Ngay từ những ngày đầu ra mắt, Live to River đã trở thành điểm đến hấp dẫn của những người yêu nhạc. Họ gọi đây là "quán cà phê nhạc sang".
Quang cảnh một đêm “nhạc sang hè phố” - Ảnh: Mễ Thuận |
Ngồi bệt lề đường nghe tình ca
Quán rất nhỏ, chỉ khoảng hai chục ghế ngồi, phần lớn không gian còn lại dành cho dàn nhạc và sân khấu mini. Vì vậy, khán giả chủ yếu ngồi ở lề đường và phía bên kia công viên Giếng Nước. Chủ quán không buộc những người đến đây phải kêu thức uống...
Có đủ mọi thành phần khán giả ở "quán cà phê nhạc sang". Chúng tôi đã gặp ông cụ bán đậu phộng dạo ở thành phố Mỹ Tho, vài chị bán vé số đứng nghe say mê mà quên rằng mình còn cả trăm tờ vé số chưa bán được. Những giám đốc doanh nghiệp, công chức và nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến và vui vẻ ngồi bệt dưới lề đường để nghe những bản tình ca VN sâu lắng.
Nhạc sĩ Ðỗ Hải - người đứng ra tổ chức bữa tiệc âm nhạc đường phố hằng tuần này - chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức tại vỉa hè là để có thêm người nghe. Người nghệ sĩ nào mà chẳng muốn có nhiều người nghe mình hát nhạc, chơi đàn. Khán giả không phải ai cũng có tiền để uống cà phê và nghe nhạc. Hơn nữa, thói quen của người miền Tây thích sự phóng khoáng, rộng rãi. Sự sang trọng nằm ở tâm hồn chứ không phải bạn đang đứng ở đâu".
Góp vui cho mọi người
Ðiều đặc biệt hơn của các tiết mục âm nhạc hè phố chính là thành phần ca sĩ. Họ có thể là những ca sĩ tên tuổi một thời nay về "ở ẩn" như ca sĩ Ngọc Sương. Họ cũng có thể là các ca sĩ từng đoạt các giải thưởng âm nhạc như Quốc Ðịnh, Kiều My và nhiều anh chị em nghệ sĩ trong Ðoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang.
"Cũng có khi họ là những ông giám đốc, cô giáo, kỹ sư, bộ đội hoặc anh công nhân, chị bán bún. Hễ ai có giọng hát hay và phù hợp, chúng tôi đều tạo điều kiện cho họ thể hiện niềm đam mê âm nhạc Việt" - nhạc sĩ Ðỗ Hải chia sẻ.
Giữa những tiếng vỗ tay, anh Duy Thiện vẫn say sưa với ca khúc Phôi pha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ai đó giữa hàng ghế khán giả lên tiếng: "Sao hát hay như Tuấn Ngọc vậy! Ca sĩ ở đâu ra thế, sao chưa từng thấy bao giờ?".
Ít người biết rằng công việc hằng ngày của anh Thiện là công nhân, anh còn phụ vợ bưng bê từng tô bún bò để kiếm kế sinh nhai. Anh đến với quán cà phê này vừa để giải trí, vừa để hát cho thỏa niềm đam mê của riêng mình. Vì vậy, anh chưa bao giờ đòi hay nhận bất cứ đồng thù lao nào ngoài những tách cà phê ấm áp nghĩa tình chủ quán mời.
Ngoài niềm hạnh phúc được đem lời ca tiếng hát dễ nghe của mình phục vụ bà con, anh Duy Lâm - một "ca sĩ" khác của quán - còn có một hạnh phúc khác khi bên cạnh anh luôn có mặt người vợ hiền.
Khi anh vừa thể hiện xong ca khúc Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tiếng vỗ tay rần rần của khán giả phía trước và nụ cười tươi nở trên môi người vợ ngồi nấp phía sau ánh đèn sâu khấu thật sự đã cho anh những phút giây đáng nhớ. Nhìn anh say sưa với những nốt nhạc, ít ai nghĩ anh là một giám đốc xây dựng khá nổi tiếng và luôn bận rộn.
Anh Lâm chia sẻ: "Cũng nhờ có chút tài mọn mà bà xã mới mê tui. Tối thứ sáu nào rảnh, tôi đều đến đây cùng bà xã để tham gia biểu diễn. Ðây cũng như vừa vui cho mình và góp vui chung cho mọi người".
Là người mê âm nhạc, chủ quán cà phê Live to River, anh Đặng Thanh Cường cũng “chịu chơi” khi mỗi tối thứ sáu luôn sẵn sàng móc tiền túi chi thêm các khoản âm thanh, ánh sáng, thù lao trả nhạc công, ca sĩ (dù chỉ trả ở mức độ tượng trưng). Nhiều đêm nhạc lỗ vốn vài trăm ngàn nhưng anh Cường bảo mình rất vui khi góp phần tạo nên một buổi biểu diễn đường phố để đông đảo mọi người cùng thưởng thức. “Tôi mở buổi ca nhạc này để vui là chính chứ không kinh doanh, giá cà phê vẫn vậy. Phần lớn người nghe nhạc đứng ngoài đường xem hơn là vô quán. Nhưng mình cũng được dịp tụ tập bạn bè giữa phố để cùng chơi nhạc góp vui. Thế là hay rồi” - anh Cường cười nói trong tiếng du dương của ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui đang được biểu diễn. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)