Nhà vua Nhật Bản hỏi sinh viên thích gì khi học ở Nhật

02/03/2017 15:26 GMT+7

Sáng nay (2.3), nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đã có cuộc trò chuyện thân tình với hơn 20 cựu sinh viên, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và các sinh viên, học sinh đang theo học tiếng Nhật.

Cuộc trò chuyện diễn ra trong không gian tòa Bái đường của Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Hà Nội) và kéo dài khoảng 30 phút. Không giống hình dung của nhiều người, cuộc trò chuyện của nhà vua và hoàng hậu diễn ra khá thân tình, giản dị và gần như không có khoảng cách.
Buổi nói chuyện không cần sử dụng các thiết bị tăng âm, thay vào đó, nhà vua, hoàng hậu đã lần lượt đến trò chuyện từng người về việc học tập, công việc của các lưu học sinh cũng như kinh nghiệm học tập tại Nhật Bản.
Các em thiếu nhi Nhật Bản chờ đón nhà vua và hoàng hậu Ảnh: N.Thắng
Tự hào “thế hệ Đông du thứ hai”
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch danh dự Hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, nguyên thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết, ông rất xúc động và vinh dự khi được tham dự cuộc gặp gỡ này nhân chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản.
“Tôi sang Nhật học từ năm 1988 và sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ xong năm 1994 thì về nước. Tôi đã “báo cáo” với nhà vua tôi tự hào là thế hệ “Đông du” thứ hai trong giai đoạn Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ”, ông Khải chia sẻ.
Nhà vua và Hoàng hậu đến Văn Miếu sáng 2.3 để gặp mặt các cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật Ảnh: N.Thắng
“Thế hệ Đông du thứ nhất do cụ Phan Bội Châu khởi xướng vào đầu thế kỉ 20 đã gửi 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật bản học tập với mục tiêu xây dựng đất nước giành lại độc lập từ thực dân Pháp. Còn thế hệ thứ 3 là các bạn thanh niên đã và đang học tập tại Nhật bản sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”, ông Khải giải thích.
Theo ông Khải việc nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản gặp các cựu lưu học sinh Việt Nam thể hiện sự quan tâm to lớn của nhà vua, Nhà nước và nhân dân Nhật Bản muốn giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cầu nối giữa hai dân tộc.

Cử chỉ thân thiện của Nhà vua và Hoàng hậu Ảnh : N.Thắng
Chị Trần Thị Thu Thủy, Trưởng khoa tiếng Nhật, Trường đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ trong cuộc trò chuyện nhà vua và hoàng hậu đã hỏi rất kỹ về việc thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay có quan tâm đến việc học tập tại Nhật Bản hay không.
“Hoàng hậu đã hỏi tôi cũng như nhiều anh chị về những khó khăn, vất vả trong quá trình học tập, sinh sống của các du học sinh Việt Nam tại Nhật và mong muốn chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình, làm cầu nối cho quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn”, chị Thủy nói.
PGS, TS Ngô Minh Thủy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) chào mừng Nhà vua Ảnh: N.Thắng
Theo chị Thủy, việc được gặp gỡ với nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản thực sự là một vinh dự lớn với chị khi được và trò chuyện trực tiếp trò chuyện với biểu tượng của sự đoàn kết của người dân Nhật Bản. Ở Nhật Bản thì người dân có thể ủng hộ hoặc không ủng hộ một chính quyền nào đó, nhưng với người dân thì Nhật hoàng và hoàng hậu là biểu tượng luôn được tôn kính. “Chuyến thăm Việt Nam lần này thực sự thể hiện sự quan tâm của Nhật Bản với Việt Nam”, chị Thủy nói.
Cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí thân tình, giản dị Ảnh : N.Thắng
Theo PGS, TS Ngô Minh Thủy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN), Phó Chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, việc nhà vua và hoàng hậu trong chuyến thăm này dành thời gian gặp cựu du học sinh và các học sinh, sinh viên đang học tiếng Nhật cho thấy sự coi trọng đối với giáo dục cũng như đội ngũ học sinh, sinh viên Việt Nam mà rộng ra là thế hệ trẻ ở Việt Nam.
Chuyến thăm VN của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản được coi là có ý nghĩa tích cực trong thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật Ảnh : N.Thắng
Với kinh nghiệm học tập tại Nhật Bản, tham gia vào việc xây dựng ngành đạo tạo tiếng Nhật và tham gia vào các dự án đưa tiếng Nhật vào trường phổ thông, tiểu học PGS Ngô Minh Thủy khẳng định: "Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước mang lại nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ cho sinh viên, học sinh và giới trẻ Việt Nam".
PGS, TS Ngô Minh Thủy cho biết, những vấn đề được nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đặt ra trong các cuộc trò chuyện “rất dung dị, gần gũi với cuộc sống cũng như những vấn đề chúng tôi quan tâm”. “Nhà vua hỏi chúng tôi đã học ở Nhật bao lâu, công việc hiện nay có gì gắn kết quan hệ hai nước hay không, trong thời gian học tập có gì khó khăn, vướng mắc không, những điều gì thích, không thích trong quá trình học tập ở Nhật Bản...”, chị Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.