* Năm 2009 đã khép lại, nhưng vấn đề “hội nhập văn hóa” vẫn được nhiều người quan tâm và đang tiếp diễn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi thấy hình như chúng ta thường không hiểu đúng và không nói đúng về hội nhập, bàn về hội nhập chúng ta thường nói đến chuyện du nhập hay không du nhập cái này cái nọ vào xã hội, vào đời sống văn hóa của ta. Và rồi tranh cãi về những cái đó. Hoặc lo lắng hội nhập thì được gì, mất gì...
Nghĩ như vậy thì hẹp và đúng là "hình thức" quá, lúng túng, rối ren, và chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Chắc cũng có thể nói một cách đơn giản, dễ hiểu: hội nhập nghĩa là cố gắng sống được một cách văn minh cho bằng thiên hạ bây giờ, và theo cách của mình. Có thể như thế được không? Theo tôi là có. Vì ta từng sống văn minh. Ở đây có chuyện tương tự như trong kinh tế: muốn thu hút được nhiều vốn tốt bên ngoài thì ta cũng phải có "vốn đối ứng" mạnh. Nếu vốn đối ứng văn hóa của ta bị sa sút thì sẽ rất lúng túng về hội nhập, vừa lạc hậu vừa yếu, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, và lại rối ren trong tiếp nhận.
Chúng ta vui vì quan họ hay ca trù được công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng nếu từ trong một chiếu ca trù tinh tế đến từng miếng gõ sanh tuyệt diệu bước ra khỏi cửa đã gặp một cảnh giao thông hỗn hào trên đường, thì xấu hổ hơn là hãnh diện.
Ảnh: Bạch Dương
* Không ít lần ông đã nói rằng “thực trạng văn hóa đang xuống cấp”, ông nhìn thấy ở năm 2009 những điều cụ thể nào minh chứng cho điều ấy?
- Những "đau lòng" trong năm 2009 cũng chẳng có gì mới hơn đâu, vẫn tiếp tục. Xin lấy một ví dụ về giáo dục. Vừa rồi trong một cuộc hội thảo có người đã nêu hiện tượng: một số người đang làm việc trong ngành giáo dục mà tương đối có điều kiện tài chính đều cho con mình ra học ở nước ngoài, ngay cả ở cấp phổ thông. Trong khi đó họ chăm chú, ráo riết đem nền giáo dục mà chính họ không ưng ý cho con cái mình áp đặt cho con cái đa số người dân không có được điều kiện như họ. Nói thế nào đây về chuyện này, nếu không phải là một sự bất công, sự không chân thành với nhau...?
* Theo ông, người làm văn hóa chân chính thì phải thế nào?
- Đã là người làm văn hóa chân chính thì đều khát khao tham gia - chứ không phải chỉ tham dự - vào biến chuyển tốt đẹp của đất nước.
* Năm 2010, chúng ta sẽ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trước đó đã có rất nhiều những hoạt động khác nhau để chuẩn bị chào mừng... Ông suy nghĩ gì về những hoạt động đó?
- Cho tôi nói thật: những vấn đề gốc rễ của văn hóa không chỉ giải quyết trong và bằng các đại lễ. Tôi không phản đối, tất nhiên, nhưng trong một chừng mực, còn để dành tiền và nhất là dành suy ngẫm, tâm huyết cho những bài toán lớn, sâu hơn nhiều đang nỗ lực tìm lời giải. Chẳng hạn bài toán giáo dục, chìa khóa của mọi bài toán lớn nhỏ khác.
* Ông chờ đợi gì ở năm 2010?
- Không bao giờ nên chờ "khởi sắc văn hóa" trong một năm, dù là năm nhiều đại lễ. Những vấn đề văn hóa luôn luôn là những vấn đề dài hạn, cần liên tục nghiền ngẫm và xây đắp.
* Xin cảm ơn ông.
Cát Khuê
(thực hiện)
Bình luận (0)