Hồng Bàng đất mẹ Văn Lang là tập nhạc gồm 50 ca khúc về lịch sử, từ thời đại Hồng Bàng (trước công nguyên) liên tục qua quá trình dựng nước, giữ nước, kéo dài đến giai đoạn phong trào Duy Tân năm 1872, do nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sáng tác với sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo.
Công trình nghệ thuật gồm tập nhạc với 140 trang, được in màu công phu. Tất cả các tập nhạc đều có mã QR code, chỉ cần quét để xem video, karaoke trên YouTube rất sống động. Với tiết tấu và giai điệu âm nhạc đa số mang tính chất hùng ca, tuyển tập sử nhạc trên rất hữu ích trong các sinh hoạt cộng đồng như trường học, hội đoàn thanh niên, học sinh sinh viên, hướng đạo sinh...
Tại buổi giới thiệu, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn giao lưu, ký tặng tập nhạc cho khán giả tham dự. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM cũng dành một góc ở gần sân khấu để trưng bày những ấn phẩm mà nhạc sĩ đã xuất bản.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM chia sẻ nhạc sĩ Phạm Đăng Khương có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng của Nhà văn hóa Thanh Niên nói riêng và cả nước nói chung. Suốt thời gian dài khi công tác và gắn bó với Nhà văn hóa Thanh Niên, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương góp phần quan trọng trong hoạt động chức năng của đơn vị và cả phong trào về văn hóa nghệ thuật của Thành đoàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đều có những dấu ấn tích cực. Trong mỗi sự kiện quan trọng của tổ chức đoàn, đại hội, sự kiện chính trị... thì những bài hát của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương góp phần quan trọng để đem lại cảm xúc cho giới trẻ.
"Chính những tác phẩm này đã lan tỏa thông điệp rất đẹp của tổ chức đoàn với người trẻ. Ví dụ như bài Khi Tổ Quốc cần, Thành Đoàn bản hùng ca, Thanh niên vì ngày mai... là những ca khúc đã đồng hành với các phong trào thanh niên tình nguyện. Tại Nhà văn hóa Thanh Niên, anh Khương tập hợp được một lực lượng đông đảo các nhạc sĩ ở nhiều thế hệ, từ nhạc sĩ gạo cội đến nhạc sĩ trẻ để đóng góp cho phong trào văn hóa nghệ thuật của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đến bây giờ, niềm đam mê sáng tác của anh Khương vẫn còn. Anh vẫn tiếp tục đồng hành cùng Nhà văn hóa Thanh Niên và tiếp tục có những sáng tác phù hợp trong cuộc phát triển của thành phố", Giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM chia sẻ.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, là tên tuổi quen thuộc của giới âm nhạc TP.HCM. Cả cuộc đời ông gần như gắn bó với Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM). Từ năm 1977, khi còn là sinh viên khoa Toán, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, ông đã theo học lớp Sáng tác ca khúc ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Sau đó ông trở thành hội viên của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành đoàn.
Năm 1991 nhạc sĩ Phạm Đăng Khương làm Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật rồi Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Ông tốt nghiệp bậc đại học, Nhạc viện TP.HCM - khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy (năm 1998). Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cũng là người đam mê và có tài ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Ngoài việc sáng tác nhạc, giai đoạn sau này ông còn tự thiết kế phòng thu âm, quay phim, dựng phim, chụp hình nghệ thuật, đạo diễn những bản video và karaoke, tham gia làm phim du lịch ở rất nhiều nước trên thế giới cho những công ty du lịch nổi tiếng. Ngoài ra, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn viết sách, thiết kế mỹ thuật cho những tập sách, tập nhạc...
Bình luận (0)