Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối.
Lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghi thức đổ cát xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa - Ảnh: Hiển Cừ |
Sáng 17.1, tại khu vực núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Đến dự có lãnh đạo nhiều bộ, ngành T.Ư, thân nhân những người lính đã ngã xuống trong trận Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, những người đã từng công tác tại Hoàng Sa cùng đông đảo người dân trên khắp mọi miền đất nước.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động. Mọi người dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa cũng như những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Đó là xương máu, là ý chí và khát vọng của tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Tuy nhiên, ngày 19.1.1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này.
“Cuộc hải chiến đẫm máu và không cân sức ở Hoàng Sa là minh chứng lòng yêu nước của con dân Việt. Họ là những người con đất Việt đã yên lặng vĩnh viễn trong sự thét gào mãi mãi của biển Đông, những đêm giông tố, những ngày gió bão. Vị mặn của nước biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn, vì đó là vị nặm của muối, của máu và của nước mắt”, ông Tùng nói
Theo ông Tùng, Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước nhằm ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những người con đất Việt đã bỏ mình bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”, ông Tùng bày tỏ.
Cũng tại buổi lễ, khi nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo (ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) đọc những câu hát ru dân gian khắc họa hình ảnh bi hùng của những binh phu Hoàng Sa đã được lưu truyền từ hàng trăm năm qua trên đất đảo, nghe những người đã từng công tác tại Hoàng Sa sẻ chia những kỷ niệm, ký ức của mình về quần đảo Hoàng Sa khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ông Trần Hòa (ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là binh sỹ quân y, từng đồn trú ở Hoàng Sa trước năm 1974 thổ lộ: “Mong ước lớn nhất của đời tôi là một lần được trở lại Hoàng Sa để thắp nén nhang tưởng nhớ anh em, đồng đội đã ngã xuống vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc”.
Mong ước của ông Hòa cũng là nỗi khoắc khoải của con dân đất Việt về một ngày mai Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam.
Buổi lễ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ con dân đất Việt đã ngã xuống vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc - Ảnh: Hiển Cừ
|
Thân nhân những người lính đã ngã xuống vì Hoàng Sa, những người từng công tác ở Hoàng Sa chia sẻ nỗi đau và ký ức của mình về Hoàng Sa - Ảnh: Hiển Cừ
|
Đông đảo người dân trên cả nước và phóng viên đến dự lễ - Ảnh: Hiển Cừ
|
Cát từ Hoàng Sa được ngư dân Lý Sơn đưa về để đổ xuống viên đá đầu tiên của khu tưởng niệm - Ảnh: Hoàng Sa
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trao tặng biểu tượng cột mốc chủ quyền Hoàng Sa cho thân nhân những người lính đã ngã xuống vì Hoàng Sa và những người từng công tác ở Hoàng Sa - Ảnh: Hiển Cừ
|
Bình luận (0)