Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre

Hoàng Phương
Hoàng Phương
11/08/2024 06:40 GMT+7

Theo QL57, từ Mỏ Cày đi về hướng biển, đến ngã ba chợ Tân Phong rẽ trái vào Hương lộ 24, đi chừng 2 km thì thấy một ngôi nhà xưa hoành tráng. Đó là nhà Huỳnh Phủ, được xem là xưa nhất tỉnh Bến Tre.

Ngôi nhà xây dựng trong 14 năm

Ngôi nhà xưa Huỳnh Phủ được xây dựng trên khu đất rộng 1 ha, thuộc xã Đại Điền, H.Thạnh Phú (Bến Tre). Trải qua hơn 130 năm, ngôi nhà vẫn bền vững theo thời gian với lối kiến trúc lộng lẫy, độc đáo.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre- Ảnh 1.

Mặt tiền nhà Huỳnh Phủ

Ảnh: Hoàng Phương

Một câu chuyện như là huyền thoại về nguồn gốc ngôi nhà, được bà Lê Thị Hai (64 tuổi, vợ ông Huỳnh Ngọc Thu, là hậu duệ đời thứ 6 của họ Huỳnh) kể lại: "Ngày xưa, ông bà tôi từ quê nghèo miền Trung vào Nam lập nghiệp, đi bằng ghe bầu cùng với nhiều người. Một hôm, vừa tới vàm sông Hàm Luông thì bị đứt quai chèo. Chợt nghe tiếng ru con vang vọng trong đêm: Cây khô tưới nước cũng khô/Phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo. Vậy là ông bà tôi bàn nhau rồi quyết định dừng lại. Mọi người lên bờ, ra sức dọn tranh, dựng trại, khai phá rừng tìm kế mưu sinh".

Rồi bà Hai kể tiếp: "Giống như trời đất ưu đãi. Vừa tới nơi xa lạ nhưng ông bà tôi làm gì được nấy. Từ chỗ rừng hoang, nhiều thú dữ, nhưng nhờ chí thú làm ăn, khai phá tới đâu thì mở thêm ruộng rẫy tới đó. Mấy năm sau, ông bà tôi dành dụm được tiền rồi mua thêm ruộng đất, tạo cơ ngơi điền sản lớn. Từ hai bàn tay trắng, bấy giờ ông bà tôi có trong tay 2.000 mẫu ruộng và được xem là người giàu nhất trong vùng. Khi lập làng, ông được mời vào bàn hương chức, từ đó dân làng gọi ông là Hương Liêm, kính ông như bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp".

Khi cuộc sống khá lên, lập nghiệp thành công, ông Huỳnh Ngọc Khiêm (sinh năm 1843, chủ nhân ngôi nhà Huỳnh Phủ) mới nghĩ tới chuyện an cư. Khoảng năm 1884, ông trở lại miền Trung tìm mua gỗ và thuê bè chở về Bến Tre. Đến năm 1890, lúc 47 tuổi, ông trở ra Huế rước 50 thợ mộc vào rồi bắt đầu khởi công làm nhà. Ngày dỡ gỗ, ông mua một mâm trái cây lớn để cúng, trong đó có trái bưởi.

Cúng xong, đám thợ ăn rồi quăng hạt bưởi xuống sân. Qua mùa mưa, hạt bưởi lên mầm rồi mọc thành cây. Đến khi cây bưởi lớn lên, có trái, thì ngôi nhà mới gác đòn dông. Nhưng phải đến năm Giáp Thìn 1904, tức là sau 14 năm, ngôi nhà mới cất xong và tổ chức mừng tân gia.

