Vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Vũ cùng một số nhạc sĩ gạo cội xuất hiện trong buổi công bố đêm nhạc thiện nguyện gây quỹ Tìm nhau trao yêu thương. Tại đây, ông có dịp trải lòng về những góc khuất, câu chuyện đằng sau tác phẩm của mình cũng như chia sẻ quan điểm liên quan đến cách hát, thể loại nhạc hiện nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ được biết đến là "cha đẻ" của nhiều ca khúc nổi tiếng như Một loài chim biển, Huyền thoại chiều mưa, Bài thánh ca buồn, Bài cuối cho người tình, Lời cuối cho em... Mặc dù được khán giả ví như một "tượng đài" vì sáng tác nhiều ca khúc kinh điển, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Vũ từ chối những danh xưng này. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ để ý những từ đó vì nghe xa cách. Tôi chỉ thích người ta nói, nhạc anh hay quá, nhạc anh dở quá là được".
Nhiều năm qua, Nguyễn Vũ gần như không sáng tác thêm các ca khúc mới vì không còn cảm hứng. Ông cho biết ngày trẻ mình dễ viết hơn, nhất là khi có tình yêu. Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, Nguyễn Vũ lãnh tiền tác quyền định kỳ từ Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, tác giả Lời cuối cho em bày tỏ: "Không biết trời thương hay không nhưng từ lúc sinh ra đến bây giờ, tôi đều thấy mình sung sướng. Tôi mở rộng lòng yêu thương và cũng được mọi người yêu thương".
Trước câu hỏi: "Ông đánh giá ra sao về các ca sĩ trình bày ca khúc của mình?", nhạc sĩ Nguyễn Vũ thẳng thắn: "Ca sĩ có thể hát theo kỹ thuật này, kỹ thuật kia. Nhưng tôi thích những giọng ca đừng tình cảm, sướt mướt quá. Nhạc của tôi viết theo hướng phương Tây. Tôi thích những người hát cứng rắn như Elvis Phương, Thái Châu. Ca sĩ hát “ẻo lả” quá tôi không thích".
Cũng tại sự kiện, nhạc sĩ U.80 cho biết nhiều khán giả và kể cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ trong Bài thánh ca buồn. Nguyễn Vũ chỉ ra phần ca từ bị sai như sau: "Câu tôi viết là "Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt", nhưng thường ca sĩ lại hát "Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt". Hay ở câu "Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang", vì trong đạo Công giáo có lễ hôn chân Chúa, nhưng nhiều ca sĩ lại hát không đúng thành "Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang". Một câu khác, tôi viết "Ôi giọng hát em mênh mang buồn" thì có người lại hát "mênh mông buồn". Còn nữa, câu hát "Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau" bị các ca sĩ đổi thành "Rồi một chiều áo trắng phai màu, em qua cầu xác pháo bay sau". Ngoài ra, câu hát "Rồi những đêm thế trần đón Noel" bị sai nhiều nhất. Nhiều người hát là "giáo đường, thánh đường đón Noel". Đêm Noel không phải là đêm của những người có đạo nữa, mà cả thế giới, theo đạo nào cũng có thể chung vui nên "giáo đường, thánh đường" chỉ là phạm vi nhỏ...".
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Vũ cũng đưa ra quan điểm về cách hát bolero. Ông thẳng thắn cho biết bản thân khó chịu khi một số người nói nhạc bolero "hát sến". Theo nhạc sĩ, trong nhiều chương trình, gameshow về bolero hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất, ca sĩ trẻ lầm tưởng tất cả nhạc xưa đều là bolero. "Một số ca khúc thuộc thể loại slow rock, valse, boston, tango... nhưng đều bị đánh đồng là bolero. Thường thường người ta dùng cái câu mà tôi rất bực mình là "mấy người hát sến quá". Bolero không sến, nhưng vì cách hát theo vọng cổ, tân cổ nhiều quá nên bị đánh đồng như thế", ông nói.
Bình luận (0)