Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Lê Văn Nghĩa tiết lộ chuyện 'động trời' thời đi học

22/04/2017 19:42 GMT+7

Ngày 22.4, độc giả đã được dịp giao lưu với nhà văn Nguyễn Đông Thức và Lê Văn Nghĩa tại Đường sách TP.HCM và rất bất ngờ trước những tiết lộ về thời đi học của họ.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa xuất thân từ một cây bút viết trào phúng nổi tiếng của báo Tuổi Trẻ Cười. Nhiều người không biết ông còn từng là nhà báo phụ trách mảng thể thao, sau này gần về hưu ông mới tập trung cho sáng tác văn học, với nhiều tác phẩm: Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, Cây viết máy và con chó nhỏ, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy… được bạn đọc rất yêu thích.
Còn nhà văn Nguyễn Đông Thức thì nổi tiếng với tiểu thuyết Ngọc trong đá được tái bản đến 8 lần nhưng vẫn thiếu sách để bán. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm: Mưa khuya, Tình yêu thường không dễ hiểu, Trăm sông về biển, Con gái vốn phức tạp, Mối tình đầu tiên và cuối cùng, Bản án trước khi chào đời, Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè… Mặc dù mới trải qua ca phẫu thuật lần hai thay khớp háng phải chống gậy khập khiễng nhưng ông vẫn đến từ sớm để gặp gỡ độc giả.
“Viết được như anh Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Đông Thức khó lắm”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ Ảnh: QUỲNH TRÂN
Nhớ lại thời đi học, nhà văn Lê Văn Nghĩa kể: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Thời đi học của tôi và anh Nguyễn Đông Thức cũng nhiều chuyện quậy phá lắm. Tôi sinh ra ở Chợ Lớn, hồi đó mê ảo thuật của ông già anh Mạc Can nên tôi hay trốn học đi xem hoài. Nhiều khi đến lớp, đi giữa đường gặp ông già đang ảo thuật thế là đứng xem quên học luôn. Chưa kể trong xóm còn có ông chiếu bóng thùng độc lắm, sau này khi viết cuốn Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy tôi có đưa các nhân vật này vào, tuy có hư cấu thêm chút ít cho hấp dẫn nhưng tất cả đều thật”.
Lớn lên chút nữa, nhà văn Lê Văn Nghĩa học trường Petrus Ký. Hồi đó có hai câu thơ “Mỗi độ xuân về Petrus Ký/Thương về mái ngói nhớ Gia Long” nên ông không giấu diếm: "Tôi cũng có những rung động trai gái giai đoạn này và thường leo tường trốn lớp ra ngoài chơi, ngắm mấy cô nữ sinh tan học trường Gia Long dắt xe đạp nhìn dễ thương lắm trong tiếng chuông chùa Xá Lợi não ruột…”.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức tiết lộ còn động trời hơn: “Tôi thì học trường Võ Trường Toản gần Sở Thú bây giờ, làm hàng xóm với mấy cô trường Trưng Vương toàn con gái đẹp. Suốt ngày tôi canh me mấy cô điệu đàng đi học về là chạy theo nhìn. Nhiều hôm còn bị mấy cô nhắc nhở: “Thôi em trai ơi, em vẫn còn nhỏ lắm mà cứ lẽo đẽo theo chị làm gì vậy? Lớn lên chút rồi hãy tính em he” làm tôi tức anh ách vì quá… nhỏ con".
Ảo thuật gia Mạc Can cũng đến giao lưu Ảnh: QUỲNH TRÂN
Gia đình nhà văn Nguyễn Đông Thức tới 9 người, sống ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Mẹ ông là nhà văn Bà Tùng Long rất nổi tiếng. Ông kể: “Chỗ tôi ở là khu nghệ sĩ. Dân tứ xứ tập trung về và sinh con gái nhiều và đẹp lắm. Hồi nhỏ tôi chơi với toàn con gái nên có sở thích mê con gái từ đó đến già luôn (Cười). Thậm chí, nói nhiều người không tin chứ mấy trò con gái như chơi nhảy dây, lò cò, ô quan, banh đũa... tôi đều rành sáu câu. Có lần cô bạn gái đang ngồi chơi banh đũa với tôi đang ngon lành bỗng nhiên phát hiện sự cố quần tôi mặc bị thủng đít, cô đỏ mặt nghỉ chơi luôn đến giờ. Sau này nghe nói lớn lên lấy chồng nước ngoài, tôi nghĩ lại chắc vì lúc ấy nhìn tôi cô ấy… thất vọng quá nên bỏ qua nước ngoài ở luôn rồi”, nhà văn Nguyễn Đông Thức cười giòn tan.
Và cũng nhờ những trò chọc phá dễ thương mà trong những tác phẩm của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Lê Văn Nghĩa khi đến với độc giả, mọi câu chuyện phản ánh trong các trang viết đều có chất liệu có thật từ chính cuộc đời họ. Từ đó, ký ức về một Sài Gòn xưa bàng bạc đẹp như tranh vẽ và một "tuổi thơ dữ dội" của lớp trẻ ngày ấy đã làm lên hai tên tuổi văn chương cho TP.HCM là Nguyễn Đông Thức và Lê Văn Nghĩa hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.