Kỹ thuật chạm trổ độc đáo

Nhà Huỳnh Phủ cất theo kiểu nhà rường, 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu, diện tích 540 m2 với 80 cây cột, trong đó có 48 cây cột tròn bằng gỗ lim và căm xe đen bóng. Nét độc đáo của ngôi nhà là hệ thống vì kèo, xiên trính, khám thờ, các bức vách ngăn, tất cả đều được chạm trổ khéo léo, công phu. Ở 4 phía đều có lối vào nhà với 5 bậc tam cấp, mỗi phía có từ 5 - 7 khung cửa sổ kiểu lá sách, hình vòm, bên trong là khuôn bông nên rất thông thoáng.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre- Ảnh 2.
Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre- Ảnh 3.

Các bức vách và khung cửa mặt tiền được chạm lọng tinh xảo

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre- Ảnh 4.

Ở 4 mặt tường quanh nhà đều có từ 5 - 7 cửa sổ hình vòm, bên ngoài kiểu lá sách, bên trong là khuôn bông

Theo lời kể của bà Lê Thị Hai, ngày xưa, ông tổ nhà họ Huỳnh mướn nghệ nhân từ Huế vào chạm khắc trang trí ngôi nhà không tính tiền theo ngày công mà tính bằng khối lượng dăm bào. Cứ mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc, thời điểm đó 1 giạ lúa giá 2 cắc. "Nhưng theo ba chồng tôi kể lại thì không có nghệ nhân nào làm được 2 chén dăm bào trong một ngày, bởi vì kỹ thuật chạm trổ nhiều lớp quá tỉ mỉ", bà Hai nói.

Ở gian thờ phượng của ngôi nhà bố trí 3 khám thờ cũng là các tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Mỗi khám thờ cao chừng 3 m, xếp thành 2 lớp. Gian giữa là khám thờ Phật, chạm tứ linh. Từ ngoài nhìn vào, gian bên trái thờ Cửu Huyền Thất tổ và gian bên phải thờ chủ nhân ngôi nhà, tức ông bà Hương Liêm. Cả hai khám thờ này đều chạm hoa trái, loan phụng, sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật quý hiếm như bộ lư trúc chạm bách điểu và một số bình cắm hoa bằng đồng. Nhiều tấm liễn cẩn, hoành phi, bao lam sơn son thếp vàng. Nhiều tủ thờ, ghế thờ, vài bộ trường kỷ, một bộ ván gõ, hai chiếc giường xưa. Ngoài ra còn có 2 cái tủ sắt đựng tiền, vàng rất xưa mà theo giới thiệu của chủ nhà, đây là vật dụng từ thời ông Hương Liêm để lại.

Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật ở ngôi nhà Huỳnh Phủ đều được thuê thợ từ Huế vào thực hiện. Các đôi liễn được bổ từ những thân gỗ to, ôm sát thân cột, chạm trổ công phu. Các chân cột, chân bao lam cũng được chạm trổ. Đặc biệt, các tấm trám trên vách mặt tiền gian chính đều có hai lớp. Mặt trước chạm các loại hoa trái, chim muông; mặt sau chạm lọng lưới tổ ong.

Di tích cấp quốc gia

Ngày trước, các bức tường nhà được xây bằng gạch thẻ và ô dước. Theo thời gian, nhiều chỗ bị bong tróc và một hàng cột bị lún, nên khi trùng tu, các bức tường được xây lại bằng bê tông. Tuy vậy, các khuôn bông xưa vẫn được giữ lại để lấy ánh sáng vào nhà.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Ngôi nhà xưa nhất Bến Tre- Ảnh 5.

Các đầu kèo được khắc chạm hoa lá, chim, thú

"Tôi về làm dâu nhà này từ năm 1980. Sau khi cha mẹ chồng mất, vợ chồng tôi thừa kế đã 9 năm. Trước đó, khi ngôi nhà được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2011, cha mẹ chồng đã ra riêng cho 6 người con ở hai bên nhà. Một bên 4 căn và một bên 2 căn, đều ở mặt tiền. Riêng phần đất mặt tiền trước nhà Huỳnh Phủ thì không được sử dụng. Năm 2013, nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu lại ngôi nhà, bao gồm việc thay rui mè, mái ngói, xây lại tường bê tông thay cho tường ô dước", bà Hai chia sẻ. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.