Sau 5 lần tổ chức, lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival đã đón hơn 225.000 khán giả trong nước và du khách quốc tế tới du lịch Hà Nội. Với sứ mệnh là nguồn cảm hứng mới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo, Monsoon Music Festival 2023 được xem là sự kiện văn hóa, phát triển thành mô hình lễ hội thành phố lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ 14 - 22.10.
Một trong những điểm nhấn của Monsoon Music Festival năm nay là hành trình xuyên Tây Bắc với dự án Cánh đồng Di sản do Hội đồng Anh phối hợp cùng Crytic (Vương quốc Anh) và Thanh Viet Production thực hiện. Đây là dự án đa ngành kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác để có cái nhìn sâu sắc hơn về các nhóm dân tộc di cư.
Dự án Cánh đồng Di sản lấy nguồn cảm hứng từ quá khứ nhằm khám phá cảnh quan, âm thanh độc đáo của vùng đất Tây Bắc, từ âm thanh của núi rừng, văn học, văn hóa địa phương đến các bài hát, ngôn ngữ truyền thống. Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, tổng đạo diễn Monsoon Music Festival và đại diện đơn vị đồng hành - bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam về sự kiện âm nhạc này.
Cần tạo điều kiện để nhạc dân tộc phát huy hết cái hay
* Thưa anh, đâu là cảm hứng ra đời của dự án Cánh đồng Di sản và tại sao lại là văn hóa Tây Bắc?
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi là một người đi rất nhiều nhưng là đi nước ngoài, Việt Nam tôi lại ít đi hơn. Phải 10 năm trước tôi mới thực sự biết Sa Pa là như thế nào, nhưng lúc này Sa Pa không còn đẹp nữa và phải đến lúc gần dịch tôi mới có dịp được đến Hà Giang. Tôi cũng rất là xấu hổ về điều này (cười). Nhưng, về âm nhạc dân gian của Tây Bắc thì tôi biết rất rõ, vì làm việc ở Viện Nghiên cứu âm nhạc. Với tôi, rất nhiều chất liệu âm nhạc của vùng Tây Bắc vô cùng quen thuộc.
Tôi có tình cảm đặc biệt với âm nhạc dân gian Tây Bắc. Khi có dịp nghiên cứu về nhạc điện tử trong thời gian dịch Covid-19 và trao đổi với nghệ sĩ nhạc điện tử Xinh Xô, tôi càng dành nhiều tình cảm cho âm nhạc độc đáo của vùng đất này.
Thực ra, dự án Cánh đồng Di sản được tôi và Xinh Xô ấp ủ ý tưởng từ khoảng 3 năm rồi, ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã có ý định sẽ cùng nhau khai thác những chất liệu âm nhạc dân gian độc đáo của vùng này. Thế nhưng, dự án này chỉ dần được hình thành trong chuyến đi do Hội đồng Anh tổ chức sang Vương quốc Anh để gặp gỡ các đối tác.
* Anh đã hợp tác với Hội đồng Anh từ khá lâu. Qua các dự án của họ, anh có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ trẻ Việt và cả của nước Anh. Anh đánh giá thế nào về sự chuyển biến trong tư duy sáng tạo của người trẻ Việt Nam?
- Các nghệ sĩ trẻ của chúng ta có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm. Thứ nhất, sự trưởng thành trong tư duy chậm hơn ở nước ngoài. Ở nước ngoài, từ 18 - 21 tuổi, các bạn trẻ đã biết rõ họ đi như thế nào, chơi nhạc gì, con đường phát triển ra sao. Nhưng ở Việt Nam, vẫn còn nhiều bạn trẻ loay hoay trong việc tìm hướng đi cho mình, có khi đến 25 - 28 tuổi vẫn chưa biết mình sẽ thế nào, vẫn thử đủ kiểu. Điều này khiến chúng ta bị chậm. Khi bị chậm, chúng ta dễ rơi vào tình trạng nản hoặc thui chột cảm hứng.
