* Chị làm việc thế nào để có hai bản thảo gần như cùng lúc?
- Tôi bắt đầu viết Công Ty từ đầu năm 2006, cuối năm thì hoàn tất, đều đặn mỗi tuần một chương. Mắt Bão cũng làm việc tương tự, năm 2007. Nhưng phải đến năm nay, cả hai mới được xuất bản trong thời gian khá ngắn.
* Cách viết Công Ty có vẻ kỹ thuật hơn so với Mắt Bão, vì sao vậy?
- Bắt tay vào viết Công Ty, tôi lưỡng lự rất lâu. Đây là truyện dài đầu tay của tôi. Tôi đặt mục tiêu phải điều khiển nhân vật qua tiến trình tâm lý, đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật. Chọn cách để cho từng nhân vật tự sự, tôi có thể hóa thân, khảo sát tâm lý thoải mái hơn cách viết thông thường. Thoạt đầu, cách viết này có vẻ dễ dàng và hứng thú. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy khó khăn. Nhưng chính khi "điên cuồng" tháo gỡ những gút mắc nảy sinh, tôi rút được nhiều kinh nghiệm quan trọng. Những kinh nghiệm ấy đã giúp ích tôi trong Mắt Bão.
* Cả hai truyện đều mô tả cuộc sống giới văn phòng. Chị có nhiều hiểu biết về giới này?
- Tôi không có điều kiện giao du nhiều. Bù lại, tôi là người tò mò, háo hức với những người, những giới khác mình. Với tôi, sự ngạc nhiên thường dẫn đến hai trường hợp, hoặc là buồn cười khủng khiếp, hoặc "kích động" dữ dội. Nói cách khác, đó là cảm hứng. Viết là để tìm hiểu, giải thích sự ngạc nhiên đó.
* Việc làm báo gây khó khăn hay thuận lợi cho việc sáng tác của chị?
- Tôi vẫn thường xuyên mang bài vở về nhà xử lý. Nếu có khó khăn, thì đó là việc làm báo
* Bằng cấp về thiết kế có hỗ trợ cho việc viết văn của chị?
- Những người học thiết kế có điểm chung, là say mê kỹ thuật mới, thích thú các thay đổi, thử nghiệm và... mau chán. Điều này tạo ra vài ưu điểm lẫn không ít khuyết điểm. Khi viết truyện dài, tôi nghĩ kỹ về bố cục, trình tự, điểm nhấn... Nhưng trong lúc thực hiện, có khi lại sa đà vào những hứng thú mới phát hiện, thế là câu chuyện bị lái sang hướng khác.
* Chị có phải huy động trí tưởng tượng nhiều?
- Cho đến thời điểm này, những gì tôi viết đều hư cấu. Khi bị lệ thuộc vào bối cảnh hay nhân vật có thực, tôi mất hết hào hứng, không thể đẩy nhân vật đến cùng. Tuy nhiên, những điều mọc ra từ tưởng tượng, thực ra cũng chỉ là hình chiếu của các thực tế tôi từng trải qua.
* Chị có làm việc theo kiểu ngồi vào bàn đúng lúc, bất kể có cảm hứng? Và như thế, với cái đầu lạnh, liệu chị có cùng yêu đương, khổ đau, thất tình, thậm chí tự tử... với nhân vật của mình?
- Từ nhỏ, tôi có thói quen học liên tục, đến lớn thì làm việc liên tục. Tôi phát hiện, có dạng cảm hứng xuất hiện trong quá trình làm việc. Vì thế, việc ngồi vào bàn đối với tôi như một hứa hẹn, chẳng có gì nặng nề đáng sợ. Với từng nhân vật, tôi có cách ứng xử khác nhau. Có nhân vật tôi viết bằng lý trí, phân tích tối đa. Có nhân vật, tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự hóa thân. Nhưng loại nhân vật sau rất hiếm vì tôi biết mình là người hơi lạnh, kém sinh động, làm nhân vật thiếu sức hấp dẫn. Khi viết, tôi chỉ sống với nhân vật, theo đuổi câu chuyện, mọi thứ bên ngoài chẳng tác động gì. Nhưng khi đã viết xong, tôi trở thành người ngoài, hoàn toàn không dính líu. Thậm chí, có lúc nhìn lại nhân vật, tôi cũng hơi hoảng.
* Chị nhận được phản hồi thế nào từ bạn đọc trẻ?
- Những bạn trẻ trung, năng động thì thích Công Ty. Những bạn chững chạc, sâu sắc thì thích Mắt Bão. Cũng có bạn thẳng thắn nhận xét nhân vật này chưa "đã", nhân vật kia hành động thiếu logic... Nhưng các bạn đều tìm thấy điểm tương đồng giữa mình và nhân vật.
* Chị giải trí bằng cách nào?
- Thú vui của tôi là thiết kế nội thất. Tôi thấy dễ chịu khi được sắp xếp không gian, lựa chọn màu sắc, phân tích kiểu dáng, nhìn ngắm chất liệu... Cuối tuần, nếu rảnh, tôi thường tư vấn hoặc thiết kế nội thất giúp bạn bè. Khi hoàn tất thì chụp hình, ngắm nghía. May là bạn bè cũng tin cậy, nên tôi được thỏa mãn niềm vui. Tối, tôi dành một, hai tiếng đọc sách. Gần đây, tôi hay đọc lại tác phẩm của Paul Auster.
Thu Đông (thực hiện)
Bình luận (0)