Tại Hà Nội, còn rất nhiều khu tập thể cũ của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy... có quy mô từ 2-5 tầng, phần lớn được xây dựng từ trước những năm 1980, dành cho các công nhân, nhân viên biên chế.
Do xây dựng theo quy chuẩn xây dựng cũ, nên phần lớn các khu tập thể này tách riêng biệt khu vệ sinh và khu ở. Theo thời gian, lượng dân tăng lên, các khu nhà này xuống cấp xập xệ. Vấn đề tắm giặt, vệ sinh khiến một số người dân tại đây phải thốt lên “kinh khủng khiếp”.
|
Phố Thọ Lão nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), là nơi tập trung khá nhiều những khu tập thể cũ của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy... phần lớn được xây dựng từ những năm 1960, với các khu nhà từ 3-5 tầng, xuống cấp, xập xệ. Khu vệ sinh được xây dựng riêng biệt, đặt cuối hành lang, hoặc gần cầu thang.
tin liên quan
Tìm chỗ 'giải quyết nỗi buồn' công cộng hiện đại ở TP.HCM trên đầu ngón tayKhốn khổ vì nhà vệ sinh
Khu tập thể Cơ khí Trần Hưng Đạo là khu tập thể lớn nhất trong khu phố Thọ Lão, với hàng chục đơn nguyên từ 3 - 5 tầng, mỗi tầng gồm 20 căn, mỗi căn rộng khoảng 20 m2, các hộ gia đình sinh sống và sử dụng chung khu vệ sinh, tắm giặt.
Ghi nhận của phóng viên tại đơn nguyên F1 gồm 3 tầng, mỗi tầng có 20 hộ sinh sống, tuy nhiên, khu vệ sinh chỉ có 4 nhà vệ sinh, được đặt ở cuối hành lang khu nhà. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 3 nhân khẩu, thì mỗi tầng 60 người phải chia nhau sử dụng khu vệ sinh 6 phòng (cả tắm giặt), chưa kể tầng 4 (tầng mái) có thêm nhiều hộ cơi nới để ở, cho thuê.
Không những thiếu, mà đặc điểm chung của nhà vệ sinh ở các khu tập thể xập xệ là tối tăm, ẩm thấp, bốc mùi,... đặc biệt là tình trạng ứ tắc thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống các hộ dân tại đây.
|
Bà Phạm Thị Ngọc (74 tuổi) sống lâu năm tại khu chung cư này, cho biết các hộ sống trong khu tập thể, đặc biệt là các hộ từ tầng 2 trở lên, đang khốn khổ vì vấn đề vệ sinh. Mỗi sáng, đi vệ sinh là nỗi ám ảnh của các hộ dân sống trên tầng cao, cảnh xếp hàng, đợi nhau diễn ra thường xuyên, nhiều người không đợi được, phải cố nhịn để tới chỗ làm.
Ngày xưa, ở đây vẫn đi chung cả tầng cho 4 phòng, tuy nhiên thấy vấn nạn “cha chung không ai khóc”, việc dọn dẹp nhà vệ sinh chây ỳ, mùi bốc khắp hành lang, nên mấy năm gần đây, các hộ đã tự chia nhau 4-5 hộ dùng chung 1 phòng vệ sinh, và có trách nhiệm dọn dẹp, từ đó mùi hôi cũng bớt đáng kể.
|
tin liên quan
Ba, mẹ các hiệp sĩ bị băng trộm SH đâm chết: 'Con tôi chết máu chảy thành sông'“Nhà tôi ở dưới tầng 1, nên có thể thoải mái sửa sang, làm nhà vệ sinh, cũng đỡ khổ. Một số hộ tầng trên có chung nhau làm nhà vệ sinh bên trong, chạy đường ống xuống dưới vì không chịu được cảnh vệ sinh khủng khiếp như vậy”, bà Ngọc nói.
Chị Đinh Thị Thắm (34 tuổi, sống tại tầng 3 khu tập thể này) cho hay hồi mới lập gia đình, chưa có con nhỏ nên vẫn thường xuyên đợi để đi vệ sinh, nhưng từ khi con trai đi học, chị phải dậy sớm để đưa cháu đi học nên nỗi ám ảnh của việc chờ đi vệ sinh cũng bớt phần nào.
“Ngày nào dậy muộn, cuống cuồng đưa con đi học là phải cố nhịn đến chỗ làm. Có ngày, đêm về vẫn phải chờ đợi, cực lắm, bất tiện đủ đường. Mấy năm gần đây, mọi người có xây một khu vệ sinh riêng biệt ngoài khu nhà, tuy nhiên phần lớn là các hộ sống gần đó sử dụng, từ khu F1 này đi xuống cũng mấy trăm mét, nên nhiều người ngại đi”, chị Thắm nói.
Hàng lang tối tăm, trộm cắp hoành hành
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu tập thể cũ này, hành lang ban ngày cũng như ban đêm, không một bóng đèn được thắp. Cùng với đó là nạn trộm cắp hoành hành, khiến người dân hoang mang.
Theo người dân tại đây, ngoài việc thiếu thốn nhà vệ sinh, việc tắm giặt cũng là 1 nỗi ám ảnh, có nhiều trường hợp đang tắm mà bị trộm lấy mất điện thoại để trong túi quần, trẻ em đang cầm điện thoại chơi cũng bị cướp đi.
|
Từ ngày đó, mọi người đi tắm, giặt ai cũng đề phòng hơn, khóa cửa trong và cất đồ đạc cẩn thận. Phía đại diện các tầng cũng cho dán biển cảnh báo kèm theo số điện thoại công an khu vực, để các hộ dân cảnh giác, đề phòng.
Việc thiếu nhà vệ sinh ở các khu tập thể cũ Hà Nội không phải là chuyện mới, bởi đây là tình trạng chung của rất nhiều khu tập thể xây dựng trước những năm 1980 trên địa bàn Hà Nội. Hàng nghìn hộ dân sống ở khu tập thể cơ khí Trần Hưng Đạo mong mỏi chính quyền có biện pháp để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Bình luận (0)