Số là, hồi chiến tranh Trung Trung Đỉnh vốn là lính, lại tập tò viết văn, được nhà văn Nguyễn Chí Trung chiếu “mắt xanh” vào phát hiện ngay từ đầu, từ lúc Đỉnh mới viết được cái bút ký hay truyện ngắn gì đó. Ông Trung, ngay từ ngày đó, đã nhìn thấy năng khiếu của Đỉnh, và ông quyết, khi có cơ hội, sẽ “biến” Trung Trung Đỉnh thành nhà văn thực thụ. Cơ hội đã đến. Ngay sau hòa bình, nhà văn Nguyễn Chí Trung “đàn hát” thế nào mà ông Hai Mạnh (bí danh đại tướng Chu Huy Mân) cho mở ngay tại quân khu Năm một trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh.
Nhiều nhà văn đã thành danh ở chiến trường khu Năm, cả một nhà thơ “chẻ” chưa có “danh gì với núi sông” như tôi, lại ở chiến trường Nam Bộ, cũng được ông Trung kéo về. Tất cả tụ dưới “mái nhà chung” là khu nhà số 10 Lý Tự Trọng( Đà Nẵng). Trung Trung Đỉnh về sau chúng tôi một năm, và anh đúng là “trẻ” thật, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Ông Nguyễn Chí Trung tuy không dùng roi vọt để đào tạo nhà văn, nhưng ông dùng kỷ luật sắt để khép, nhất là các nhà văn trẻ, vào khuôn phép. Trung Trung Đỉnh không phải ngoại lệ. Mà lúc bấy giờ, “ngoại lệ” là tôi, Thái Bá Lợi và Ngô Thế Oanh.
Một người (tôi) thì ông Trung đích thân xin về( chứ không phải tôi xin về với trại của ông) nên ông có phần e ngại, một người( Thái Bá Lợi) tuy là lính của ông Trung nhưng đã thành danh, là một nhà văn trẻ đang nổi tiếng, có những tác phẩm được dư luận rất quan tâm, nên ông Trung có phần nể. Còn Ngô Thế Oanh thì hiền lành nhưng đó là một trí thức đàng hoàng mà ông Trung không thể không kiêng dè. Xem đi xem lại, chỉ còn Trung Trung Đỉnh là đủ điều kiện để ông Trung khép vào “kỷ luật sắt”.
Nhưng Đỉnh mới về trại là bám ngay lấy mấy anh em “đối tượng” chúng tôi để…chơi, thậm chí để…nhậu. Điều đó khiến ông Trung rất phiền lòng. Ông đã nhiều lần cảnh cáo Đỉnh không được tụ ba với tôi và Thái Bá Lợi, nhưng Đỉnh chứng nào tật ấy. Thế là vào một đêm, cơ quan họp, chúng tôi, có cả Đỉnh, đi nhậu la đà đến say khướt. Lúc chúng tôi về, thì cơ quan họp sắp xong. Ông Trung cáu lắm, nhưng không nói gì. Đợi tan họp, chúng tôi ra về, ông mới gọi riêng Đỉnh ra sân cơ quan.
Và, ông hô: “ Nghiêm!”, “ Chạy vòng quanh sân, chạy!”. Sân cơ quan hồi ấy khá rộng, chạy một vòng khoảng trăm mét. Đỉnh lại đang say. Nhưng “quân lệnh như sơn”, đành tuân lệnh. Đỉnh chạy được một vòng, tưởng thoát, nào ngờ “ Chạy tiếp năm vòng, chạy!” Khi chạy xong năm vòng, Đỉnh suýt… gục ngã. Sáng hôm sau, tôi mới nghe Đỉnh kể lại hình phạt hồi hôm. Chúng tôi bò ra… cười.
Lợi nói: “Ông Trung có cốt tướng đấy!” Chẳng ngờ, câu nói vu vơ của anh nhà văn này thành câu tiên đoán chính xác. Sau này, ông Trung lên tướng. Còn Trung Trung Đỉnh, có lẽ nhờ chạy mấy vòng sân mà thành nhà văn nổi tiếng. Dĩ nhiên, không phải nổi tiếng vì… chạy. Mà vì tác phẩm.
Nhật Chung
Bình luận (0)