Nhạc sĩ An Thuyên về với đất mẹ

04/07/2015 06:24 GMT+7

Thêm một nỗi đau lớn đến với âm nhạc VN, thêm một nghệ sĩ tài danh rời xa cõi tạm - nhạc sĩ An Thuyên.

Thêm một nỗi đau lớn đến với âm nhạc VN, thêm một nghệ sĩ tài danh rời xa cõi tạm - nhạc sĩ An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên Nhạc sĩ An Thuyên - Ảnh: T.L

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ra và lớn lên tại vùng quê Quỳnh Lưu, Nghệ An trong gia đình diễn kịch dân gian. Đến những năm tháng tuổi trẻ, ông lại được gắn bó với những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh qua công việc sưu tầm ở Ty Văn hóa Nghệ An. Có lần, ông tâm sự công việc sưu tầm này đến với ông như một cái duyên, một sự may mắn của số phận. Bởi sau này, mạch nguồn dân ca quê mẹ đã trở thành căn cốt trong các ca khúc do ông sáng tác. “Dân ca Nghệ Tĩnh đã cho tôi tất cả, cuộc sống, sự nghiệp, sự dâng hiến và tư cách làm người”, ông từng tâm sự.

Cũng giống như những khúc dân ca Nghệ Tĩnh, lời ca khúc của ông rất giàu tính văn học. Chắc rằng chỉ có An Thuyên mới dám “bẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng”, hay để cả “chiều uốn cong lưỡi hái, những gì sông muốn nói, cánh buồm giờ hát lên”. 

Nhưng nếu chỉ nhắc đến ông là nhạc sĩ “hoài cổ” với… dân ca thì sẽ là chưa đủ với người nhạc sĩ tài hoa này. Khi Lê Anh Dũng hát Dương cầm thu không em trong cuộc thi âm nhạc Sao Mai, khán giả không chỉ rung lên bởi một giọng hát tenor vang và ấm, mà còn bởi một ca khúc bán cổ điển tuyệt vời từ lời ca cho đến giai điệu. Nhạc sĩ An Thuyên đã viết Dương cầm thu không em và còn có những tác phẩm khí nhạc như nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, nhạc phim.

Nhạc sĩ An Thuyên nói chuyện chậm rãi, từ tốn, điềm đạm. Điều làm ông hào hứng nhất là được nói về việc đào tạo những nghệ sĩ trẻ. Những đồng nghiệp ở Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội vẫn nhớ tới câu chuyện thầy hiệu trưởng ra tận bờ đê sông Hồng để tìm cô bé đoạt giải nhất trong một cuộc thi hát mà ông vừa làm giám khảo, chỉ để nói với cô bé rằng ông muốn nhận cô làm học sinh của trường.

Đó chỉ là một trong số biết bao nhiêu lần người thầy ấy lặn lội đi tìm học trò. Biết bao lần, nhạc sĩ lên tới tận những vùng sâu, vùng xa, những vùng quê nghèo khó, biết bao lần ông đến những cuộc thi, hội diễn để tìm kiếm những tài năng đang lấp lánh ở đâu đó, để đưa về đào tạo. Trong ấy, nhiều em sinh ra trong nghèo khó, nếu không có vị hiệu trưởng tận tâm, chắc rằng những tài năng đó sẽ lụi dần. Người thầy hiền hậu ấy đã chắp cánh cho biết bao người trẻ tuổi sinh ra trong gian khó, như chàng trai Ploong Thiết người dân tộc Pa Cô ở A Lưới (Huế) vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khổ giành giải nhì Sao Mai năm nào.

Ông đã đi xa, mang theo bao nhiêu trăn trở với nghệ thuật, nhưng có lẽ ông sẽ yên lòng, vì con trai ông - nhạc sĩ An Hiếu, và con gái ông - nghệ sĩ Bông Mai, cùng biết bao thế hệ học trò sẽ tiếp tục những điều còn đang làm dang dở…

Nhạc sĩ An Thuyên đã đột ngột từ trần (thông tin ban đầu là do nhồi máu cơ tim) vào hồi 16 giờ 20 phút ngày 3.7 tại Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn An Thuyên, sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhạc sĩ An Thuyên là Hiệu trưởng của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội trong suốt hơn 20 năm. Ông là nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm tướng.

Ông đã giành nhiều giải thưởng âm nhạc như Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2002, ông được nhận Huân chương Lao động hạng ba. Nhiều tác phẩm của ông đã ghi dấu trong lòng công chúng: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Huế thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.