôi.

Nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa: ‘Tôi xem mình như nhân vật trong sách...’- Ảnh 1.

Nguyễn Đinh Khoa và tác phẩm thứ 4 do NXB Trẻ ấn hành cuối năm 2023 - Dị bản

Vivi

"Khoa" trong văn chương khác với "Khoa" trong công việc thường ngày thế nào? Thật khó để so sánh mình ở hai khía cạnh khác nhau. Đồng nghiệp thường biết tôi trong công việc, nhưng hiếm ai hiểu tôi trong văn chương. Còn độc giả thì chỉ thấy tôi trong sách của mình. Bạn bè lại lấy làm lạ là một người làm công việc kỹ thuật sao lại viết văn? Còn tôi chỉ thấy có một "Khoa" mà thôi.

* Là một người thích viết và thích đọc, anh có "nghiêm khắc" với chính tác phẩm của mình không? Có chịu sự tác động về nhận định của một ai đó, nhất là những người có sức ảnh hưởng trong văn đàn?

- Tôi hay viết đi viết lại, và sửa tới sửa lui. Tôi không rõ đó có gọi là "nghiêm khắc" hay chưa? Nhưng tôi hiểu việc mình làm, cũng như trân trọng người cầm trên tay quyển sách của mình. Tôi không có tài năng gì xuất chúng, nên tôi giữ sự tập trung và làm việc chăm chỉ. Còn lại thì tôi không đặt nặng kết thúc của câu chuyện, như đã chia sẻ ở trên. Tôi thích sự tưởng tượng của độc giả từ những mối liên hệ giữa nhân vật và hoàn cảnh, giữa không gian và cảm xúc mà tôi cố gắng xây dựng. Và thật thú vị nếu độc giả có thể sáng tạo thêm những khung cảnh khác, mở ra những suy nghĩ khác. Tôi nghĩ không phải ai cũng thích văn của mình. Còn nếu ai đó thích, thì họ sẽ thích thôi.

Tôi có chịu sự tác động của các đánh giá của những người có sức ảnh hưởng trong văn đàn không? Nếu nói không có thì cũng không đúng, nhưng tôi quan tâm đến những đóng góp chân thành từ sự thành tâm trong việc theo dõi, quan sát và ủng hộ con đường mình đi.

Sự thật thì tôi thích những cảm nhận cá nhân hơn, như hớp một ngụm cà phê trong sự tĩnh lặng. Bạn chỉ có thể nói nó vừa vị, nhưng không thể diễn đạt vị của nó như thế nào, và nó khác gì với vị cà phê trước đây bạn uống. Tôi không biết cách mà người ta đánh giá một tác phẩm như thế nào, và thường tôi cũng không đánh giá tác phẩm hay tác giả nào cả. Tôi chỉ yêu quý họ, vì cảm nhận được nhân vật mà họ xây dựng, và vì tôi có thể hòa nhập vào một khung cảnh, một cuộc đời mà tôi chưa từng biết. Với tôi, chỉ cần có thể lắng nghe được tâm tư của người đọc, qua những nhân vật của mình trong sách, là tôi đã cảm thấy mãn nguyện.

Gần đây, tôi có gặp một người bạn, hai chúng tôi cùng ngồi bóc tách từng lớp ý nghĩa về các nhân vật của Dị bản. Tôi đã lắng nghe rất chăm chú, như thể các nhân vật của mình được bao dung từ một nhân sinh quan khác. Và tôi thích như thế.

* Có phải người thích viết là những người giỏi trong việc quan sát cuộc sống?

- Tôi nghĩ vậy và tôi cũng tin là vậy. Tôi thích quan sát mọi thứ xung quanh mình, từ con người, cảnh vật, trải nghiệm, cảm xúc cá nhân, từ những bộ phim, từ câu chuyện của bạn bè, từ sự quan sát và trí tưởng tượng của mình, từ thế giới bên trong, từ sự chia ly, từ sự mất mát…. Không chỉ quan sát, tôi hay nói rằng con người tôi hiện diện trong tất cả những gì mình viết, nhưng không phải tất cả những gì tôi viết đều là tôi. Tôi lơ lửng ở giữa, lênh đênh giữa một bầu trời rộng lớn và một miếng ván cỏn con.

Nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa: ‘Tôi xem mình như nhân vật trong sách...’- Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa

Huy Tran

* Và là những người thấu cảm nỗi buồn sâu sắc nhất, không chỉ của bản thân mà của những số phận xung quanh?

- Sự thật là vậy. Với tôi đó là một món quà đặc biệt và tôi nghĩ người viết nào cũng cần có món quà này, dù đôi khi cũng hơi mệt! (cười). Mẹ tôi có lần khuyên sao không thử viết gì đó tươi sáng hơn. Tôi không rõ văn của mình buồn như thế nào, nhưng có lẽ nỗi buồn làm người ta nhớ mình lâu hơn.

Khi bắt đầu viết, tôi không chủ đích viết về nỗi buồn, nhưng có lẽ từ trong vô thức những trải nghiệm của mình đều dẫn đến những câu chữ như thế. Tôi nghĩ, hiếm có nhà văn nào thực sự hạnh phúc, vì họ sẽ chẳng bao giờ viết khi họ hạnh phúc. Có thể ở những đoạn đời ngắn, họ vui. Còn với tôi, viết lách là một cách để thoát ly khỏi nỗi buồn, có thể tạm gọi là một liều thuốc xoa dịu những xây xát. Khi ta học cách viết xuống những nỗi đau của mình, thì nó cũng dần tan đi. Và đến một lúc nào đó, chúng chỉ còn là cảm giác về trải nghiệm mà thôi.

