Nhạc bị 'cưỡng âm', dinh dưỡng hát thành 'dính dương'

08/09/2021 14:43 GMT+7

Cùng sức nóng của trận đấu giữa Việt Nam - Úc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tối 7.9, đoạn nhạc quảng cáo một loại sữa phát trước và sau đó bỗng được chú ý hơn với những từ bị "cưỡng âm" nghe... hết hồn.

Theo đó, đoạn nhạc quảng cáo loại sữa nước ngoài được hát bằng tiếng Việt phát trên VTV6 "đập" vào tai người nghe thật "lùng bùng" khi các dấu sắc huyền ngã nặng gần như bị đảo ngược cách dùng. 

Đoạn nhạc quảng cáo bị cưỡng âm liên tục

Cụ thể, trong clip quảng cáo, giọng hát của bé gái nghe ra như thế này: "Con muốn cao lợn hơn. Con muồn khỏe mạnh hớn. Bầy giờ la lúc còn cân cào lơn. Mồi ngày mối ngày, đều uồng bá ly, bồ sung chò con thật nhiều dính dương". Trong khi tiếng Việt đúng của những câu hát này là: "Con muốn cao lớn hơn, con muốn khỏe mạnh hơn! Bây giờ là lúc con cần cao lớn. Mỗi ngày mỗi ngày, đều uống ba ly, bổ sung cho con thật nhiều dinh dưỡng".

"Nếu là tác dụng quảng cáo ngược gây chú ý thì thành công, nhưng nếu xét về mặt âm nhạc, đó là sự yếu kém về mặt ngôn ngữ, cách sử dụng ca từ", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhìn nhận

Ảnh: Từ clip

Nghe đoạn nhạc này sẽ nhận ra ngay vấn đề nằm ở chỗ, các dấu huyền, sắc, ngã, nặng đã bị đặt "tréo ngoe" trên các nốt nhạc. Nói cách khác, là phát âm tiếng Việt không đúng với cao độ nốt nhạc, nên bị "cưỡng âm" liên tục. 
Nếu nghĩ hài hước một chút, quảng cáo sữa mà nghe ra chữ "lợn" thì cũng có sức "thu hút" của nó! Nhưng sau đó lại nghe tiếp chữ "dính dương" thì thật là... nhạy cảm trong mùa dịch Covid-19 này. Dĩ nhiên, đó chỉ là những ý kiến vui của người nghe từ hệ quả không mong muốn của việc bị "cưỡng âm" trong âm nhạc. 

Nếu không kèm theo... phụ đề tiếng Việt thì ai cũng tưởng đoạn nhạc này được hát bằng tiếng... Thái hay tiếng nước nào đó

Ảnh: Từ clip

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, "Tôi không biết đây có phải dụng ý... quảng cáo ngược của nhãn hàng hay không! Nhưng nếu đứng ở góc độ nhạc sĩ sáng tác thì người viết bài hát này hoàn toàn không tuân theo những quy tắc dấu - thanh phù hợp với cao độ của các nốt nhạc trong giai điệu. Ví dụ nốt cao thì lại dấu huyền, nốt thấp thì lại dấu sắc nên khi hát lên nghe rất kỳ cục và sai trái!". Anh cho rằng đây hoàn toàn không phải lỗi của em bé hát, dù em bé là người Hàn Quốc. Bởi ngay cả một em bé người Việt cũng không thể hát được với cách viết này!
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi sáng tác một bài hát cho trẻ em, nhất là trẻ em người Việt, dù là cho mục đích gì, anh luôn cố gắng tuân thủ những quy tắc âm nhạc cơ bản, và cả quy tắc chính tả, gieo vần, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt. "Nếu được tôi sẽ thêm một vài nét hay trong ngữ pháp tiếng Việt như biện pháp nhân hóa, tu từ, ẩn dụ, so sánh, điệp từ... để cho các con bên cạnh việc nghe một bài hát nghe - giải trí thì cũng có thể tiếp thu được tiếng Việt một cách chuẩn xác. Tôi quan niệm một bài hát thiếu nhi là một bài học giáo dục, bên cạnh giáo dục nhân cách, tâm hồn còn phải là giáo dục ngôn ngữ tiếng Việt, giáo dục kiến thức nữa". Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Văn Chung từng có 5 bài hát thiếu nhi được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa tiểu học: Mẹ ơi có biết, Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Mùa hè, Món quà tặng cô, Vui đến trường; cũng như ngày càng nhiều bài hát của anh được sử dụng trong chương trình giảng dạy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.