Nhạc sĩ Giao Tiên: 'Lại nhớ người yêu'

Dạ Ly
Dạ Ly
21/10/2018 09:06 GMT+7

Buổi chiều hôm tôi gặp nhạc sĩ Giao Tiên ở TP.HCM, trời bỗng mưa như trút nước. Cơn mưa lớn được ông ví von như chính cuộc đời từng có lúc 'giông bão' của mình.

Ở cái tuổi đã gần 80 mà nhạc sĩ vẫn tự chạy xe máy đưa “người yêu lâu năm” đi chơi. Chuyện lướt Facebook, “chát chít” trên messenger với ông không khác gì người trẻ. Trò chuyện cùng ông, tôi hiểu hơn vì sao thời trẻ nhiều cô gái đã sẵn sàng “gục” vì chàng trai đa tài, đa tình và lãng mạn Giao Tiên.
Gửi nỗi đau thương lên từng nốt nhạc
Nhạc sĩ Giao Tiên tên thật Dương Trung, sinh năm 1941 tại Bình Định. Ông bắt đầu sáng tác vào giữa thập niên 1960 đến thập niên 1970 thì được đông đảo khán giả biết đến. Từ năm 1970 đến nay Giao Tiên sáng tác hơn 350 ca khúc và phổ thơ lên đến trên 1.000 bài. Các ca khúc của ông như: Say, Mất nhau rồi, Cô Thắm về làng, Quán gấm đầu làng, Phận gái thuyền quyên, Yêu lầm, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Anh hãy về đi, Anh không muốn xa em, Mất nhau rồi... hàng mấy mươi năm qua nổi tiếng ở thị trường hải ngoại lẫn trong nước. Ông từng phát hành tuyển tập ca khúc gồm 70 bài để kỷ niệm tuổi 70 và mới nhất là tập Giao Tiên - Tác phẩm để đời - Tuyển tập ca khúc 2018. Ngoài tên Giao Tiên, trong một số sáng tác ông còn để tên Dương Trung, Hoàng Hoa, Diễm Đào, Ngân Trang, Thảo Trang, Rạng Đông, Thu Anh, Kim Khánh, Dương Tiếng Thu…
Thời trẻ, được biết nhạc sĩ từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng sau đó không ai biết ông đi đâu, làm gì…
Ngày xưa tôi từ Bình Định vào Sài Gòn đi học và trưởng thành ở đất này. Tại đây tôi có nhiều cơ hội để tiếp cận âm nhạc. Nhưng có những biến cố cuộc đời đã khiến tôi phải rời xa mảnh đất ấy. Tôi đưa gia đình đi kinh tế mới ở Sông Bé rồi về Đà Lạt (Lâm Đồng), một thành phố mộng mơ rất phù hợp với những người có tâm hồn lãng mạn như tôi. Nhưng dường như cái duyên chưa đủ để tôi gắn bó với nơi này. Tôi lại đi tìm vùng trời mới. Nơi tôi dừng chân cũng là nơi có cái duyên tiền định bên núi Ngọc tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Bởi tôi là Giao Tiên nên ở bên núi Ngọc có lẽ là thiên duyên (cười).
Cuộc sống của ông cùng gia đình tại Cam Ranh giờ thế nào?
Vợ chồng tôi và các con cũng ổn. Chúng trưởng thành hết rồi. Có hai đứa đang sống và công tác tại TP.HCM, một đứa ở Đà Lạt và hai đứa ở Cam Ranh.
Trong các ca khúc về tình yêu của nhạc sĩ, ví như Yêu lầm, Mất nhau rồi nghe có vẻ đau đớn. Phải chăng là câu chuyện thật của chính mình nên ông mới “đau” đến thế?
Trong tình yêu, con tim có lý lẽ riêng của nó, đôi khi nhận ra tình yêu đó mang cho mình những nỗi đau đi cùng năm tháng. Yêu lầm và Mất nhau rồi là hai ca khúc mà tôi đã viết bằng cảm xúc từ những chuyện tình buồn đã chạm đến trái tim tôi qua những nốt nhạc.
