Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa viết để xoa dịu những vết thương đã khô cứng trong lòng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/12/2021 14:00 GMT+7

Với 232 trang đầy ắp cảm xúc, được viết túc tắc trong nhiều năm, tập tản văn Trở về một đứa trẻ của Nguyễn Đinh Khoa (do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành) như cách tác giả xoa dịu vết thương đã khô cứng trong lòng mình.

Tâm tình với độc giả về cuốn sách mới xuất bản, nhà văn Nguyễn Đinh Khoa chia sẻ: "Tôi mong Trở về một đứa trẻ có thể ở bên cạnh mọi người vào những lúc thấy lạc lõng hay hụt chân vào nỗi buồn, để bạn được an ủi và xoa dịu những vết thương đã khô cứng trong lòng mình. Phần còn lại, tôi tin rằng bạn sẽ có đủ sức mạnh để bước ra khỏi những ngày tháng bất ổn và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp khác nữa".

Nguyễn Đinh Khoa vừa là cây bút trẻ vừa là kiến trúc sư

Với Trở về một đứa trẻ (do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành), tác giả như muốn xoa dịu vết thương đã khô cứng trong lòng mình

NVCC

Cũng theo nhà văn Nguyễn Đinh Khoa, Trở về một đứa trẻ được tập hợp từ những mẩu viết về điều quá vãng. “Tôi không cố ý viết về tổn thương hay mất mát của riêng mình. Tôi chỉ mong sao cuốn sách như một lời chia sẻ nho nhỏ cùng những ai đã đi qua những chuyến lang thang cô đơn hay đã từng vùi mình vào những đêm dang dở”, nhà văn bộc bạch.

Đọc sách, thấy những con chữ của Nguyễn Đinh Khoa luôn đau đáu và suy gẫm: “Vào một buổi sớm, tôi nhận ra hạt đậu đã nẩy mầm mặc cho những năm tháng bỏ mặc không vun xới. Dường như nỗi đau có một cách vận hành riêng của nó, không nằm trong bất kỳ dự định gì. Những gì mà tôi có thể làm là viết xuống, rồi lại viết tiếp những trang viết khác. Kể từ đó, tôi nhận ra rằng bất kể những gì mình trải qua đều trở nên có ý nghĩa và được tích lũy trong những năm tháng của cuộc đời”.

Sau những trải nghiệm yêu thương với đủ cung bậc từ hạnh phúc, đổ vỡ, những khoảng dừng đủ lắng, Nguyễn Đinh Khoa ví von: “Tôi nghĩ tình yêu cũng giống như trồng một cái cây. Không có cái cây nào giống cây nào, có cây ít nước ưa bóng râm, có cây cần nhiều nước ưa ánh sáng, cũng có những cây chịu hạn cần nhiều nắng thì mới phát triển được… Dĩ nhiên là ta không thể đem kinh nghiệm của mình khi trồng một loại cây nào đó mà đem ra áp dụng cho hết thẩy mọi loài được, cũng như không thể nhân danh tình yêu của mình mà bình đẳng hóa cho tất cả mọi cá thể được. Ta vẫn luôn yêu cây, vẫn muốn chăm sóc và nuôi dưỡng nó; và mong đợi đến một ngày nào đó cây đơm hoa kết trái. Tình yêu cũng vậy, nó cũng cần được quan tâm nuôi dưỡng bằng tình thương thấu hiểu và bằng sự quan sát tận tụy được tích góp mỗi ngày, che chở nó qua những ngày nắng gắt và qua những trận mưa lớn”.

Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa ký tặng độc giả đặt mua sách

NVCC

Đặc biệt hơn, cùng hồi ức cho sự Trở về một đứa trẻ, người đọc cũng có thể lắng nghe thêm những câu chuyện dung dị, ký ức của tác giả về mẹ, về một chuyến đi đến đất Phật… để rồi người viết nhận ra rằng: "Tâm an lạc không xuất phát từ sự thúc ép muốn thoát ra khỏi hiện thực đau khổ, cũng không được tạo ra từ những phương tiện duy ý chí mà bản thân mình đang hướng đến. Vì những điều đó, sau một lúc, lại quay trở lại khiến bạn còn cần chúng hơn bao giờ hết".

"Đức Phật có dạy cảnh giới cao nhất của tâm là tâm không, vô tướng, vô tác, vô cầu. Chính khi rỗng lặng vô tâm thì những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Đó là khi tâm bạn thoát ra được những ý định toan tính, buông xả những được-mất, đến-đi và những cái ta đầy tham vọng. Đó là khi tâm bạn không dích mắc vào quá khứ, hiện tại hay vị lai, tức là nó an nhiên mà không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào", tác giả chiêm nghiệm.

Là cây bút trẻ, Nguyễn Đinh Khoa còn là một kiến trúc sư. Với truyện dài Độc hành, anh từng đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6 (năm 2018). Và khi tác phẩm đến tay bạn đọc, nhà văn Nguyễn Đinh Khoa gửi gắm: “Nếu bạn bắt gặp mình đâu đó trong Trở về một đứa trẻ, tôi tin rằng nhân duyên đã gắn kết chúng ta lại dù bằng những nỗi buồn rất đẹp”.

Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong vừa khởi động dự án Sách&cuộc sống, Trở về một đứa trẻ là tác phẩm đầu tiên của dự án này.

Theo “chủ xị” là nhà văn Lưu Đình Long, dự kiến mỗi tháng sẽ cho ra mắt từ 1-2 đầu sách viết về và viết bởi những con người trẻ, hiện đại, những công dân toàn cầu… bằng những câu chuyện thực tế, suy nghiệm bổ ích, cùng những đầu sách kỹ năng, sống đạo từ chính đời sống của quý tu sĩ, Phật tử…, như tác phẩm mới Góc an bên đời đang được thực hiện.

Cuốn sách tiếp theo của một giảng viên tại Trường ĐH Mở TP.HCM, có tên gọi Ở bên này thương nhớ, dự kiến ra mắt cuối tháng 12.2021. Tháng 1.2022, Hỗn kỳ đài - tập truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo (NXB Hội Nhà văn và Mây Thong Dong ấn hành) cũng sẽ ra mắt đáp ứng sự trông đợi của độc giả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.