Nhạc sĩ Phạm Duy từng là đạo diễn điện ảnh

22/04/2018 07:09 GMT+7

Phạm Duy là nhạc sĩ có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ về sáng tác cũng như thể loại nhưng ít ai biết rằng, ông đã từng có thời gian rẽ ngang, mong muốn trở thành đạo diễn điện ảnh và là một cây bút phê bình phim uy tín trên tờ tạp chí Điện ảnh vào những năm 1950.

Chuyển sang điện ảnh để trốn… scandal
Năm 1956, sau vụ scandal ầm ĩ về tình cảm trên báo chí Sài Gòn và Hà Nội giữa Phạm Duy và một nữ ca sĩ, ông đã từng có thời gian “lánh nạn” sang ngôi nhà điện ảnh - thực ra cũng là niềm đam mê sau những năm du học ở Pháp. Trong cuốn Hồi ký Phạm Duy (tập 3), ông viết: “Sự buông thả không kiềm chế trong sáng tác cũng như trong đời sống hằng ngày đẩy tôi vào một cuộc tình đáng lẽ tôi nên tránh. Thành thực mà nói, tôi muốn tránh cũng không được. Vì nhu cầu của công tác điện ảnh, tôi sống quá gần gũi với người vợ của em vợ, đôi khi còn phải sống chung ở Hồng Kông hay Manila để hoàn tất cuốn phim”.
Sau vụ tai tiếng tình ái nói trên và bị chỉ trích nặng nề, Phạm Duy dừng hợp tác với ban nhạc hợp ca Thăng Long và chuyển sang làm việc ở Trung tâm điện ảnh. Có lẽ đây chính là giai đoạn mà ông muốn thử sức với vai trò đạo diễn điện ảnh, thậm chí còn muốn trở thành nhà phê bình phim.
Trong Sổ tay Kịch ảnh của tác giả Viễn Kính trên tờ tạp chí Điện ảnh (nhà văn Nguyễn Ngọc Linh chủ biên), số ra ngày 3.1.1959, có đoạn: “Phạm Duy chỉ là phụ tá đạo diễn cho nhiều cuốn phim ngoại quốc quay tại đây và vừa qua mới chính thức làm đạo diễn cho cuốn phim ngắn Làm lại cuộc đời, nặng về phần chắp nối tài liệu hơn là điều khiển diễn xuất và thu hình. Vì vậy lần này Phạm Duy nhất quyết thực hiện một phim dài và được ông Đỗ Bá Thế, Giám đốc Đông Phương films, mời phụ trách đạo diễn cuốn phim Hai người mẹ sắp quay nay mai. Theo lời Phạm Duy thì đây là một cuốn phim tình cảm thực hiện khoảng 80% nội cảnh và 20% ngoại cảnh, nếu khởi quay trong tuần này thì hy vọng có thể chiếu tết được. Đã có lần người ta nghe Phạm Duy than phiền về nền điện ảnh trong xứ không nuôi nổi đạo diễn, tài tử, đã tưởng anh từ giã điện ảnh để xoay qua nghề khác, nhưng trái lại, trông anh lúc này lại có vẻ “hăng” hơn bao giờ hết. Mong rằng cuốn phim Hai người mẹ sẽ gặt hái được nhiều kết quả như ý để đạo diễn có thể hăng hái tiếp tục làm nghề mãi mãi, cho khán giả được thưởng thức tài nghệ”.
Đến nay không ai biết bộ phim Hai người mẹ thành công đến đâu và Phạm Duy có tiếp tục đạo diễn bộ phim nào nữa không. Tuy nhiên, trên tờ tạp chí Điện ảnh năm 1959, tôi tình cờ phát hiện ra nhiều bài phê bình những tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới, nằm trong chuyên mục Những tác phẩm điện ảnh và đều được ký tên Phạm Duy.
Bài viết về phim Xô nhau đi tìm vàng của Phạm Duy trên tờ Điện ảnh Ảnh: L.L
Cây bút phê bình điện ảnh sắc bén