Thứ hai, điều tôi thấy vô cùng quan trọng chính là giao tiếp, giao tiếp với bên ngoài. Khi giao tiếp với bên ngoài, chúng ta sẽ thấy không gian, mức độ sáng tạo của các nghệ sĩ nước ngoài mở rộng ra sao. Vì bị giới hạn trong giao tiếp với bên ngoài nên nhiều khi chúng ta ngộ nhận, mình đang rất mới. Nó có thể mới với mình nhưng thực tế so với bên ngoài lại không mới, thậm chí có nhiều hạn chế. Thế nhưng, tôi không thể nói với các bạn ấy về những hạn chế này. Thú thật là nói cũng không được, không thể thuyết phục được. Cách tốt nhất là tạo cơ hội để các bạn được tiếp cận nhiều hơn, được nghe nhiều hơn và được thấy trực tiếp nhiều hơn. Chỉ có như vậy, các bạn trẻ mới có thể tự thân đổi mới.
Giống như các bạn trẻ, đó cũng là những hạn chế tôi đã từng đối mặt. Thế nên, giờ đây, tôi mong muốn các bạn trẻ có thêm cơ hội để được thấy bên ngoài nhiều hơn, được có thêm nhiều hơn cơ hội trải nghiệm. Tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đi ra nước ngoài tham quan, tham dự các Festival, nhưng khi có điều kiện kết nối với đời sống âm nhạc và sáng tạo của thế giới chúng ta sẽ có thêm cơ hội để học hỏi, trải nghiệm và phát triển. Vậy nên, những chương trình kết nối Việt Nam và thế giới như các dự án mà Hội đồng Anh đang làm sẽ là những cơ hội quý giá dành cho các bạn trẻ.
* Âm nhạc dân tộc chúng ta rất độc đáo nhưng vẫn còn đó những rào cản, những thách thức để đến được với đại bộ phận công chúng. Để âm nhạc dân gian được phổ cập hơn, chúng ta cần phải làm gì, thưa anh?
- Tôi nghĩ không khó để làm được điều này, âm nhạc dân gian hay bất cứ thứ gì khác thì cũng chỉ là chất liệu ban đầu, những cảm hứng ban đầu. Muốn thuyết phục được khán giả nó phải trở thành "great art", tức là một sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Bạn cứ tưởng tượng thế này, chúng ta có kịch bản rất hay, rất hấp dẫn, nhưng nếu diễn viên tồi và đạo diễn kém thì không thể có một bộ phim hay. Âm nhạc cũng như vậy. Cái khởi đầu chỉ là cảm hứng, chất liệu cũng chỉ là cảm hứng. Nếu không có kỹ năng, không có tài năng để biến nó trở thành sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì không bao giờ có cơ hội để có thể thuyết phục khán giả.
Nhiều người không thích nhạc dân tộc, bởi vì nó vẫn như vậy trong 40 - 50 năm nay, không có gì mới cả. Đương nhiên, sáng tạo không phải là sự pha trộn tùy hứng. Theo tôi, sáng tạo không phải là dùng nhạc cụ dân tộc nhưng lại chơi theo cách phương Tây, ví dụ đàn tì bá được đánh giống đàn guitar, đàn bầu đánh giống đàn guitar… Đó không phải là thứ sáng tạo để trở thành cái nghệ thuật đỉnh cao mà chỉ là sự ngạc nhiên thú vị cho người nghe. Tất nhiên, không thể vì thế mà bảo nhạc dân tộc Việt Nam khó nghe.
Thực ra, nó không gần gũi tức là nó không hay mà không hay thì không thuyết phục được người nghe. Để nó hay cũng phải phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện diễn phải hoàn hảo và điều kiện nghe cũng phải hoàn hảo. Vì vậy, để âm nhạc dân tộc đến gần với mọi người, chúng ta phải tạo điều kiện để âm nhạc dân tộc phát huy hết cái hay của nó.
* Hội đồng Anh mong muốn điều gì khi triển khai các dự án như hỗ trợ lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa hay là các cái dự án khác tại Việt Nam?
- Bà Donna McGowan: Trong 10 năm qua, Hội đồng Anh và nhạc sĩ Quốc Trung đã làm việc với nhau rất nhiều lần và cũng đã hỗ trợ cho dự án Monsoon trong nhiều năm qua. Mong muốn của Hội đồng Anh là gắn kết với các nghệ sĩ mới, ban nhạc mới, nhạc sĩ mới ở Việt Nam và cố gắng kết nối với âm nhạc nghệ thuật quốc tế.
