Nhà văn Lý Lan: 15 giờ mỗi ngày với Harry Potter

05/10/2005 22:20 GMT+7

Sau khi hoàn tất bản dịch Harry Potter tập 6, nhà văn Lý Lan vừa từ Mỹ trở về Việt Nam. Việc đầu tiên của chị là... ngủ li bì vào ban ngày, vừa do chênh lệch múi giờ, vừa để bù lại cho thời gian qua đã làm việc quá căng thẳng. Cuộc trò chuyện của chị với PV Thanh Niên bộc lộ nhiều suy nghĩ không chỉ về Harry Potter.

* Harry Potter tiếng Việt là bản dịch thuộc loại nhanh nhất thế giới, đó có phải là điều chị muốn thực hiện?

- Đúng ra, đó là ý muốn của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ. Bản tiếng Anh Harry Potter 6 đã phát hành ở Việt Nam đồng thời với các nơi trên thế giới, độc giả Việt Nam yêu thích bản dịch tiếng Việt của tôi từ tập 1 đến tập 5 sốt ruột chờ đọc tiếp tập 6. Tôi cũng muốn hoàn tất bản dịch trong thời gian ngắn nhất để công việc riêng mình đang làm không bị gián đoạn lâu.

* Chị đã chạy đua với thời gian thế nào để đạt được kết quả?

- Tôi ước lượng thời gian dịch toàn bộ quyển sách là 60 ngày, nhưng NXB đưa ra thời hạn 40 ngày, nếu trễ hạn thì bị trừ 5% thù lao. Tôi đã cầm như bỏ phứt 5% thù lao để bảo đảm chất lượng bản dịch của mình. Trong thời gian 40 ngày đó, tôi chỉ hoàn tất 25 chương đầu. NXB không thể chờ nên đã nhờ người khác dịch 5 chương cuối.

* Hẳn chị phải xáo trộn hết thời khóa biểu sinh hoạt của mình? Và điều đó có gây ảnh hưởng gì trong cuộc sống gia đình?

- Cũng không đến nỗi "xáo trộn hết". Bình thường tôi cũng dành rất nhiều thì giờ đọc và viết. Khi tập trung dịch Harry Potter, tôi chỉ phải cắt bỏ những thú tiêu khiển tốn nhiều thì giờ như đi câu cá, đi biển... Trung bình tôi mất 1 giờ để dịch 1 trang, mỗi ngày 15 trang liền tù tì suốt 6 tuần lễ. Hôm nào không hoàn thành chỉ tiêu thì những hôm sau phải thức khuya hơn để làm bù nên những tuần lễ cuối, chồng tôi đành phải làm vườn một mình và ra tay chăm sóc nhà cửa bếp núc. Cũng may là ảnh khoái làm vườn, nấu ăn ngon và lúc đó lại đang nghỉ hè. Khi tôi chấm dứt việc dịch, ảnh là người vui mừng nhất.

* Chị có hài lòng với kết quả công việc?

- Nên hỏi "độc giả có hài lòng với bản dịch không?". Việc của tôi đã xong rồi.

* Vậy chúng ta hãy nói chuyện khác. Loạt sách dịch của các tác giả nữ Trung Quốc như Vệ Tuệ, Cửu Đan, Xuân Thụ... đang là đề tài bàn luận ở Việt Nam, không chỉ trong giới cầm bút mà còn đối với cả những độc giả bình thường. Chị có đọc những tác giả này và chị thấy khuynh hướng của họ thế nào?

- Tôi chỉ mới đọc Điên cuồng như Vệ Tuệ. Đề cập đến tình dục trong tác phẩm văn học thì các nữ tác giả (lẫn nam) Tây phương đã làm từ lâu nhưng không phải cái gì phương Tây làm rồi thì phương Đông không cần làm thêm. Và thực ra tình dục phương Đông vẫn còn sức hấp dẫn của sự che giấu, đè nén, cấm kỵ. Hiện tượng yếu tố tình dục nổi trội trong những tác phẩm Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt gần đây và được chú ý có lẽ mang tính xã hội nhiều hơn.

* Phải chăng chỉ ở các xã hội châu Á như Trung Quốc, Việt Nam..., đề cập đến sex mới trở thành một vấn đề của xã hội?

- Văn hóa Việt Nam và Trung Quốc đều có nền tảng đạo đức Khổng Mạnh coi thường phụ nữ. Tình dục trong xã hội Á Đông xưa nay được thể hiện qua quan điểm của "đàn ông thống trị" nên khi vấn đề được bày tỏ bằng cách thức và quan điểm của phụ nữ thì có vẻ "táo bạo, nổi loạn"... Cứ nhìn ra đường coi: đàn ông cởi trần thì bình thường nhưng con gái mà cởi trần ngoài phố thì có vấn đề ngay. (Ở Mỹ, khi chớm hè ấm áp, tôi thấy không ít nữ sinh viên cởi trần phơi nắng trên bãi cỏ trong sân trường, trước bao con mắt thản nhiên của người qua kẻ lại). Bao giờ xã hội ta đạt tới bình đẳng nam nữ thực sự thì ai cũng có thể công khai đề cập đến vấn đề này một cách tự nhiên, thoải mái, giống như các nhu cầu khác như ăn, ngủ vậy. Tuy nhiên, tình dục không phải là yếu tố cần có để cho một tác phẩm có giá trị văn chương.

* Chị sẽ ở lại Việt Nam bao lâu? Và sẽ làm gì trong thời gian đó?

- Chắc là vài tháng. Tôi đi về mỗi năm hai lần, thăm gia đình là chính, nhưng cũng thường nhân những dịp này để đọc sáng tác mới trong nước, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, nhất là độc giả và học trò cũ,  những người trẻ hiện đang sống và làm việc trong nhiều lĩnh vực, môi trường khác nhau.

* Với mục đích...?

- Trước tiên, đó là nhu cầu tình cảm, sau đó là nhu cầu tìm hiểu về xã hội Việt Nam mình hiện nay. Tôi cần hiện thực cuộc sống này hà hơi vào tác phẩm của tôi.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.