Đây cũng là đồ án xuất sắc vượt qua 40 đồ án khác để giành giải vàng giai đoạn nghiên cứu giải thưởng “Holcim Prize 2010”. Ngoài phần thưởng 50 triệu đồng, các bạn được cấp 150 triệu đồng để ứng dụng vào thực tế. Sau sáu tháng, nếu hiệu quả triển khai tốt, mô hình sẽ được hỗ trợ nhân rộng.
Để hoàn thành đồ án này, bốn bạn trẻ làm việc cật lực suốt sáu tháng. Trần Vũ Linh cho biết: “Toilet được xây trên bể nước nhưng không sử dụng giọt nước nào để xử lý chất thải”. Khó nhất là xử lý phân bằng tro. Sở dĩ chọn tro vì tro có tính khử mùi, hút nước. Khi phân trở nên khô thì vi khuẩn sẽ không phát triển được.
Theo Vũ Linh, ưu điểm nổi bật trong xử lý chất thải của toilet nổi là mô hình liên kết khép kín: nhà sản xuất tro - nhà vệ sinh - nhà vườn. Mỗi tuần tro được chuyển tới toilet nổi để ủ phân. Sau một tháng, số phân đó được chuyển đến Hợp tác xã dâu Hạ Châu để được xử lý rắc nấm trichoderma có tính năng đối kháng với các nấm bệnh.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm được “tiếp sức” nhiệt tình bởi kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, TS Nguyễn Du Sanh (quyền trưởng khoa sinh học, ĐH KHTN TP.HCM), ThS Phùng Thị Bích Hằng và ThS Nguyễn Kim Nguyệt (khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, ĐH Cần Thơ).
Theo tính toán, nếu toilet hoạt động hết năng suất thì sau khi chi những khoản như mua tro, tiền điện, thuê nhân công... và thu về tiền bán phân, tiền lượt khách đi thì toilet nổi sinh lợi 3 triệu đồng/tháng. “Quan trọng là cách vận động và hướng bà con sử dụng toilet nổi. Ban đầu chúng mình sẽ hướng đến những người dân dùng xuồng nhỏ” - Nguyễn Hùng Giang nói.
Nhóm còn ấp ủ mơ ước thực hiện toilet ủ tro trên... trời (máy bay), trên đường sắt (xe lửa)! “Chúng mình hi vọng đồ án sẽ được nhiều đơn vị thật sự muốn đầu tư lâu dài phục vụ lợi ích người dân” - Vũ Linh chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)