Cuộc hội thảo này đặt ra chủ đề “Lưu vong là nguồn cơn của những mâu thuẫn nội tại hay cơ hội để trở nên siêu việt? Làm thế nào mà một người lưu vong, vốn chọn một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình, lại có thể bơi trải giữa một bên là sự phai mòn các giá trị cơ bản và một bên là sự tiếp biến văn hoá?”. Tại đây, Linda Lê vốn ca tụng tất cả những gì tương phản, sẽ bàn đến các chủ đề gắn bó mật thiết với nhà văn: Sự di chuyển, tính không chính thống và văn học - điều luôn vượt qua mọi rào cản.
Sau buổi hội thảo sẽ có buổi ký tặng sách do Cty Fahasa tổ chức. Trước đó - vào 18h ngày 18.10 - tại nhà sách Nam Phong, nhà văn Linda Lê sẽ đọc một phần trích đoạn trong tác phẩm mới xuất bản tặng độc giả.
Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, cha là kỹ sư người Việt và mẹ người Pháp. Cùng mẹ, ba chị em gái và bà, chị rời Sài Gòn sang Pháp để tiếp tục việc học. Năm 1981, Linda Lê đến Paris theo học khóa học văn chương tại trường Henri IV, rồi học tiếp ở Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay của chị - “Sự dịu dàng của ma cà rồng” - được xuất bản năm 1986 khi chị vừa tròn 23 tuổi. Năm 1992, tiểu thuyết “Phúc âm tội ác” ra đời được báo chí tán dương nhiệt liệt. Năm 1993, Linda Lê xuất bản tiểu thuyết thứ năm “Vu khống” và tiểu thuyết “Lời nói của kẻ khờ” vào năm 1995. Rất nhiều tác phẩm ra đời sau đó: “Ba số mệnh”, 1997; “Tiếng nói”, 1998; “Chết”, 1999 và tiếp theo đó là “Mặc cảm Caliban” và “Chuyện tình hai mặt” - 2005; “Hồi tưởng”, 2007. Năm 2009, tác phẩm “Tìm điều mới mẻ” được dư luận chú ý. Linda Lê viết văn bằng một thứ tiếng Pháp xác thực, chỉn chu và súc tích.
Linda Lê đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng Tài năng (1990), giải Văn chương sáng tạo (1993), giải Fénéon (1997). Năm 2007, tác phẩm “Hồi tưởng” của chị nhận được giải Prix Femina và cả giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng. Nhưng nữ nhà văn lại trốn tránh báo giới và tự nhận mình là “kẻ ẩn dật”.
Ngòi bút của Linda Lê rất tinh tế, khắt khe, cổ điển, thấm nhuần khả năng phân tích sắc bén như là sự kế thừa của dòng văn chương thế kỷ XVII. Nhà phê bình Marine Landrot (Báo Télérama) ví các tác phẩm của chị như là “bài diễn văn tang lễ khổng lồ, trong đó mỗi phần có vẻ là một sự phản ánh của nhau với một sự tinh tế và làm xoa dịu tâm hồn”.
Theo Lao Động
Bình luận (0)