Nhạc điện tử EDM đã chết ở Việt Nam?

05/08/2022 15:03 GMT+7

Hip hop, rap lên ngôi, tình hình dịch Covid-19 làm 'tắt đèn' hàng loạt các lễ hội âm nhạc kéo theo sự thoái trào của dòng nhạc EDM.

Tối 2.8, nhà sản xuất âm nhạc Hoaprox đăng dòng trạng thái trăn trở về vị thế của nhạc điện tử (EDM) trên thị trường nhạc Việt hiện tại. Chủ nhân bản hit Ngẫu hứng viết: “EDM đã chết ở Việt Nam, EDM đã hết thời? Thời gian gần đây, mình đọc nhiều ý kiến như này. Bản thân là nghệ sĩ EDM, mình cực kỳ trăn trở về điều đó. Xin mạnh dạn hỏi, liệu còn bao nhiêu khán giả Việt đang thật sự chờ đợi và nghe EDM. Ngay tại đây, những tín đồ vẫn miệt mài ủng hộ EDM, hãy cho Hoaprox thấy cánh tay của các bạn”.

Bài đăng của producer Hoaprox làm dấy lên nhiều lo lắng về dòng nhạc EDM ở thị trường Việt Nam

nvcc

Bài đăng của Hoaprox làm dậy sóng cộng đồng EDM Việt, thu hút gần 6.000 lượt like, gần 700 bình luận và hơn 100 chia sẻ. Một số ý kiến cho rằng nhạc điện tử tại Việt Nam đã có dấu hiệu "giảm nhiệt" từ vài năm về trước. Thời kỳ hoàng kim của nhạc EDM tại Việt Nam rơi vào những năm 2014-2017, khi gameshow The Remix tạo nên cơn sốt. Sau đó, sự ra đời của hàng loạt bản hit: Ngẫu hứng, Túy âm, Vô tình... cùng một số ca khúc V-pop pha trộn chất liệu EDM vào bản phối như Lạc trôi đã đưa nhạc điện tử lên đỉnh cao ở thị trường nhạc Việt. 5 năm trước, các lễ hội âm nhạc EDM xuất hiện dày đặc ở Việt Nam.

Chương trình The Remix mùa 1 đánh dấu thời kỳ vàng son của dòng nhạc EDM tại Việt Nam

btc

EDM với bản chất sôi động, bùng nổ đòi hỏi có không gian biểu diễn rộng lớn cùng hệ thống âm thanh chuẩn

ravoltion music festival

Tuy nhiên, khi bước sang độ 2019, công chúng bắt đầu cảm thấy bão hòa với nhạc điện tử. Nhiều sản phẩm EDM mới ra mắt với chất lượng được đánh giá cao nhưng vẫn không thể tạo nên hiệu ứng đám đông tích cực. Cùng lúc, hip hop và rap lại nổi lên như một phong vị mới lạ, mộc mạc và bớt tốn kém hơn. Tiếp đó, dịch Covid-19 như một “đòn giáng” đưa dòng nhạc EDM vào thế khó. Khi các tụ điểm ca nhạc, lễ hội âm nhạc quy mô lớn đồng loạt “tắt đèn” thì các nghệ sĩ EDM hầu như không còn đất dụng võ.

Văn hóa EDM ở nước ngoài mất nhiều năm liền để hình thành. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, dòng nhạc này lại bùng nổ quá nhanh theo kiểu phong trào. Đó cũng là lý do theo năm tháng, thành phần khán thính giả “đu trend” hiện tại đã không còn mặn mà với EDM. Chưa kể, EDM vốn là dòng nhạc bị hạn chế do đòi hỏi không gian trình diễn lớn, công suất âm thanh cao, khó được lòng thành phần người nghe lớn tuổi. Các dòng nhạc đặc trưng của EDM như big room, future house, future bass nay đã bão hòa và không còn phổ biến ở nước ta. Trong khi đó, chỉ có các sản phẩm thuộc dòng vinahouse, deep house hiện là còn thịnh hành trên TikTok và được khán giả đón nhận.

Người trong ngành nói gì?

Hoaprox là producer hiếm hoi vẫn miệt mài tạo ra các tác phẩm EDM, kể từ cơn sốt Ngẫu hứng hút hàng tỉ lượt streams ở Trung Quốc. Ba năm qua, producer gen Z của nhạc Việt được các hãng đĩa EDM danh tiếng như Monstercat, ký hợp đồng phát hành nhạc phẩm EDM. New World, Saviour của Hoaprox xuất hiện trên Monstercat gây ấn tượng với khán giả quốc tế.

Hoaprox thừa nhận những nghệ sĩ đam mê theo đuổi dòng nhạc EDM như anh cũng phải tập thích ứng với thời cuộc

nvcc

Với Hoaprox, EDM không chết mà chỉ đang bị “nguội” đi theo quy luật của thị trường. “Vấn đề là người nghe cần sản phẩm thật sự tâm huyết để nghe và tận hưởng sự đặc trưng của EDM. Bất chấp EDM có chết ở Việt Nam như nhận xét của một số người, mình vẫn làm và vẫn theo đuổi thứ mình đam mê từ lúc đầu, miễn là vẫn còn khán giả ủng hộ dù nhiều hay ít”, anh nói. Mới đây, producer gen Z cũng vừa cho ra mắt sản phẩm Anh ơi có biết kết hợp với Linh Cáo đậm chất EDM.

Trong khi đó, producer - nhạc sĩ Only C chia sẻ với Thanh Niên rằng: “Việc EDM đang thoái trào ở Việt Nam là chính xác. Dòng chảy thế giới như vậy thì Việt Nam cũng như vậy thôi. EDM là món ăn tinh thần mà đã thống trị thế giới 5 năm. Dòng chảy nào cũng vậy. Ngày xưa có thời boy band cực thịnh, BackstreetBoys, N'SYNC... sau đó cũng phải nhường chỗ cho R&B lên ngôi, lên được vài năm thì tới dòng nhạc mới”.

Only C nhận định sự thoái trào của EDM là một quy luật tất yếu của dòng chảy âm nhạc

fbnv

“EDM xuất hiện thu hút sự quan tâm vì nó lạ quá, các DJ lên ngôi. Nhưng khi người ta đã xem quá nhiều các show diễn trên khắp thế giới thì bắt đầu "ngán", khán giả chuyển sang hip hop. Những người làm kinh doanh âm nhạc họ nhìn thấy đến lúc phải thay đổi món ăn để "bán được hàng", từ đó những người tài năng nhất của lĩnh vực đó sẽ xuất hiện trên các kệ đĩa. Theo Only C, thị trường Việt Nam có những thứ không bao giờ chết, điển hình là bolero và ballad, bởi người Việt và châu Á nặng chuyện tình cảm nên âm nhạc chứa những lời thủ thỉ, tâm tình, chia sẻ chuyện buồn sẽ luôn có chỗ đứng”, Only C nói thêm.

Thực tế, EDM đã không còn huy hoàng và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc như 5 năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vẫn tồn tại khá nhiều bài hát, bản hit được tích hợp chất nhạc điện tử song song với màu sắc pop, dance chủ đạo. Hồi tháng 5.2022, lễ hội âm nhạc điện tử Ravolution 2022 cũng đã được tổ chức với quy mô hoành tráng tại TP.HCM, thu hút hàng nghìn người tham dự. EDM không chết nhưng cần nhiều nỗ lực đến từ phía các nghệ sĩ để đưa dòng nhạc này trở lại với bản đồ nhạc Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.