Từ toán sang... nhạc
Phạm Đăng Khương là nhạc sĩ đa tài vì cái gì cũng làm được, từ viết sách, quay phim, đạo diễn, biên tập âm nhạc, dựng phim, hát, đàn... Anh còn là tác giả của loạt ca khúc về thanh niên: Thanh niên vì ngày mai, Thanh niên Việt Nam, Khi Tổ quốc cần, Mùa hè sinh viên, Bài ca thanh niên công nhân... Hơn 40 năm sáng tác (anh viết từ khi học lớp 11), gia tài của anh là khoảng 400 bài hát.
|
Ít người biết ngày xưa nhạc sĩ Phạm Đăng Khương là người đam mê toán, giỏi toán lúc còn học ở Quảng Ngãi. Sau đó anh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với mục đích: “Kiếm chút học bổng. Vì lúc đó chỉ có trường này là có học bổng toàn phần. Một tháng được phát 36 đồng. Tiền ăn cả tháng chỉ có 18 đồng, còn lại để mua sách, tiêu vặt, lại được cho ở nội trú nữa. Nếu thi vô trường khác, làm gì có tiền đóng học phí. Khi vào học tôi được phân công làm lớp trưởng. Khổ nỗi, chân ướt chân ráo nhà quê lên tỉnh, mình nói giọng Quảng Ngãi rặt, mấy ông bạn miền Nam không hiểu gì, bị chọc suốt ngày. Học toán mà ham viết nhạc, rồi lại bị ông Nguyễn Văn Hiên (nhạc sĩ) “dụ” đi giao lưu ca hát ở các trường đại học khác. Rồi báo chí, phát thanh giới thiệu bài hát của mình, cứ thế ngày càng xao nhãng chuyện… học toán. Vậy nên khi chia tay toán, tôi xách cặp vô trường nhạc ngồi thêm 5 năm ở bậc đại học nữa”.
Chia tay với nơi gắn bó 40 năm
Về live show thứ 3 trong đời, sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 13.5 tại Nhà văn hóa Thanh niên (NVHTN) TP.HCM với chủ đề Như cơn gió vô tình, anh buồn buồn bảo đây là live show chia tay “khoảng trời” 40 năm làm việc ở NVHTN, chia tay sân chơi sôi động của những người trẻ để bắt đầu bước sang một giai đoạn mới.
Khi còn là sinh viên sư phạm, anh thường rủ bạn bè tới NVHTN vui chơi, sinh hoạt. Lúc đó anh là thành viên của nhóm Sáng tác âm nhạc quần chúng thuộc Bộ Văn hóa. Đến năm 1977, nhóm chuyển về NVHTN, ở đây có những nhạc sĩ đàn anh như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Đoàn Đình Thạch... Từ ngày về sinh hoạt với nhóm sáng tác, tuần nào anh cũng đến NVHTN 3, 4 lần để học nhạc. Sau đó anh làm Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật tại NVHTN. Chính anh cùng nhạc sĩ Lê Chí Thành và đạo diễn Hữu Luân đã tạo nên nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Chỉ riêng mảng âm nhạc thôi mà giờ ngồi nhẩm tính anh đã có khoảng gần 40 đêm nhạc riêng cho từng nhạc sĩ ở NVHTN như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Thương, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Bảo, Diệp Minh Tuyền... Đêm nhạc nào cũng để lại ấn tượng cho khán giả.
“Mỗi đêm nhạc là một màu sắc khác nhau, khán giả chen chúc đứng ngồi đủ kiểu. Có nhiều chuyện cười chảy nước mắt. Lúc đó chưa có máy nhắn tin, chưa có điện thoại di động, nên mỗi lần tổ chức, tôi và đạo diễn Hữu Luân phải chạy xe tới từng nhà ca sĩ để mời diễn. Tới đêm diễn, lúc thì ca sĩ tới đông quá, ai cũng xin hát trước để chạy chỗ khác. Nhưng cũng có lúc tới giờ diễn mà chưa có ma nào tới. Khỏi phải nói chúng tôi run như thế nào, phải nặn óc nghĩ ra cách giao lưu với nhạc sĩ, khán giả để câu giờ”, anh kể.
Vì là đêm nhạc của từng nhạc sĩ nên ca sĩ ngày ấy phải hát theo bài trong chương trình. Có lúc là những ca khúc mới, ca sĩ phải ráng học cho thuộc. Hồi đó chưa có kiểu hát nhép như bây giờ nên nhiều khi ca sĩ không nhớ lời, có người phải lấy viết ghi lời vào hai bàn tay, lúc nào quên thì len lén nhìn vô tay để coi. Nhạc sĩ kể lại kỷ niệm anh nhớ mãi: “Đang lúc cao hứng, ca sĩ Q.L quên lời, đành đưa tay trái ra phía trước, lật bàn tay lén nhìn, rồi đưa bàn tay phải lên liếc. Khổ nỗi là không nhớ câu bị quên đã ghi ở tay nào. Khán giả chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, tôi ở hậu đài nhìn cảnh đó muốn… lộn ruột. Sợ khán giả biết thì chết”.
Ca sĩ Lê Tuấn trở lại sau nhiều năm “mất tích”
Sự trở lại của ca sĩ Lê Tuấn trong live show Phạm Đăng Khương là do nhạc sĩ với anh có nhiều kỷ niệm. Họ đã từng gắn bó nhiều năm thời hoàng kim, nhất là ở NVHTN. “Nhận tin nhắn anh Khương tôi mất ngủ suốt. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đồng ý”, Lê Tuấn nói.
Thời hoàng kim, đi đâu cũng nghe Lê Tuấn hát: “Này cô bé có chiếc răng khểnh...”, hay Mong đợi ngậm ngùi cùng Thủy Tiên, rồi Tháng năm học trò, Áo trắng sân trường, Như cơn gió vô tình, Trường xưa lối cũ, Cô bé u sầu, Người yêu nhỏ xinh, Xe đạp ơi... Trong 20 năm trải nghiệm với nghề, Lê Tuấn tâm sự: “Năm 1989, tôi từng làm đồng nghiệp giật mình vì hát nhạc xưa, nhạc bolero và là ca sĩ đi show tỉnh giá cao nhất. Mỗi show tôi hát 8, 9 bài (45 phút), vừa nhảy múa cùng vũ công như một “Madonna boy”, “chơi” luôn nhạc tình, nhạc quê hương, kể cả vọng cổ. Năm 1994 tôi hát bài Phượng hồng trong Duyên dáng VN, rồi 2 kỳ tiếp theo tôi đều tham gia. Trước mắt tôi chỉ trở lại với đêm nhạc anh Khương nên chưa thể tính những chuyện tiếp theo”. Khoảng 10 năm trở lại đây Lê Tuấn rời showbiz, chuyên tâm hoạt động kinh doanh.
Các nghệ sĩ tham gia live show thứ 3 của Phạm Đăng Khương ngoài Lê Tuấn, có Đàm Vĩnh Hưng, Vân Khánh, Ngọc Ánh, Trang Nhung, Nguyên Nhung, Hoàng Việt, Quỳnh Như, nhóm Mắt Ngọc, nhóm hài Tuổi Đôi Mươi (có Phước Sang, Hoàng Sơn, Nhật Cường với vai trò khách mời), MC: Hữu Luân, Quỳnh Hoa... Nhạc sĩ cho biết họ tham gia chương trình vì cái tình với anh, không nhận thù lao.
|
Bình luận (0)