Qua những dự án đã và đang triển khai, chúng tôi cố gắng xây dựng sự kết nối giữa Việt Nam với Vương quốc Anh, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và văn hóa âm nhạc, đồng thời cố gắng tạo ra những cơ hội, đặc biệt là cho các nhạc sĩ và ban nhạc trẻ để họ có thêm cách nhìn khác.
Bạn biết đấy, như nhạc sĩ Quốc Trung đã nói, giới trẻ ở Việt Nam có lẽ không sáng tạo như họ nghĩ vì chưa có đủ những trải nghiệm sâu rộng. Nhưng, khi tiếp xúc với các nghệ sĩ trẻ và nhạc sĩ trẻ Việt Nam qua các dự án của Hội đồng Anh hay những dự án khác tôi thấy rằng họ thực sự muốn, rất sẵn lòng và thoải mái trong việc sử dụng công nghệ. Họ rất muốn làm tốt hơn, muốn sáng tạo, muốn học hỏi và cởi mở với những ý tưởng mới. Tôi nghĩ, đó là điều thực sự thú vị.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, điều đó không chỉ có ở các bạn trẻ làm nghệ thuật mà cả ở những lĩnh vực khác. Trong các nghiên cứu về thế hệ tương lai của chúng tôi luôn có sự tham gia của các bạn trẻ ở mọi lĩnh vực và kết quả cho thấy, người trẻ muốn nói lên tiếng nói của mình, muốn được lắng nghe, muốn có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng, phát triển nghề nghiệp và cơ hội vươn tầm quốc tế. Để có được điều đó không nhất thiết các bạn trẻ phải sống ở nước ngoài mà cần tăng cơ hội được tham gia các chương trình kết nối với bạn bè quốc tế ngay trên quê hương. Hoặc, họ có thể ra nước ngoài làm việc và mang chuyên môn đó trở lại quê hương.
Qua một số nghiên cứu tôi nhận ra, những người trẻ Việt Nam rất tự hào về di sản dân tộc, họ tự hào về tiếng Việt và sự đa dạng của tiếng Việt. Họ muốn sử dụng nó theo cách gắn kết với người khác và mang những trải nghiệm khác biệt về Việt Nam. Những điều này giúp họ phát triển về mặt chuyên môn. Và tôi nghĩ, đó chính là lúc vai trò của Hội đồng Anh được phát huy, là lúc chúng tôi cần giúp xây dựng nên những kết nối, tạo cơ hội để các bạn trẻ được trao đổi, phát triển kỹ năng, phát triển chuyên môn và cuối cùng là dựng nên một mạng lưới có thể tồn tại lâu dài.
* Hiện tại, Hội đồng Anh đang làm gì để giúp xây dựng nên những kết nối ấy, thưa bà?
- Chúng tôi đang thực hiện chương trình UK/Viet Nam Season 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam và kỷ niệm 30 năm Hội đồng Anh hiện diện tại Việt Nam. Chúng tôi làm điều đó dựa trên một số quan hệ đối tác hiện có. Chúng tôi làm việc với dự án Monsoon, nhạc sĩ Quốc Trung và đương nhiên mọi việc không chỉ dừng lại một dự án cụ thể mà còn nhiều điều khác có được từ những dự án hợp tác. Những cơ hội mới luôn phát triển nhờ mối quan hệ mà chúng tôi đã thành công vun đắp.
Đối với UK/Viet Nam Season 2023, chúng tôi tập trung vào ba lĩnh vực: nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và tiếng Anh. Chúng tôi có hơn 30 dự án. Mỗi dự án đều có sự tham gia của một đối tác Việt Nam và một đối tác đến từ Vương quốc Anh. Hầu hết hoạt động diễn ra ở Việt Nam đồng thời có một số hoạt động ở Vương quốc Anh. Trong số hơn 30 dự án đó, 14 dự án là nghệ thuật, diễn ra ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam. Khoảng một phần ba số dự án được phối hợp thực hiện bởi các đối tác mới từ Vương quốc Anh và Việt Nam. Vì vậy, tuy UK/Viet Nam Season 2023 sẽ chỉ diễn ra trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay nhưng chúng tôi tin rằng nhiều mối quan hệ hợp tác cũng như các dự án nhận được hỗ trợ từ Hội đồng Anh qua khuôn khổ UK/Viet Nam Season 2023 sẽ còn kéo dài hơn.
Bình luận (0)