* Có khi nào nỗi buồn của nhân vật khiến anh "trăn trở" đến mất ngủ?

- Tôi không bị ám ảnh bởi các nhân vật của mình, tôi chỉ thương và suy nghĩ nhiều về họ. Có lúc tôi tự hỏi nếu như họ ở đây, ngay lúc này, trong hoàn cảnh mà tôi đang loay hoay, thì họ sẽ phản ứng như thế nào? Nghe ra thật buồn cười, vì đôi lúc tôi cũng trở nên lẫn lộn, thành ra tôi xem mình cứ như là một nhân vật trong sách. Nói một cách nào đó thì… tôi luôn thích những cuộc nói chuyện giữa các nhân vật, còn tôi là người ghi chép. Chốc chốc tôi lại liếc nhìn xem phản ứng của họ thế nào. Tôi cố gắng không đóng vai quan tòa để phán xét, mà chỉ xây dựng những tình huống để chất vấn nhân vật và để họ tự mình bào chữa. Việc một nhân vật từ ngày này qua ngày kia tìm đủ mọi cách để chứng minh cái lý do cho hành động của mình, là một việc đòi hỏi thời gian và công sức. Đôi khi con người cũng chẳng cần lý do gì cả, một ngọn lửa nhỏ có thể châm ngòi cho sự bùng nổ.

* Nếu không trăn trở đến mức mất ngủ thì có giúp anh nhìn thấy một hành trình phát triển của mình, như từ Độc hành đến Dị bản?

- Tôi thích hành trình hơn là đích đến, và miễn là tôi còn đi, còn viết thì tôi còn khám phá bản thân mình và thế giới xung quanh. Vì thế mà tôi không quan trọng đích đến, cũng như không quan trọng kết thúc của câu chuyện lắm. Tôi nghĩ mỗi tác phẩm có đời sống riêng của nó. Và rằng cuối cùng thì tôi vẫn luôn yêu quý mỗi "đứa con" của mình, bất luận nó có xuất phát từ ý niệm đơn sơ hay phức tạp đi chăng nữa, thì tôi cũng đón nhận nó, như cách trân trọng mỗi con đường mình đã đi qua, vì đã dành cho tôi những khung cảnh và trải nghiệm tuyệt vời.

* Trong Dị bản, người đọc thấy được sự đan xen giữa hai thế giới - "Thế giới thực tại" với các tuyến nhân vật liên kết với nhau, loay hoay tìm câu trả lời cho riêng mình trong nỗi đau mất mát, và một "Thế giới tương lai" mà một trí tuệ nhân tạo mong muốn được sống và cảm xúc như con người, anh muốn gửi gắm điều gì qua sự đối lập này?

- Tôi đặt nhân vật vào hoàn cảnh, hay đúng hơn là viễn cảnh. Đối với Dị bản, thay vì tập trung vào nhân vật chính, tôi chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng viễn cảnh cho tuyến nhân vật phụ để từ đó làm bật lên nhân vật chính. Và như thế, bạn như xem một bộ phim với hai nửa màn hình, hai thước phim song song, và bạn có thể chọn đứng ở một bên này để nhìn về nửa bên kia, hoặc ngược lại. Giữa một bên là thế giới đang bị tàn phá bởi con người, và một bên là một thế giới đang dần được xây dựng mới bởi trí khôn nhân tạo. Và giữa một bên là con người đang loay hoay trong nỗi đau đớn mất mát, và một bên là khí trôn nhân tạo muốn sống và được trải nghiệm như là con người. Vậy thì đâu là những đặc điểm riêng của nhân tính? Và chúng ta đã bao giờ cảm nhận là mình đang được sống hay chưa?

Nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Đinh Khoa: ‘Tôi xem mình như nhân vật trong sách...’- Ảnh 3.

Trong Dị bản, người đọc thấy được sự đan xen giữa hai thế giới - "Thế giới thực tại" và "Thế giới tương lai"...

Vivi

* Từ Độc hành đến Dị bản, có vẻ anh thích và cả muốn "thử thách" người đọc trong việc kết nối các tuyến thời gian, nhân vật và các chi tiết để mỗi người tìm ra sự kết nối với cuộc sống thực tại của mình?

- Thật ra thì… tôi thử thách chính mình thì đúng hơn (cười).

* Vậy thì tác phẩm của Nguyễn Đinh Khoa sẽ dành cho người có trí tưởng tượng phong phú hay cho những người có sự thấu cảm cuộc đời thông qua những số phận và sự lựa chọn trong cuộc sống?

- Tôi nghĩ ai cũng có thể đọc nó. Văn học hay bất cứ loại hình nghệ thuật biểu đạt nào cũng hướng về con người, mà thông qua đó thế giới nội tâm của con người được biểu đạt ra bên ngoài, để con người được lắng nghe và được thấu hiểu. Tôi nghĩ giữa người viết và người đọc luôn cần có sự kết nối đó. Hơn ai hết thì người viết như tôi cũng được lắng nghe.

* Cuối cùng là một chút bật mí về "nguồn cảm hứng" cho tác phẩm tiếp theo của anh?

- Vẫn là về tình thương và con người, về những đứa trẻ bị lãng quên.

* Cảm ơn anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.