Sau này ông có gặp lại người cũ trong Yêu lầm?
Không, tôi đã không gặp lại kể từ ngày đó.
Còn Lại nhớ người yêu 2 và “yêu 1” có khác nhau nhiều không, và có chất chứa một bóng hình nào đó?
Bài này tôi đồng sáng tác với nhà thơ Hương Vũ. Về tình cảm thì không khác nhau. Cả hai bài đều lột tả cảm xúc của người đang yêu, nó tràn đầy những nhung nhớ, khát khao trong từng nốt nhạc và có hình ảnh tình yêu trong đó. Sáng tác chuyện tình mà, tất nhiên phải có “bóng dáng” của tình yêu, của ai đó mới làm nên những câu chuyện tình bất hủ.
Ngày đó làm sao ông vượt qua nỗi đau vì tình để tiếp tục việc học?
Trong số các bài về tình yêu thì Anh hãy về đi là tác phẩm day dứt một nỗi đau tưởng chừng như không thể đứng lên khi chàng thư sinh nghèo bị người yêu xua đuổi. Nhưng tôi đã gửi nỗi đau thương đó lên từng nốt nhạc để âm nhạc mang cho tôi bớt những nỗi niềm. Cũng chính nhờ thổn thức qua âm nhạc tôi mới bước tiếp bằng nghị lực mạnh mẽ để tiếp tục học tập.
Nhạc sĩ Giao Tiên (giữa) cùng Thái Châu và Phương Dung Ảnh: CTV
Được biết gia tài âm nhạc của ông có đến gần 1.700 bài. Thời gian đâu mà ông viết nhiều đến thế? Thường một tác phẩm nhạc sĩ mất bao lâu để hoàn thành?
Khi đủ cảm xúc thì một tác phẩm có thể chỉ sau vài giờ là hoàn thiện. Cũng có khi một tác phẩm cần trau chuốt đến cả tháng hay vài tháng. Nhưng tôi thường sáng tác khi lồng ngực đã căng tràn cảm xúc. Khi đó nốt nhạc thăng hoa không theo định hướng mà nó rất bình dị tự nhiên, mỗi nốt nhạc đều thổn thức như hơi thở của tôi vậy, nhẹ nhàng, thanh thoát.
“ƯỚC GÌ NHÀ MÌNH CHUNG VÁCH…
ANH KHOÉT TƯỜNG
ANH ĐẾN VỚI EM”
Khi hát chùm 3 ca khúc Nhớ người yêu, Thương nhớ người yêu và Lại nhớ người yêu 1 nhiều người thắc mắc nhạc sĩ viết cho 1 người hay 3 người?
Hơn hai mươi năm lận đận và... mất tích
Có thời gian hơn 20 năm (từ sau năm 1975) Giao Tiên gần như mất tích và không ai biết ông đang làm gì, đi đâu. Vì vậy nhiều ca khúc của Giao Tiên người ta cứ để khuyết danh rồi để tên nhạc sĩ A, B, C... làm ông uất ức. Cuối cùng ông cũng chịu xuất hiện kể về những tháng ngày có lúc đầy giông bão. Tại Cam Ranh (Khánh Hòa), vợ chồng ông từng nuôi tôm, nhưng rồi tôm chết hết ông như người sạt nghiệp, nợ nần chồng chất. Với quyết tâm của người vợ, cả hai bắt đầu làm bánh chưng chở đi bỏ mối, bán dạo. Vợ chồng con cái đạp xe đi bán bánh chưng hằng ngày và cũng chẳng ai biết được đó chính là cuộc sống của nhạc sĩ đình đám Giao Tiên.
Giờ thì bao khốn khó của ông đã qua. Người nhạc sĩ sáng sáng sau bài tập thể dục lại ngồi nhâm nhi ly cà phê đen, tô bánh canh để bắt đầu một ngày mới. Các sân chơi thơ nhạc ở Cam Ranh (Khánh Hòa) nơi ông sinh sống cũng hiếm khi vắng bóng người nhạc sĩ tài hoa này.
