Nhạc chờ phản cảm

13/07/2011 09:37 GMT+7

Nhạc chờ của các nhà mạng có nội dung từ cổ vũ nhậu nhẹt, lô đề, cá độ… đến cả những bản nhạc thô tục, phản cảm đang tra tấn nhiều người nghe khi chờ điện thoại.

Chị Phương, nhà ở quận 3 - TPHCM, suýt ngã ngửa khi nghe bản nhạc chờ “1 2 3 dzô nào anh em mình là một gia đình, một gia đình là phải hết mình… nhậu đi nào anh em ơi” từ điện thoại của cậu em trai đang học lớp 12 ngoài Nghệ An. Dù được giải thích “chỉ cài cho vui”, chị Phương vẫn bắt cậu em phải đổi. 

Rủ nhậu nhẹt, khiếm nhã, quái dị

Tò mò, chị Phương vào trang Ringtunes của nhà mạng Vinaphone và giật mình khi thấy cả một kho nhạc “sáng tạo, độc đáo” được giới thiệu và không ít người tải về làm nhạc chờ. Nội dung bài nhạc chờ 1 2 3 nhậu đi anh em với giọng đọc rap của một người đàn ông: “Nào anh em ta cùng vào nhậu, cho đời bớt khổ, bớt đau thương. Cuộc đời có bao nhiêu là bội bạc, chỉ có rượu là bạn của ta, khi nào đau khổ hay buồn tủi hãy nhớ đến rượu, đến anh em”…

Tương tự, kho nhạc chờ của Mobifone cũng không kém phần nhố nhăng với nhạc chờ mã số 589631 có lời: “Mau mau nào là mau mau nào, hết máu rồi thì… bơm máu vào, 1 2 3 dzô” hoặc nhạc chờ:“Số máy quý khách vừa gọi không thể nhận cuộc gọi lúc này vì chủ thuê bao đang quá là say rồi, chờ lúc khác chủ thuê bao tỉnh lại sẽ nghe máy nhé”…

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Một cán bộ trong ngành viễn thông kể câu chuyện hết hồn về nhạc chờ của cậu con trai đang học lớp 8. Vừa gọi vào máy của con, vị cán bộ này hoảng hốt bởi tiếng quát to: “Mày đó hả? Mày gọi tao hả?...” nhưng sau đó là tiếng “a lô, ba ạ, nhạc chờ của con đó mà” từ cậu con trai.

Tìm hiểu thêm các kho nhạc chờ của nhà mạng mà nhiều bạn đọc phản ánh là “nhí nhố chịu không nổi”, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận hàng loạt bài nhạc tự chế hết sức phản cảm. Chẳng hạn, bài 10 điều răn vợ của Vinaphone có nội dung: “Cưới vợ xấu là bất tài, có vợ đẹp là bất hạnh, bị vợ bỏ là bất lực, bị ế vợ là bất chí, cướp vợ bạn là bất nhân, vợ chồng đánh nhau là… bất phân thắng bại”.

Chưa thực hiện nghiêm

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết theo quy định, đối với những nội dung cung cấp trên mạng như clip, web, hình ảnh, âm thanh của nhà mạng (gọi chung là dịch vụ giá trị gia tăng) đều phải được kiểm soát về nội dung. “Đơn vị cung cấp các loại dịch vụ này phải trình đơn vị quản lý xét duyệt trước khi phổ biến nhưng đúng là thời gian gần đây, việc này chưa thực hiện nghiêm. Sở Thông tin - Truyền thông đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở” - ông Thọ cho biết.

Kinh khủng hơn, bài nhạc chờ Bởi anh thích leo trèo của cùng nhà mạng này còn có lời lẽ quá khiếm nhã: “Trèo lên lên trèo lên… trèo lên xong mà tuột xuống thiếp nay đã có bầu cũng bởi anh thích leo trèo…”. Hay như bài Ai mua chăn 37 độ không? trên trang funring.vn của Mobifone cũng sốc không kém: “Ai mua chăn không? Ai bán chăn không? Chăn 37 độ đây hai chăn đắp lại 74 độ (!) tha hồ mà ấm nhé!”.

Trên trang Imuzik Portal Viettel, trang web chính thức giới thiệu nhạc chuông, nhạc chờ của Viettel, còn có hẳn một chuyên mục “Nhạc chờ siêu nhắng” cũng theo kiểu “chẳng giống ai”.

Anh Đức, nhân viên truyền thông một công ty ở quận 3, cho biết công việc của anh phải liên lạc thường xuyên với khách hàng. Thế nhưng, không ít lần anh “mất hồn” khi nghe nhạc chờ từ đối tác như: “Đứa nào nháy máy chồng bà đấy!”.

Còn chị Xuân Hồng, nhà ở TP Biên Hòa - Đồng Nai, kể: “Có lần, điện thoại đến nhà chị bạn ở trong xóm, không thấy ai a lô mà chỉ nghe tiếng đùng đoàng từ đầu máy bên kia. Sợ quá, tôi tưởng nhà chị bạn đang đánh nhau hay có chuyện gì. Sau này mới biết đó là nhạc chờ”.

Chị Đặng Nguyên, nhà ở quận Tân Phú - TPHCM, cho biết chị thường gọi điện cho khách hàng để bàn công việc nhưng không ít lần phải nghe những giai điệu khủng khiếp từ nhạc chờ của họ. “Có nhiều nhạc chờ nghe không chịu nổi vì mất thuần phong mỹ tục. Tôi thường đánh giá thấp những người đang sử dụng loại nhạc chờ phản cảm này” - chị Nguyên bày tỏ.

Nhà mạng bất ngờ!

Tìm hiểu trên trang web nhạc chờ của các nhà mạng, chúng tôi được biết các bài nhạc chờ do trung tâm nội dung của nhà mạng “sáng tạo” hoặc mua lại các đơn vị cung cấp dịch vụ nhạc, chuông… Một chuyên gia trong ngành viễn thông cho rằng các nhà mạng tung ra các bài nhạc tự chế kiểu “trời ơi” để phục vụ nhu cầu thị hiếu của một bộ phận khách hàng trẻ tuổi.

Thế nhưng, vô hình trung rất nhiều người đang phải chịu trận với các loại nhạc chờ lố bịch này. “Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về nhà mạng khi cung cấp các dịch vụ nhạc chờ phản cảm. Nếu nhà mạng không cung cấp thì khách hàng sẽ không có mà sử dụng” - một thuê bao lên tiếng. 

Trao đổi về vấn đề này, đại diện các nhà mạng điện thoại di động lớn đều thừa nhận hiện không thể kiểm soát được kho nhạc “tự tạo” bởi do các đối tác cung cấp nội dung, chứ không do nhà mạng tự làm.

Thậm chí, lãnh đạo một nhà mạng còn tỏ ra bất ngờ khi được cung cấp thông tin về nhiều bản nhạc chờ “quái dị”. Tuy nhiên, theo phân trần của các nhà mạng, hiện các nhà cung cấp nội dung thường chạy theo lợi nhuận nên thường “qua mặt” nhà mạng vì việc kiểm soát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dịch vụ giá trị gia tăng, trong đó có nhạc chờ là không đơn giản. “Chúng tôi sẽ rà soát để loại bỏ những nhạc chờ phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục. Nếu đơn vị cung cấp nội dung nào cố tình lặp lại sai phạm, nhà mạng sẽ hủy hợp đồng hợp tác” – đại diện một nhà mạng cam kết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.