Ngày 5-2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, trong khuôn khổ ngày thơ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa giới thiệu tác phẩm mới nhất, thể nghiệm mới nhất của mình: kịch bản chèo Vong bướm.
|
* Hẳn nhiều người sẽ thấy kỳ lạ khi biết Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản chèo. Ông giải thích thế nào?
- Viết chèo như là sự đưa đẩy của số phận thôi. Chèo là một hình thức sân khấu rất hay của văn hóa Việt Nam. Nó rất Việt Nam. Gần đây tôi đi xem chèo hiện đại và thấy dựng như thế phí công, phí tiền quá, nên nảy ra ý định viết. Chèo cổ rất hay, nhưng xu hướng kịch hóa chèo gần đây khiến nó bị dung tục, tầm thường hóa, làm mất đi độ ảo diệu, tính ước lệ, tính tối giản vốn có.
Chèo cũng sử dụng thể thơ lục bát cổ truyền Việt Nam, mà tôi thích lục bát (và đặc biệt ghét thơ tự do). Nói chung tôi quan niệm thơ là mẹ của mọi thể loại văn học vì nó gần với triết học, người viết văn vì thế cũng phải trau dồi về thơ để viết sâu sắc và bay bổng hơn. Trước đây tôi thường đưa thơ vào các truyện ngắn, còn đây là lần đầu tiên viết thơ riêng.
* Nghĩa là ông có ý thức giữ gìn những giá trị của chèo truyền thống?
- Ðúng. Viết chèo tôi căn cứ vào chèo cổ, trở ngược lại lịch sử, chứ không tìm kiếm ở chèo hiện đại. Trước đây kịch và truyện ngắn tôi cũng làm theo cách này. Tôi coi viết văn giống như việc người ta lưu giữ các gen nguyên thủy của động vật, thực vật. Xã hội đã lai tạo quá nhiều gen dẫn đến những thứ sai lạc, thậm chí bệnh hoạn và gây hại. Văn học nghệ thuật cũng bị tình trạng ấy, vì thế cần phải trở lại tìm kiếm, học tập từ vốn cổ. Ðó là lý do vì sao tôi thích các tác giả nào giữ được bản lai diện mục của mình, như Nguyễn Bính, Bùi Giáng hay Ðồng Ðức Bốn.
* Tư tưởng đạo giáo được thể hiện đậm đặc trong Vong bướm, trước đây ông chưa bàn về nó nhiều như thế?
- Các cụ ta nói trẻ Nho, già Lão. Trẻ theo Nho để nhập thế, nhập thế thì phải kỷ cương, có tổ chức. Khi có tuổi thì theo Lão để mà xuất thế, tránh công danh, đấu đá. Ai cũng nên như vậy. Nói chung tôi quan niệm trong văn chương phải có ý thức tôn giáo, dù đó là gì. Thiếu nó văn chương khó đạt đến bậc thượng thừa. Tôi đọc và thấy tiếc cho một số văn tài của Việt Nam, họ thiếu một ý thức tôn giáo trong trang viết nên không thể tiến xa được.
* Kịch của ông vốn mang tiếng là đọc hay nhưng diễn khó. Chèo có lẽ cũng vậy?
- Tôi thấy cả kịch lẫn chèo của tôi không khó diễn. Người ta nói thế vì thành kiến thôi. Tôi mà là đạo diễn tôi sẽ làm được. Hơn 20 năm nay tôi rất quan tâm tìm hiểu đội ngũ sân khấu, hồi trẻ còn có ý định lập một đoàn kịch. Sân khấu của ta, nhất là ở miền Bắc, mang nặng tính tuyên truyền, diễn viên thường được gọi là văn công, tức là văn nghệ của công đấy.
Các vở kịch của tôi - Ðến bờ bên kia, Quỷ ở với người (đổi tên thành Nhà có năm anh em trai) được dựng trên sân khấu tôi không thấy hài lòng. Bàn tay của đạo diễn thô bạo quá. Tuy nhiên tôi thấy trong miền Nam có một số đoàn kịch tư làm nghệ thuật thật sự. Căn cứ theo xu hướng này, tôi tin chèo của tôi diễn được, bây giờ có nhiều đạo diễn trẻ, giỏi, táo bạo và nhiệt tình.
* Ông có tự tin vào tác phẩm của mình và vào sự đón nhận của độc giả không?
- Tin hay không đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ cố gắng hết mình làm ra một sản phẩm tử tế. Tôi đã vừa được chấp nhận vừa không được chấp nhận suốt hơn 20 năm qua cơ mà, nên bỏ đi một cuốn hay viết thêm một cuốn cũng chẳng là gì.
* Thế nhưng ông vẫn viết, vẫn thêm vào chứ không bỏ đi?
- Vì phải sống. Xưa còn trẻ tôi cứ nghĩ là đến một lúc nào đó sẽ được nghỉ ngơi, nhưng hóa ra không phải thế. Con người ta lúc trẻ thì sống, còn khi về già thì phải sống.
Vong bướm: một cách đọc và hiểu thơ lục bát Không phải lần đầu Nguyễn Huy Thiệp viết kịch. Xuân Hồng, Quỷ ở với người hay Còn lại tình yêu là những vở kịch của ông đã được dàn dựng và khi ra mắt đã tốn khá nhiều giấy mực. Cũng không phải lần đầu ông viết dạng "truyện ngắn - thơ" hay "kịch - thơ". Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt hoặc Thương cả cho đời bạc là những tác phẩm mà thơ trong văn ông và thơ của nhân vật nhà văn mà ông chọn chộn rộn hay hiền lành đứng cạnh nhau, tạo nên một giọng là lạ quen quen cho câu chuyện. Nhưng Vong bướm (Nhã Nam và NXB Thời Ðại) là một bước nữa, một bước thật dài trở về quá khứ của Nguyễn Huy Thiệp - nhà văn mà từ khi xuất hiện cách đây đúng một phần tư thế kỷ, chưa bao giờ hết gây bất ngờ, dù ông tiến hay lùi, mới hay cũ. Với nhân vật chính là hình mẫu nhà thơ Nguyễn Bính - người có cốt cách Bướm - Ðiệp Lang, đoản thiên tiểu thuyết được viết với hình thức kịch bản chèo này thật sự là một cách đọc và hiểu thơ Nguyễn Bính nói riêng và lục bát nói chung trong một không gian văn chương mới. Cái chất chèo và chất thơ từ những vở chèo cổ, từ những vần thơ lục bát của Nguyễn Bính, Nguyễn Bảo Sinh, Trần Bình mà Nguyễn Huy Thiệp kết nối khi nhuần nhị, khi cố tình "lệch pha" để lộ sự trích dẫn bằng chính những vần thơ lục bát của mình, tạo nên một sức hấp dẫn rất lạ mà người đọc đã quen tìm kiếm mỗi khi đọc Nguyễn Huy Thiệp. Bởi thế, đọc Vong bướm, ngoài "đọc" rất nhiều thứ khác, còn có thể nói: "Tôi đọc thơ lục bát Nguyễn Huy Thiệp". |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)