Cả ba ca khúc đó tôi đều viết về một chuyện tình, về một người con gái mà tôi yêu say đắm. Ca khúc Nhớ người yêu viết năm 1971, Thương nhớ người yêu viết năm 1972 và Lại nhớ người yêu 1 là năm 1973. Ngày đó tôi làm giám khảo tuyển sinh ca hát và cô gái ấy tới để dự tuyển. Tôi thấy cô không phù hợp và đã cho vài lời khuyên... Vậy thôi nhưng sau này bén duyên và chúng tôi yêu nhau để có ca khúc đầu tiên Nhớ người yêu. Do biến cố và trong thời điểm đó hoàn cảnh xã hội khiến chúng tôi thất lạc nhau. Yêu nhiều thì nhớ nhiều nhưng phải xa nhau nên trái tim càng… rối. Thế là ca khúc Thương nhớ người yêu lại ra đời. Lại nhớ người 1 cũng là nỗi lòng sau 3 năm xa cách và xa cách cho tới ngày hôm nay. Ba ca khúc đó theo tôi suốt cuộc đời.
Có một sự thật ít người biết ở câu: “Ước gì nhà mình chung vách/hai đứa mình thức trắng đêm nay…” (Nhớ người yêu) trong bản gốc của ông dữ dội hơn nhiều?
Thật ra câu trong bản gốc của tôi là: “Ước gì nhà mình chung vách/anh khoét tường anh đến với em”. Đó là một cảm xúc cồn cào rất thật của tôi. Khi yêu nhau người ta chỉ muốn được gần bên nhau. Nỗi nhớ người yêu luôn thôi thúc trong lòng tôi mỗi giây, mỗi phút khiến cho người đang yêu có một ý nghĩ táo bạo: nếu như nhà mà chung vách thì… (cười lớn).
Nhiều nhạc sĩ tâm sự, khi họ gặp một nỗi đau quá lớn trong tình yêu thường cho ra đời 1 hay 2 tác phẩm để đời. Điều đó có đúng với nhạc sĩ Giao Tiên?
Sáng tác ra những tác phẩm để đời yếu tố quan trọng nhất là cảm xúc, khi cảm xúc dâng trào. Không hẳn là phải gặp nỗi đau lớn trong tình yêu mới viết nên tác phẩm để đời. Ca khúc Lại nhớ người yêu 1 tôi viết khi đang yêu, đang rất vui vẻ hào hứng để nhớ đến người yêu. “Buổi chiều còn gặp nhau đây mà đêm đã nhớ như vậy...”. Thế đấy, nó vẫn là ca khúc để đời có sức sống trong trái tim những người đang yêu hơn 40 năm và tôi biết còn nhiều nhiều năm nữa nó vẫn trường tồn. Vậy nên không cứ phải thật đau mới viết nên bài để đời mà là xúc cảm cho ta “cảm” được hơi thở của cuộc sống.
Thời trẻ hẳn ông vừa “bảnh trai” vừa có tài nên nhiều cô… say? Có cô nào làm ông khó xử? Phải làm sao để từ chối khéo một cô gái để không bị tổn thương?
Hào hoa mà (cười). Tôi có tác phẩm mang tên Hào hoa, khi được phụ nữ theo đuổi anh nào chẳng hãnh diện. Nhưng tôi có một gia đình và để từ chối. Từ một tình cảm trong thực tại tôi đưa cái tình ấy vào âm nhạc. Ca khúc Hào hoa là câu trả lời nhẹ nhàng cho ai đó.
Với bà xã, hẳn là một câu chuyện tình đẹp. Đã có bao nhiêu ca khúc nhạc sĩ viết cho người bạn đời của mình?
Đúng là một câu chuyện tình đẹp, một cuộc đời dù vất vả nhưng đầy đặn như những nốt nhạc của tôi vậy. Thi vị lắm con đường chúng tôi đi bên nhau đã 50 năm rồi. Tôi đã viết về vợ tôi qua các ca khúc như: Nàng xuân chung tình, Chiếc bánh chưng xanh, Mẹ xuân của con…
Hỏi thật, bà xã ông có phải là người hay ghen khi sống với một nhạc sĩ nổi tiếng với những câu chuyện tình cũng nổi tiếng không kém?
