Nhà văn Lê Văn Thảo đã 'lên núi thả mây'

Nhà văn Lê Văn Thảo, từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã vĩnh biệt cõi đời vào lúc 1 giờ sáng nay 21.10 tại tư gia 162/5 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh (TP.HCM), hưởng thọ 78 tuổi.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kể cách đây hơn 3 tháng, nhà văn Lê Văn Thảo bỗng nhiên nằm bệnh viện cả tuần. Đồng nghiệp ghé thăm, ông hơi xanh xao nhưng vẫn rất vui vẻ, đùa rằng: “Cái bao tử lâu lâu trở chứng, vài bữa hết thôi!”. Dĩ nhiên, không ai tin. Gạn hỏi mấy lần thì ông mới thú thật mình bị ung thư dạ dày. Bấy giờ ông đang tiếp nhận phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, cuối cùng do bệnh tật quá hiểm nghèo nhà văn Lê Văn Thảo đã ''lên núi thả mây'' rồi.
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1.10.1939 tại huyện Thủ Thừa, Long An nhưng lớn lên tại An Giang. Ông theo học ngành Toán tại Đại học Khoa học tự nhiên ở Sài Gòn và thoát ly lên chiến khu từ năm 1962 làm công tác văn hóa văn nghệ. Bắt đầu viết văn từ năm 1965 với đề tài nông thôn, chiến tranh du kích. Năm 1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn.
Sau 30.4.1975, ông công tác tại báo Văn nghệ TP.HCM. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa VII (2005-2010), nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM khóa IV và V (2000-2010).
Ba đời Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM (từ trái sang): Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3 năm 2011 Ảnh: Hội văn nghệ TP.HCM cung cấp
Lúc sinh thời, nhà văn Lê Văn Thảo từng đoạt không ít giải thưởng danh giá như Giải A tiểu thuyết Hội nhà văn, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007), Giải thưởng Văn học ASEAN (2006), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2012) cho tác phẩm Con đường xuyên rừng…
Lê Văn Thảo là nhà văn thứ ba sinh trưởng ở miền Tây Nam Bộ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bằng nhiều tác phẩm của mình, ông đã đóng góp rất nhiều cho diện mạo văn học Việt Nam, nhất là trong giai đoạn từng bước hội nhập với văn học thế giới.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể tới Đêm Tháp Mười (1972), Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1997), Con mèo (1999), Cơn giông (2002), Truyện ngắn chọn lọc (2003)…
Một số truyện ngắn của ông đã để lại nhiều rung cảm sâu xa trong lòng bạn đọc như Đêm Tháp Mười, Đi thăm chồng, Người Sài Gòn, Làng lở, Đứa con trở về…
Nhà văn Lê Văn Thảo (thứ 3 từ trái sang) trong một lần về thăm quê Ảnh: KIM NƯƠNG
Nhà văn Lê Văn Thảo là người sống rất tình cảm trọn vẹn với bạn bè và có nghĩa với quê hương. Đạo diễn Lê Văn Duy cho bết: “Sau khi anh nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, ông đã về quê và đến thăm lại ngôi trường những năm xưa đã miệt mài đèn sách, thắp hương tưởng niệm và tạ ơn thầy cô”.
Quan niệm viết văn của nhà văn rất đơn giản: “Công việc viết văn là của từng người, hoàn toàn độc lập, riêng tư. Có câu ví von rất hay: mỗi nhà văn là một Hội. Hội không giống các cơ quan công quyền khác, mà có lẽ giống câu lạc bộ hơn, nơi hội viên gặp gỡ trao đổi về nghề nghiệp, động viên nhau sáng tác. Tôi có thời gian dài đi kháng chiến, những năm công tác trong quân đội, đời sống tập thể, đồng đội gắn bó đối với tôi rất quý giá. Tôi coi các nhà văn trong Hội cũng là đồng đội. Tôi nghĩ không có Hội, có những trại sáng tác, những buổi hội thảo, tôi khó có dịp gặp gỡ chuyện trò với anh em. Hội đối với chúng ta, cần thiết như một ngôi nhà chung”.
Hiện linh cửu của ông đang được quàn tại tư gia. Sáng 23.10, linh cửu nhà văn Lê Văn Thảo sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.