Cho đến chiều tối nay, gọi điện thoại cho nhà thơ Phan Hoàng, anh vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quốc Trung. “Khi anh Trung vào bệnh viện điều trị Covid-19, tôi hay gọi điện hỏi thăm. Biết thông tin anh ấy đang điều trị rất ổn cũng mừng và chúc anh mau bình phục để về nhà. Chiều qua tôi nhắn tin không thấy anh ấy nhắn trả lời lại. Sáng nay gọi điện lại không thấy bắt máy, tôi linh tính có điều gì không hay đến với anh rồi. Thật buồn…”.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Sơn Ninh, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982, nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất, giải thưởng của Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng văn học khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).
|
Là một nhà văn sáng tạo không ngừng, ông lần lượt trình làng 5 tiểu thuyết gây xôn xao dư luận: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu cùng 5 tập truyện ngắn.
Nhà thơ Phan Hoàng kể: “Dù là người có tính khí khác biệt một chút nhưng trong văn học, nhà văn Nguyễn Quốc Trung lại viết rất khỏe, cho đến cuối đời trước khi nhiễm bệnh vẫn miệt mài với bàn viết và trang giấy. Từng dấn thân trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hàng chục năm, nỗi ám ảnh từ cuộc chiến tranh khốc liệt đã giúp ông trưởng thành. Ông thấu hiểu phẩm cách người lính tình nguyện Việt Nam, am hiểu con người và nền văn hóa giàu truyền thống xứ Angkor để viết nên nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn thấm đẫm chất hiện thực, nhân văn. Ông trở thành một trong những cây bút xuất sắc nhất về chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam…”
Sau này với tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, nhà văn như lội ngược dòng sở trường lâu nay của mình, đi vào các vấn đề thời sự, gai góc của đời sống thời bình. Nhà văn Nguyễn Quốc Trung tiết lộ về ngã rẽ... trái này: “Đây cũng là tập sách tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập, cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc bị xé nát. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Đây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ánh”.
Nhà văn Trần Văn Tuấn (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) từng nhận xét: "Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn, cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm qua. Một tập truyện mang tính thời sự đáng đọc và suy ngẫm".
Vậy là sau những bộn rộn, đau đáu với con chữ, nhà văn Nguyễn Quốc Trung - một trong những cây bút xuất sắc về chiến tranh biên giới Tây Nam đã từ giã cõi trần ở tuổi 65 sau hai tuần điều trị Covid-19 tại Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM). Hiện thi hài ông sẽ được hỏa táng, sau đó tro cốt được trao cho đại diện tạp chí Văn nghệ Quân đội tại TP.HCM - nơi ông từng công tác và gia đình để lo hậu sự cho nhà văn.
Bình luận (0)