Nhạc sĩ Giao Tiên thời trẻ Ảnh: NSCC
Có chứ, vì yêu tôi nhiều nên bà ấy mới ghen. Nhưng cái ghen ấy rất dịu dàng. Vì tôi là ông chồng nổi danh “hào hoa” mà không ghen sao được (cười).
Trong những chuyến vào TP.HCM làm việc thường thấy nhạc sĩ luôn mong nhanh chóng cho xong để trở về. Nghe đâu ông có một người con kém may mắn?
Tôi có cô con gái út bị nhiễm sốt rét từ khi sống trên rừng ở Sông Bé ngày đi kinh tế mới. Vì di chứng để lại nên sau này nó nằm một chỗ, hai vợ chồng tôi dành hết thời gian chăm sóc con.
Bây giờ một ngày của nhạc sĩ diễn ra như thế nào, và điều gì trong cuộc sống làm ông vui thích nhất?
Mỗi ngày tôi và bà xã dành phần lớn thời gian để chăm cho đứa con gái không may mắn. Thời gian còn lại tôi sáng tác nhạc, phổ thơ để cống hiến niềm đam mê đến khi tận cùng. Niềm vui của tôi là sáng tác. Ngày ngày bên những phím đàn khiến tôi tràn đầy sức sống. Tôi sẽ mãi sáng tác khi tôi vẫn còn cảm xúc.
Một người sống tử tế, hiền lành và trong sạch
ẢNH: P.P
Ảnh: NSCC
Tôi vừa ghé Cam Ranh (Khánh Hòa) thăm vợ chồng nhạc sĩ Giao Tiên. Càng thán phục công của người vợ đã quán xuyến tất cả mọi chuyện để chồng an tâm sáng tác. Tôi biết ngày xưa vợ của ông rất đẹp và hiền lành. Mỗi ngày bà chỉ ngủ 3 - 4 tiếng để làm bánh chưng, bánh ú đi bán. Giờ cuộc sống đã qua cơn bĩ cực, có nhà cửa bề thế. Họ có một cô con gái làm luật sư ở TP.HCM. Cô gái nói với mẹ rằng cuộc sống hãy để con lo giúp để nhà mình bớt cực. Tôi nghe rất cảm động. Nhạc sĩ Giao Tiên là người sống tử tế, hiền lành và trong sạch, không có tai tiếng nên luôn được mọi người yêu thương. Còn nhạc của ông thì khỏi phải nói, vô cùng cảm xúc và lời lẽ sâu sắc. Tôi thích và hay hát bài Lại nhớ người yêu 1. Nghe cái câu: “Buổi chiều còn gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy/Em hỡi em có hiểu có hay”, rồi: “Tình anh như núi cao biển rộng, gom bốn phương trời xây thành lũy...” thật thấm thía, xúc động cho những người yêu nhau.
Ca sĩ Phương Dung
Thương người trẻ
Ảnh: P.P
Chúng tôi gặp nhạc sĩ Giao Tiên trong một lần quay hình tại TP.HCM. Sau khi nghe qua những bài hát mà chúng tôi thể hiện, ông đã yên tâm và viết tặng luôn cho 2 đứa 2 tác phẩm mới nhất, nổi đình đám của mình là: Tình đẹp mùa chôm chôm 3, Lại nhớ người yêu 2. Việc được ông dành tặng độc quyền đã là một vinh dự quá lớn cho 2 người trẻ như Bằng Cường - Phương Nhạc. Khi hát những sáng tác của ông mới cảm nhận hết sự sâu lắng thiết tha và dạt dào tình cảm. Các ca khúc ông viết về tình yêu đôi lứa khi thì luôn khắc khoải, khổ đau, day dứt cho mối tình ngang trái; khi lại nồng nàn mãnh liệt. Ông là một người sống tình cảm và tận tâm với nghề. Khi được nhạc sĩ ưu ái và chỉ bảo tận tình cách thể hiện các ca khúc mới của ông, chúng tôi thật sự xúc động.
Ca sĩ Bằng Cường - Phương Nhạc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.