Nhạc của ai ? Lời của ai ? - Bài 2: "Duyên tình" đến lúc ly hôn ?

20/02/2006 22:43 GMT+7

Biết nhau giữa độ trăng tròn. Nhớ nhau dưới biển mà lên non ơ vẫn tìm. Ơ... thương nhau thì mâm bánh buồng cau cũng nên duyên ừ ư duyên..." - đó là những lời ca và giai điệu thấm đẫm chất dân ca Bắc Bộ hết sức quen thuộc của ca khúc Duyên tình trong suốt hơn 40 năm qua. Thế nhưng, ít ai biết rằng đang có một cuộc tranh chấp nhằm sở hữu ca khúc Duyên tình...

Trước Tết Bính Tuất, ông Phạm Xuân Long (con trai đầu của nhạc sĩ Xuân Tiên) có đến gặp chúng tôi nhờ kiếm giùm bản gốc ca khúc Duyên tình nhằm chứng minh đó là tác phẩm của bố mình (hiện đang định cư ở Úc) và phàn nàn rằng các đơn vị sản xuất băng đĩa trong nước đã sử dụng ca khúc trên rất nhiều lần nhưng lại ghi tên tác giả là nhạc sĩ Y Vân (đã mất). Để chứng minh, ông Phạm Xuân Long đã đưa cho chúng tôi đĩa CD Dòng sông quê hương do Vafaco phát hành trong thập niên 1990, trong đó có ca khúc Duyên tình của tác giả Y Vân do Ái Xuân và Thanh Long trình bày. Ông Long còn cho chúng tôi mượn xem tập nhạc Duyên tình Xuân Tiên (tuyển tập nhạc Xuân Tiên do tác giả tự xuất bản năm 2000 tại Sydney - Úc), trong đó có ca khúc được lấy làm chủ đề (Duyên tình) chỉ ghi một tác giả duy nhất là Xuân Tiên.

Chúng tôi đã dò tìm trong các trang web như Google, dactrung... và thấy chỉ có tên nhạc sĩ Xuân Tiên là tác giả của các ca khúc Duyên tình, cũng như ca khúc Nhạt nắng chỉ có tên tác giả Xuân Lôi.


Nhạc sĩ Y Vân

Trao đổi với nhạc sĩ Y Vũ (em trai nhạc sĩ Y Vân) về vấn đề này, ông khẳng khái xác nhận: "Duyên tình là tác phẩm do Xuân Tiên và Y Vân viết chung. Hai ông không chỉ là đồng tác giả của Duyên tình mà còn viết chung Về dưới mái nhà. Ngoài ra, anh tôi (Y Vân) còn viết chung ca khúc Nhạt nắng với nhạc sĩ Xuân Lôi (là anh ruột của nhạc sĩ Xuân Tiên). Riêng về ca khúc Duyên tình thì vợ nhạc sĩ Y Vân đang giữ bản gốc. Nếu bảo tìm trên mạng không thấy tên của anh Y Vân là đồng tác giả ca khúc Duyên tình thì ở trong nước các nhạc sĩ Thanh Sơn (biên tập cho Trung tâm Rạng Đông) hoặc Vinh Sử (biên tập cho Kim Lợi) chỉ biết có mỗi Y Vân là tác giả của Duyên tình...".

Nghe nói bà Minh Lâm (vợ nhạc sĩ Y Vân) hiện đang có bản gốc, chúng tôi khấp khởi mừng nhưng "vật chứng" mà bà đem ra chỉ là một bản Duyên tình chép tay và bảo rằng đó là thủ bút của chồng mình. Với một bản gốc như thế thì quả thật chưa đủ sức thuyết phục, nhưng bà Minh Lâm khẳng định nhạc sĩ Y Vân còn để lại rất nhiều tài liệu chép tay và bà sẵn sàng mời các chuyên viên giám định tự dạng. Về ca khúc Duyên tình, bà phát biểu: "Trong gia đình tôi, ai cũng biết đó là nhạc phẩm của Y Vân. Sau khi nhà tôi mất, nhiều hãng băng đĩa đã phát hành bản nhạc này và họ cũng chỉ ghi một tên tác giả là Y Vân. Chúng tôi không có bản gốc nên cũng không biết bản nhạc này có 1 hoặc 2 tác giả nhưng trong lòng vẫn ngờ ngợ nên đã tìm đến hỏi nhạc sĩ Thanh Sơn và ca sĩ lão thành Ngọc Cẩm (mẹ của ca sĩ Hồng Hạnh) thì họ đều xác nhận bài này là của Y Vân. Chúng tôi cũng rất muốn hỏi chính nhạc sĩ Xuân Tiên nhưng không có địa chỉ để trao đổi. Tuy nhiên, với chúng tôi nếu Duyên tình là đồng tác giả của Y Vân - Xuân Tiên thì chúng tôi vẫn chấp nhận. Nhân đây chúng tôi cũng xin xác định quyền đồng tác giả trong các ca khúc viết chung của Y Vân: Về dưới mái nhà (viết chung với Xuân Tiên), Nhạt nắng, Gió hiền, Người em Cửu Long (viết chung với Xuân Lôi), Suối tóc (viết chung với Văn Phụng dưới bút danh Thy Vân là tên con gái của Y Vân)...".

Quả thật chúng tôi nhận thấy bà Minh Lâm rất "tách bạch" khi cho chúng tôi tra cứu danh mục bản quyền tác phẩm Y Vân do Cục Bản quyền cấp tại Hà Nội ngày 30.9.1995 gồm 92 ca khúc. Ở số thứ tự 20. Duyên tình  (không ghi tên tác giả thứ 2)... số 45. Về dưới mái nhà (với Xuân Tiên), 46. Hát lên nào (với Vĩnh Căn), 62. Chiếc khăn tay (với Minh Kỳ), 75. Đường đi lối về (với Xuân Tiên), 81. Nếu anh về (với Huỳnh Anh), 83. Thuở ấy (với Minh Kỳ), 84. Hình ảnh quê xưa (với Hoàng Trọng), 85. Chiều về quê xưa (với Thanh Thoại)... Như vậy, trong bản danh mục bản quyền này đã "hiện diện" 2 ca khúc viết chung với Xuân Tiên (ở các số thứ tự 45 và 75) thì hà cớ gì lại không thêm tên Xuân Tiên vào số thứ tự 20 ?

Chúng tôi cũng đã dò hỏi nhiều người am hiểu về nhạc trước 1975 thì đa số đều cho rằng Duyên tình do hai tác giả trên viết chung nhưng do vào thời điểm thập niên 90 cơ chế quản lý văn hóa còn chưa "thoáng", mà Duyên tình lại có một đồng tác giả đang ở nước ngoài, chưa rõ về nhân thân, quan điểm chính trị nên các vị biên tập chương trình ca nhạc (và băng đĩa) trong nước đành phải "cắt" ông Xuân Tiên đi, chừa ông Y Vân lại. Tương tự nhưng... ngược lại là ở nước ngoài: chừa ông X mà cắt ông Y (cả trên mạng, dù mạng cũng không đảm bảo tính xác thực. Thí dụ bản Kim của Y Vũ lại nằm trong danh mục của Y Vân).

Xem ra, nếu bên đại diện nhạc sĩ Xuân Tiên không chịu "sống chung... như cũ" thì chuyện "ly hôn" còn lắm rối rắm, chỉ khi tìm được bản gốc (in) thì mới... êm! (Có bạn đọc nào có bản gốc Duyên tình không ?!).

(Còn tiếp).

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.