Nhắc cứ nhắc mà hẹn thì vẫn cứ hẹn. Là báo cáo năm nào cũng nhắc, yêu cầu các địa phương không được để xảy ra tình hình phức tạp lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè.
Là lãnh đạo thành phố năm nào cũng nhắc, như năm nay chẳng hạn, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị: “Các đơn vị phải phát hiện và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, các hoạt động trái phép trên lòng, lề đường, vỉa hè; xóa bỏ tình trạng chợ tự phát”.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng không quên yêu cầu Ban An toàn giao thông phải có trách nhiệm kiến nghị xử lý cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè.
Có nhắc thì đương nhiên sẽ có hẹn. Là hẹn sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân nghiêm túc chấp hành quy định về trật tự lòng đường, vỉa hè. Hẹn tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát. Hẹn khen thưởng, nhân rộng điển hình. Hẹn xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Hẹn ứng dụng CNTT vào công tác quản lý lòng đường, vỉa hè.
Nhưng chuyển biến thực tế thì dường như không như mong đợi, nếu có chuyển biến thì theo kiểu “dễ làm, khó bỏ”. Nghĩa là ở những chỗ nào tình hình ít phức tạp, dễ quản lý thì “kiên quyết làm”, còn những chỗ phức tạp, khó quản lý thì “cân nhắc” triển khai, thì “khoán” cho lực lượng chức năng.
Trong khi đó, những giải pháp then chốt nhất thì ít được nói đến, hoặc nhắc đến một cách “lơ lửng”. Chẳng hạn, “công tác sắp xếp hoặc chính sách an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn”, hoặc “từng bước triển khai số hóa dữ liệu vỉa hè”. Đặc biệt, hầu như các giải pháp đặt ra chủ yếu là cấm, là kiểm tra, là xử phạt.
Còn mấu chốt tháo gỡ vấn đề dường như không dám đặt ra, đó là đối mặt và phân tích một cách thực tế nhất vấn đề lợi ích của các bên liên quan. Lợi ích của dân nghèo đô thị ở lòng đường, ở vỉa hè là gì, liên quan đến những ai cụ thể ở từng địa phương, vào bao nhiêu người.
Lợi ích “kinh tế mặt tiền” liên quan đến những ai cụ thể, có nên “chuẩn hóa” một số chỉ dẫn để người dân vừa khai thác lợi thế mặt tiền nhưng vừa tôn trọng lợi ích chung của cộng đồng? Và cứ phải nói thẳng, rằng nếu có “lợi ích ngầm” trong chuyện này thì đó cũng là một loại lợi ích cần được gọi tên, cần được nhận diện thẳng thắn để có giải pháp thực tế nhất.
Khi một vấn đề xã hội cứ phải nói đi nói lại qua nhiều năm tháng, đến hẹn lại nhắc và ngay cách nơi hội nghị diễn ra không xa, người đi bộ vẫn phải xuống lòng đường mới có chỗ đi thì chắc chắn đó là một trong những chỉ dấu quan trọng về năng lực quản lý của chính quyền cơ sở.
Bình luận (0)