Sau vài năm du học ở Pháp và xem nhiều bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới ở Trung tâm văn hóa Pháp tại Sài Gòn, Phạm Duy có con mắt rất tinh đời khi lựa chọn hầu hết những tác phẩm lớn đã ra đời trước đó nhiều năm để viết bài bình như Kẻ cắp xe đạp (của đạo diễn Ý Vittorio De Sica), Công dân Kane (đạo diễn Mỹ Orson Welles), Xô nhau đi tìm vàng (Charlie Chaplin), Bác sĩ Caligari (đạo diễn Đức Robert Wiene), Ảo mộng lớn (đạo diễn Pháp Jean Renoir)...
Trên tờ Điện ảnh, số 14.2.1959, bài viết mở đầu cho chuyên mục Những tác phẩm điện ảnh, ông viết bài giới thiệu về bộ phim kinh điển Kẻ cắp xe đạp (1949): “Phim của De Sica không thuộc vào hàng tả thực, chuyên môn phô bày những cảnh hang cùng ngõ hẽm, bùn lầy nước đọng, đĩ bợm, ăn cướp, giết người. Ông đã theo truyền thống nghệ thuật của Ý Đại Lợi, với tinh thần bác ái và sự kêu gọi đau khổ trong những bức tranh cổ. Với Kẻ cắp xe đạp, De Sica đã làm vẻ vang cho nghề điện ảnh. Dưới bề ngoài rất đơn sơ, De Sica đã đưa lên rất nhiều vấn đề, ông gửi thế giới và con người vào một câu chuyện thống khổ đáng để cho ta phải suy nghĩ”.
Ở số báo tiếp theo, với bộ phim Xô nhau đi tìm vàng, ông viết: “Kể từ phim Charlot đi lính (1918), cho tới những tác phẩm gần đây của Charlie Chaplin, không lúc nào ông ngưng đặt vấn đề giữa con người, nghệ sĩ và tác phẩm… Không thể viết hoặc nói riêng một phim của ông mà không nhắc đến toàn thể sự nghiệp của ông. Nhìn thấy sự nhất trí trong việc tạo nhân vật, chúng ta thấy ông trung thành với quan niệm riêng của ông về cuộc đời… Xô nhau đi tìm vàng là một phim nổi tiếng của ông, phác lại cảnh cơ cực của đời người khi ảo vọng bị tan vỡ… Tuy là một phim khôi hài, nhưng Charlie Chaplin đã pha thêm rất nhiều vị chua cay và sau tiếng cười, người xem muốn khóc luôn”.
Về phim Công dân Kane (1941), Phạm Duy đánh giá: “Ngoài vấn đề về ngữ thuật điện ảnh, với Công dân Kane, Orson Welles còn làm cả một cuộc cách mạng về “kịch nghệ”, nếu ta nhìn vào cách bố cục của truyện này. Lẽ ra phải xây dựng dần dần câu truyện như người ta thường làm, Orson Welles đã làm trái lại, nghĩa là gỡ truyện ra như ta tháo một cái đồng hồ chẳng hạn, tháo ra để xem cách chạy của đồng hồ. Kể từ khi Công dân Kane ra đời cho đến nay, Orson Welles đã thực hiện thêm 9 phim nữa, tất cả đều xuất sắc như nhau và duy trì địa vị ông vào bậc nhất nhì của thế giới. Người ta đã kính phục ông, không phải chỉ vì giá trị riêng của tác phẩm mà do ông đã đem sinh khí mới mẻ cho điện ảnh, một nghệ thuật đang đi dần vào sự dễ dãi và sa đọa...”.
Trong những số báo tiếp theo, Phạm Duy còn tiếp tục phân tích những kiệt tác quan trọng khác của điện ảnh thế giới trong chuyên mục Những tác phẩm điện ảnh. Các bài phân tích của ông đều rất khúc chiết, dễ hiểu ngay cả với những người chưa xem phim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.