Vở diễn nối vở diễn
Cô Nguyễn Hải Yến, một nghệ sĩ tự do đã tham gia huấn luyện cho nhạc kịch Matilda và Không gia đình, rất nhớ những ngày tuyển diễn viên cho dự án. “Có 8 ngày tuyển diễn viên như thế vì số lượng thí sinh đông. Yêu cầu cho diễn viên cũng không cao quá. Đối với nhảy cũng chỉ yêu cầu các em biết di chuyển theo nhạc thôi, chứ không cần đã phải biết nhảy hoặc học nhảy từ lâu rồi. Hát cũng chỉ cần nhắc lại, hát được giai điệu mà không hát phô là được. Tất nhiên, cũng có bạn hát hay, nhảy đẹp sẵn, nhưng nói chung chỉ cần cảm nhận nhịp điệu và giai điệu tốt là đã được rồi”, cô Yến nhớ lại.
tin liên quan
Sân chơi nhạc kịch học tròTrong khi đó, Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam nổi tiếng từ lâu với những vở nhạc kịch trong chuỗi dự án G’lams qua nhiều năm. Ở đó, các em học sinh tự tổ chức sản xuất nhạc kịch, tự lo từ âm nhạc, diễn xuất đến thiết kế sản xuất phục trang và truyền thông. Năm 2014, các em có vở Emily. Năm 2015 có Họa. Năm 2016 đánh dấu bằng vở diễn Anh là ai. Năm 2017, các em có dự án Nhật thực. Năm 2018, vở diễn Yên Sứ ra đời. Năm 2019, các em có dự án Faade. Ở những mùa đầu tiên, nhạc kịch Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam bắt đầu với những kịch bản kinh điển, còn sau đó đội ngũ tổ chức đã tự viết kịch bản, tự dàn dựng. Chẳng hạn năm nay, Faade được học sinh lớp 11A2 chấp bút.
“Nhu cầu được xem, được sản xuất và biểu diễn trong một vở nhạc kịch của học sinh phổ thông là có thật. Nhu cầu đó rất lớn. Nhìn thấy rõ nhất ở Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm nào các em cũng bày ra để làm vì cái tuổi đó, các em nhiều năng lượng lắm. Đấy là mô hình kết hợp được cả múa, hát. Các em được tự làm ngôi sao của mình, được thể hiện những cái không cần quá chuyên nghiệp. Đó là một sân chơi thực sự phù hợp”, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh nói. Cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam này cũng là người đã đốt cháy sàn diễn nhạc kịch Hà Nội trong nhiều năm với bộ ba vở diễn Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời.
|
Để không là “độc quyền” của trường quốc tế
Cô Hải Yến cho biết dù là người hoạt động nghệ thuật, đã làm nhiều chương trình, song với cô, huấn luyện nhạc kịch là một việc quá mới. “Thường chỉ có trường quốc tế có nhạc kịch, hoặc Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam mới có khả năng làm, nhất là trước nữa chỉ trường quốc tế mới đầu tư cho học sinh làm. Họ cũng giới hạn ở trường của họ và không bán vé cho người ngoài đến xem, nên các em không nằm trong hệ thống trường quốc tế không có cơ hội xem và tham gia diễn xuất loại hình này”, cô Yến cho hay.
Cũng vì thế, không chỉ học trò hào hứng trong dự án nhạc kịch, bố mẹ các em cũng thế. Theo cô Yến, hiện tại, để tham gia vào một dự án nhạc kịch dài hơi, phần lớn là học sinh trường tư. Các em học sinh trường công rất ít cơ hội tham gia, trừ Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam tự có sân chơi riêng.
Đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết nhà hát của ông cũng luôn hỗ trợ các trường, nếu được đề nghị. Chẳng hạn, nhà hát có thể hỗ trợ huấn luyện diễn xuất, cho mượn sân khấu... Trong khi đó, nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng - người huấn luyện diễn xuất nhạc kịch, cho rằng đó là sân chơi để các em thực hành các kỹ năng tổng hợp như tiếng Anh, diễn xuất, ngôn ngữ cơ thể, giọng hát, làm việc nhóm... “Vở diễn cuối cùng chỉ là kết quả báo cáo, nhưng quá trình thì học được nhiều thứ. Và điều đó rất văn minh”, ông Tùng nói.
Đạo diễn Phi Anh cho rằng, muốn sân chơi nhạc kịch lan rộng cho nhiều trường hơn thì bản thân các trường phải thay đổi. “Điều này thể hiện nhà trường tiến bộ đến đâu. Hầu như chỉ Hà Nội - Amsterdam quan tâm nhiều đến hoạt động ngoại khóa. Nhiều trường khác chỉ tập trung việc học. Nhà trường nào ủng hộ thì sẽ biến nó thành nhiều hình thức khích lệ”, vị đạo diễn trẻ nói.
Bình luận (0)